Chuyện dọc đường

Không thể bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn”

26/11/2021, 05:30

Nếu chúng ta chấp nhận xu hướng xem nhẹ, thậm chí bãi bỏ việc dạy lễ nghĩa, đạo đức cho người học, thì tương lai liệu sẽ ra sao?

Mới đây, trong một hội thảo có chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo”, GS. Trần Ngọc Thêm đã có một phát biểu được dư luận toàn xã hội hết sức quan tâm.

Theo đó, giáo sư cho rằng, cần bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các trường học để hướng đến một nền giáo dục tạo ra những con người có tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo cho người học.

img

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường đã dần được thầy cô giáo và các thế hệ học sinh hiểu theo một cách rất “mở” (Trong ảnh: Giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy, Hà Nội rèn chữ cho học sinh lớp 1 khi đi học trở lại sau dịch năm 2020)Ảnh: Tạ Hải

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, học học văn” theo giáo sư Trần Ngọc Thêm là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo ra những con người chỉ biết thừa hành, người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” đối với người trên.

“Nền giáo dục như thế giỏi lắm chỉ giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển”, quan điểm của GS. Thêm là như vậy.

Quan điểm của GS. Thêm lập tức đã gây tranh cãi. Nhiều người đã đặt vấn đề: Nếu theo quan điểm đó, chuyện khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo liệu có mâu thuẫn với việc giữ gìn lễ nghĩa, đạo đức?

Chúng ta không phủ nhận rằng, nếu một nền giáo dục hướng đến đào tạo ra nguồn nhân lực có tư duy phản biện, có sức sáng tạo vượt bậc thì chẳng còn gì tuyệt vời hơn.

Thế nhưng, để xây dựng được một nền giáo dục như thế, chúng ta cần phải thay đổi tư duy giáo dục, có chiến lược phù hợp, từng bước kiện toàn và phát triển giáo dục nước nhà, chứ không thể chỉ bỏ một khẩu hiệu là được.

Mặt khác, từ trước đến nay, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường đã dần được thầy cô giáo và các thế hệ học sinh hiểu theo một cách rất “mở”.

Nghĩa là, “học lễ” không chỉ gói gọn trong nội dung “lễ nghĩa”, mà nó còn là học đạo đức, rèn giũa nhân cách để trở thành một người công dân tốt.

Nhiệm vụ ấy cần được đặt trước hoặc song hành với việc “học văn”, nghĩa là học kiến thức. Mỗi con người, khi đến trường vừa phải trui rèn đạo đức, nhân cách, vừa phải trau dồi tri thức, đó là điều đương nhiên.

Tôi cho rằng, mọi nền giáo dục trên thế giới này đều hướng đến mục tiêu chung như vậy. Bởi, nó sẽ tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức.

Sinh thời, Bác Hồ vẫn thường răn dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Lời dạy ấy, hẳn là Bác muốn mỗi người chúng ta đều phải trang bị cả “đức” lẫn “tài” trong hành trang cuộc đời mình.

Để làm được điều đó, thì nền giáo dục cần dung hòa cả hai chức năng, dạy tri thức và dạy làm người. Hiểu theo nghĩa rộng, câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là hướng đến hai chức năng thiêng liêng ấy.

Thời gian qua, nhiều người than phiền rằng việc giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường đang dần xuống cấp. Hậu quả là một số học sinh ngày càng có biểu hiện thiếu văn hóa, vô lễ, thậm chí là bạo lực với những người xung quanh.

Ở các bậc học cao hơn, người ta vẫn thường phát hiện sự gian lận, mua bán bằng cấp. Nhiều người có học hàm, học vị cao nhưng bị dính vào các nghi án đạo văn hoặc tham nhũng, vi phạm pháp luật đến nỗi phải ngồi tù.

Nếu chúng ta chấp nhận xu hướng xem nhẹ, thậm chí bãi bỏ việc dạy lễ nghĩa, đạo đức cho người học, thì tương lai liệu sẽ ra sao?

Bản chất khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” không hề mâu thuẫn hay cản trở tư duy phản biện của học sinh.

Vấn đề nằm ở chỗ, muốn rèn giũa, đào tạo tư duy phản biện phải thay đổi chính cách dạy và học, hãy bắt đầu bỏ sự khuôn mẫu, việc bỏ bài văn mẫu là một ví dụ.

Trương Chí Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.