Điện ảnh

Không tranh cãi, không phải giải Cánh diều!

22/05/2020, 06:00

Lùm xùm của “Hạnh phúc của mẹ” khiến nhiều người nhớ lại những ồn ào "trời ơi đất hỡi" về các tác phẩm đạt giải hậu Lễ trao giải Cánh diều.

img
Thu Thuỷ lên tiếng tố ê-kíp phim "Hạnh phúc của mẹ" sử dụng trái phép ca khúc "Mẹ con ta luôn có nhau" do cô thể hiện​​​​​​

Liên tiếp ồn ào của tác phẩm đạt Cánh diều Vàng

Sáng 20/5, ca sĩ Thu Thủy lên tiếng trên trang cá nhân về việc ca khúc "Mẹ con ta luôn có nhau" do cô thể hiện được sử dụng trái phép trong bộ phim vừa đoạt giải Cánh diều vàng 2020, "Hạnh phúc của mẹ" (đạo diễn Huỳnh Đông).

Theo đó, Thu Thủy cho biết: "Phim sử dụng 100% ca khúc "Mẹ con ta luôn có nhau" mà nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường tặng riêng cho mình để hát tặng cho con trai nhân dịp sinh nhật lên 3 của con. Sẽ không có gì đáng nói nếu phía nhà sản xuất hay đạo diễn gọi trực tiếp cho Thủy để xin phép sử dụng ca khúc này trong phim. Việc này khiến Thủy cảm thấy bức xúc và hoàn toàn không được tôn trọng khi ca khúc do mình tự bỏ tiền sản xuất và thu âm lại được xài chùa như vậy".

Dưới bài đăng, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường phản hồi Thu Thủy: "Lúc đó là năm 2018, khi bên phía phim liên hệ để mua tác quyền. Em lại nghĩ họ đã trao đổi với chị trước rồi mới có thông tin để liên hệ với em".

Trao đổi với Báo Giao thông, đạo diễn Huỳnh Đông xác nhận đó là sơ xuất của ê-kíp sản xuất. Hiện, ê-kíp đã liên hệ với Thu Thuỷ, hai bên đã thống nhất được các điều khoản, quyền lợi với nhau.

Trước đó, "Hạnh phúc của mẹ" vấp phải tin đồn mua giải Cánh diều 2019 khi mang về 8 trên 12 giải thưởng quan trọng nhất như: Đạo diễn xuất sắc nhất, phim điện ảnh xuất sắc nhất, biên kịch xuất sắc nhất... Thậm chí những nhân vật kỳ cựu trong nghề cũng được cho là không thuyết phục với kết quả này.

img
"Hạnh phúc của mẹ" đã xuất sắc vượt qua nhiều tác phẩm "khuấy đảo" phòng vé như: "Hai Phượng", "Mắt biếc" để giành giải Phim điện ảnh xuất sắc tại Cánh diều 2019

Không phải đến giờ mới gây tranh cãi

Lùm xùm của "Hạnh phúc của mẹ" khiến nhiều người nhớ lại những ồn ào "trời ơi đất hỡi" về các tác phẩm đạt giải hậu Lễ trao giải Cánh diều. Thậm chí, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước phải thở dài: "Giờ nói tới nhắc đến Giải Cánh diều như thể là "mồi nhậu" cho khắp các bên liên quan hơn là giấc mơ phải hướng tới của giới làm nghề. Thậm chí, dương như càng lúc nó càng trở nên là... ác mộng của nền điện ảnh Việt".

Còn nhớ, năm 2018, giải Cánh diều cũng bị phản ứng khi trao giải quan trọng nhất cho "Cô Ba Sài Gòn". Không ít ý kiến cho rằng "Cô Ba Sài Gòn" là một phim tốt nhưng mạch truyện có những điểm giống với "The Devil Wears Prada - Yêu nữ thích hàng hiệu" (2006) của Mỹ. Ban tổ chức (BTC) giải thưởng thậm chí từng cho sẽ xem xét trường hợp của "Cô Ba Sài Gòn". Nhưng chung cuộc, phim thậm chí thắng cả hạng mục Biên kịch xuất sắc.

img
Không thắng giải cao nhất tại Lễ trao giải Cánh diều 2016, nhưng phim "Cha cõng con" (đạo diễn Lương Đình Dũng) gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế

Năm 2016, phi m "Cha cõng con" được đề cử ở 3 hạng mục: Diễn viên nam chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhưng kết quả không đoạt giải vàng hoặc bạc, thua cả phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" không được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn.

Đạo diễn Lương Đình Dũng đã xin trả lại bằng khen cho BTC. Nam đạo diễn sau đó tự nhận mình là “người vô duyên” với giải Cánh diều khi phim ngắn "Hạnh phúc đỏ" (2004) nhận giải khuyến khích từ Hội Điện ảnh nhưng được tham gia liên hoan phim lớn tại Pháp hay phim ngắn "Chuyện ông Mờ" (2007) chỉ nhận được bằng khen rồi cuối cùng lại có giải tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29.

img
Đoàn làm phim "Hạnh phúc của mẹ" tại Lễ trao giải Cánh diều 2019

Nhìn vào giải thưởng năm nay, số lượng 16 phim dự giải trên tổng số gần 50 phim điện ảnh ra rạp năm 2019 là con số khá khiêm tốn. Chưa kể, trong số này, các phim chủ yếu là của các hãng tư nhân sản xuất, nổi bật là các công ty ở phía Nam.

Theo ông Châu Quang Phước, những tranh cãi nối dài trong nhiều năm qua thể phần nào làm giảm đi uy tín của giải thưởng nghề nghiệp của lĩnh vực phim ảnh.

“Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận về giải Cánh diều một cách tổng quan hơn, thay vì xoáy sâu vào các sự vụ mang tính tiểu tiết, ở mỗi mùa. Có thể thấy, “lỗi” này là do tình hình chung của nền điện ảnh nước nhà khi mặt bằng chất lượng phim Việt chưa được định lượng một cách rõ ràng, chưa có tác phẩm thực sự vượt trội và tạo thành “cú huých” cho nền điện ảnh nước nhà.

Một mặt, những “hạt sạn” trong nhiều năm qua cho thấy, BTC rất cần phải thay đổi trong khâu tổ chức một cách triệt để, theo tâm thế “tôi thay đổi, nghĩa là tôi tồn tại” Chẳng hạn, chương trình chuẩn bị tổ chức theo những cách thức năng động hơn, vận động các hãng phim cũ mới ra sao, thậm chí phải biết kết nối chặc chẽ với các nhà tài trợ tổ chức,… bên cạnh các phương án tổ chức phong phú đa dạng ở mỗi mùa mới, đủ sức lôi cuốn công chúng khán giả”, ông Châu Quang Phước cho hay.

Gạt đi những ồn ào bên lề, ở góc độ chuyên môn, rõ ràng Cánh diều rất cần có một tiêu chí chấm giải rõ ràng, minh bạch, hợp thời và thuyết phục. Với cách thức chấm giải và kết quả gây tranh cãi như nhiều năm qua, chắc chắn người được tôn vinh chưa chắc được hưởng niềm vui trọn vẹn, những nhà làm phim tâm huyết sẽ “lạnh nhạt”với giải thưởng được coi là “Oscar của Việt Nam”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.