Vận tải

Không thể lặp mãi luận điệu “thua trên sân nhà”

14/10/2017, 07:10

Chưa phát triển tương xứng với tiềm năng nhưng không nên cứ lặp lại mãi luận điệu DN logistics thua ngay trên sân nhà...

63

Ông Lê Duy Hiệp

Theo ông Hiệp, hiện nay logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định và đã tiến bộ nhiều cũng như tăng khả năng cạnh tranh so với 10 năm trước đây. Mặt khác dần dần được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, gần đây nhất là Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 là một minh chứng.

Nhưng thực tế, logistics Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế, theo ông đâu là nguyên nhân chủ yếu?

Thực ra gần 20 năm nay các DN logistics VN đã “tự bơi”, tự phát triển và đã có chiếm lĩnh thị phần nhất định như: TCT Tân Cảng Saigon, Công ty CP Gemadept, Công ty CP Transimex, Công ty CP Container Việt Nam, Công ty CP Sotrans… Chúng ta nên ghi nhận những thành tích này hơn là cứ lập lại mãi việc thua trên sân nhà. Nên phân tích rõ các lĩnh vực dịch vụ như khai thác cảng, vận tải container đường bộ - thủy, dịch vụ kho bãi, phân phối... là hiện nay các DN Việt vẫn chiếm thị phần lớn.

Nguyên nhân là các DN của ta chưa đủ mạnh trong khi các DN nhà nước về logistics ngoại trừ TCT Tân Cảng Sài Gòn là phát triển rất tốt còn lại là phát triển kém, mà lẽ ra những đơn vị này phải là quả đấm thép; Hai là, chúng ta xuất phát điểm thấp, chưa áp dụng công nghệ tiên tiến; Ba là, Nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm. Ngoài ra, cơ chế giá đất còn cao làm cho các DN logistics không thể vươn lên làm chủ phương tiện, cơ sở hạ tầng.

64

Cảng Chu Lai

Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển logistics thời gian tới?

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 200 cho thấy sự thấu hiểu, kiến tạo hơn cho ngành. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm: Rà soát, xóa bỏ các rào cản thủ tục hành chính. Bản thân các DN trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, không thể không liên kết lại với nhau, kể cả trong và ngoài nước. Các bạn trong khu vực và trên thế giới cũng đều nhất trí với chúng tôi quan điểm này.

Chuỗi cung ứng dịch vụ logistics theo xu hướng hiện đại là hết sức quan trọng trong việc phát triển ngành logistics, nó đòi hỏi phải áp dụng, công nghệ hiện đại, trang thiêt bị đồng bộ, tiên tiến, giá thành thấp... đòi hỏi toàn xã hội và Nhà nước phải có sự phối hợp và hỗ trợ tốt hơn nữa. Vừa rồi, chúng tôi có tiếp xúc với các bạn Thái Lan, Hàn Quốc và nhận thấy sự hỗ trợ của Nhà nước là rất đáng kể.

Với đặc thù logistics miền Trung, ông đánh giá gì về triển vọng và các giải pháp phát triển dịch vụ này trong thời gian tới?

Đặc điểm miền Trung là hậu phương công nghiệp không đủ mạnh để cung cấp hàng hóa cho dịch vụ logistics lại thêm tình trạng mỗi tỉnh đều có một cảng nên hàng hóa càng bị phân tán, các nhà cung ứng dịch vụ logistics không thể dựa vào qui mô dịch vụ để phát triển. Nhưng nhìn ở góc độ khác thì Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có những điểm thuận lợi để phát triển logistics nhờ vào vị trí trung độ của cả nước và là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây đầu tiên (qua cửa khẩu Lao Bảo) và hành lang kinh tế thứ hai (qua cửa khẩu Nam Giang).

Từ góc nhìn trên chúng tôi cho rằng, có một số việc cần chú ý trong thời gian tới để phát triển dịch vụ logistics tại khu vực Đà Nẵng và miền Trung. Thứ nhất: Tập trung nghiên cứu phát triển logistics vào một đầu mối (có thể gọi là Ban logistics hoặc Trung tâm phát triển logistics) bao gồm các công chức và chuyên gia về logistics để có thể tư vấn hợp lý và sâu sát hơn cho các cấp quản lý trong chiến lược phát triển logistics. Thứ hai: Cần có sự hợp tác vùng để có thể phát huy ưu thế tương đối của từng vùng và hỗ trợ nhau cùng phát triển về logistics. Việc này cần có cơ quan đủ thẩm quyền để tác động vào chính sách của từng địa phương sao cho nâng cao giá trị của toàn vùng hơn là cố giành lấy thêm một ít quyền lợi. Với vị trí đầu tàu của khu kinh tế động lực miền Trung, Đà Nẵng cần phải tiên phong trong việc hợp tác vùng, cùng nhau qui hoạch sao cho từng địa phương được hưởng lợi từ logistics nhiều hơn là hoạt động riêng lẻ. Thứ ba: Hợp tác với Lào và Thái Lan để có kế hoạch cùng nhau phát triển các hành lang kinh tế Đông Tây, thay vì chỉ tập trung vào việc cạnh tranh với Thái Lan để lôi kéo hàng hóa về cảng Đà Nẵng. Thứ tư: Xóa bỏ phân biệt giữa các đơn vị logistics Nhà nước và dân doanh. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp năng động tham gia phát triển các dịch vụ gia tăng trong logistics, trước mắt là hoàn thiện dịch vụ logistics nội địa qua việc lưu trữ và phân phối hàng hóa, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phát triển. Thứ năm: Khuyến khích cạnh tranh và kiểm soát giá cả để giảm chi phí logistics, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu thông dễ dàng.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.