Chuyện dọc đường

Không thể dùng nắm đấm giải quyết va chạm

Những hành vi đánh nhau sau va chạm giao thông không liên quan đến văn hóa giao thông mà nó liên quan đến phông văn hóa...

img

Đối tượng Lê Tấn Thành lao vào đánh dã man nữ sinh ở Bình Dương sau va chạm giao thông (Ảnh cắt từ clip)

Những hành vi đánh nhau sau va chạm giao thông không liên quan đến văn hóa giao thông mà nó liên quan đến phông văn hóa cụ thể, ý thức chấp hành các quy định pháp luật cụ thể của một con người.

Bởi hành vi đó sẽ không chỉ xảy ra sau khi va chạm giao thông, mà đối với những người đó, trong bất kỳ va chạm xã hội nào khác, rất có thể họ cũng sẽ sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Ứng xử sau va chạm giao thông phụ thuộc vào đạo đức, tính cách của từng cá nhân. Đây là hành vi liên quan đến đạo đức xã hội, trong khi việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con người lại rất rộng.

Ví dụ, trong trường học, để giáo dục học sinh ngoan ngoãn, không đánh nhau với bạn bè thì trước hết phải xuất phát từ nhà trường, sau đó đến gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng.

Trong trường học thì dạy về lý thuyết, đạo đức, nguyên tắc, thầy cô nêu gương. Trong gia đình thì người lớn phải nêu gương. Trong cơ quan người đứng đầu cũng phải nêu gương.

Liên quan đến đạo đức, bên cạnh những điều người ta nói với nhau về mặt nguyên tắc mang tính lý thuyết thì điều rất quan trọng là người ta ứng xử, hành xử theo tấm gương nào đó. Có tấm gương xấu nào đó hành động bạo lực, họ sẽ học theo.

Từ khi còn là đứa trẻ và đến khi ra cuộc đời, một người nào đó hay sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, và họ coi đó là điều bình thường là vì ông, cha họ hay những người xung quanh luôn ứng xử với nhau theo cách như vậy.

Hay chính bản thân họ cũng bị ứng xử bằng bạo lực trong cuộc sống gia đình hoặc trong công việc, nên họ cho rằng giải quyết bằng bạo lực là việc bình thường, không có gì ghê gớm.

Về giáo dục xã hội, các cơ quan truyền thông hay các tác phẩm văn hóa nghệ thuật cần theo xu hướng lên án, không cổ vũ bạo lực, để làm sao đại đa số mọi người trong xã hội đều nhìn nhận việc dùng bạo lực để giải quyết tình huống trong đời sống xã hội là vi phạm pháp luật, xuống cấp về đạo đức.

Đương nhiên, với những người sử dụng bạo lực về mặt xã hội sẽ bị lên án và về mặt pháp luật sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Đây là thông điệp cần gửi tới xã hội để cho những ai có niềm tin “bạo lực là giải pháp giải quyết vấn đề” phải chùn tay.

Giống như vi phạm pháp luật về ATGT, cùng với tuyên truyền thông điệp “Đã uống rượu, bia không lái xe”, đi đôi với nó phải là chế tài đủ mạnh để xử lý thích đáng hành vi vi phạm.

Vì vậy, đánh nhau khi va chạm giao thông cũng cần có chế tài xử lý tách biệt với việc ai vi phạm gây ra tai nạn sẽ bị xử lý theo quy định, còn những ai sử dụng bạo lực trong trường hợp này phải xác minh xử lý thích đáng theo quy định.

Việc không xử lý nghiêm những kẻ hành xử côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật trong các vụ va chạm giao thông sẽ tạo tiền lệ xấu cho cách hành xử côn đồ gia tăng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.