Kinh tế

Không "trao" đồng nào thì phải "đổi lại" thứ khác cho VAMC?

30/09/2014, 14:06

Tại phiên trả lời chất vấn chiều qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đề cập đến ý trên: nếu không có tiền từ ngân sách thì phải có cơ chế và trao thêm công cụ cho VAMC.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng hướng đến việc có một đạo luật riêng cho VAMC, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội đề cập khi chất vấn - Ảnh: VnExpress.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng hướng đến việc có một đạo luật riêng cho VAMC, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội đề cập khi chất vấn - Ảnh: VnExpress.

“Cho đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa dùng 1% GDP nào để xử lý nợ xấu”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh khi trả lời đại biểu Quốc hội về hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), chiều qua (29/9).

Đại biểu chất vấn, đã một năm hoạt động rồi, VAMC đã mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng việc xử lý thực sự thì nhỏ giọt. Vướng mắc ở đây là gì? Do năng lực thực hiện hay vướng mắc về cơ chế pháp lý trong mua bán nợ?

Trước chất vấn này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn một chi tiết đáng chú ý: để chuẩn bị cho phiên chất vấn, ông có mang theo một bản tài liệu, được nhấn mạnh là dày tới 29 trang, chủ yếu là tập hợp những vướng mắc pháp lý mà VAMC đang gặp phải.

Đã có khoảng một năm chuẩn bị, nhiều cuộc họp bàn và thảo luận về mô hình xử lý nợ này, cũng như đã có một năm thực tiễn triển khai, nhưng chỉ riêng những vướng mắc về cơ chế pháp lý đã dày đến như vậy.

Bản liệt kê trên hẳn sẽ được Ngân hàng Nhà nước gửi đến các cấp và đầu mối chuyên trách để hy vọng từng bước tháo gỡ.

Chi tiết dẫn chứng nói trên dừng lại ở đó. Không rõ trong 29 trang đó có phần nào đề cập đến những vướng mắc cơ chế pháp lý mà chính các tổ chức tín dụng đang hàng ngày gặp phải hay không.

Các tổ chức tín dụng mới chính là những đầu mối trực tiếp sống chung với nợ xấu, chịu áp lực trực tiếp về nợ xấu và đang tìm cách tự xử lý nợ xấu (qua giảm lợi nhuận và tăng trích lập dự phòng, thậm chí cả áp lực trách nhiệm pháp lý). Theo đó, nếu tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình xử lý cho họ cũng chính là tháo gỡ từ gốc.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng hướng đến việc có một đạo luật riêng cho VAMC, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội đề cập khi chất vấn, nhưng nếu có thì đây là một lộ trình lâu dài.

Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tiến hành xây dựng một đạo luật riêng cũng nằm trong loạt đề xuất của một số chuyên gia xuất hiện gần đây. Có điều lạ, những đề xuất đó không có được từ sớm, từ hai năm trước (từ nghiên cứu mô hình đến vận hành thực tế), mà đến nay mới dồn dập như “một cuộc vận động” nào đó vậy (?).

Điểm chung của những đề xuất này là trao quyền năng đặc biệt để VAMC đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, quyền năng đó là như thế nào, có mâu thuẫn với các cơ sở pháp lý khác không, có thể tạo ra cho riêng VAMC mà không xung đột lợi ích hợp pháp của các đối tượng khác, hiệu quả và sự cần thiết của nó như thế nào?

Tiếc rằng hiện chưa có những tham luận, ý kiến đầu tư phân tích và lập luận một cách xứng đáng cho các câu hỏi trên trong các dòng chảy thông tin công bố.

Và quan trọng hơn, nếu quyền năng đó hiệu quả và cần thiết, có mở rộng cho các tổ chức tín dụng được không, bởi họ mới là những đối tượng cần đẩy nhanh xử lý nợ xấu nhất?

Tháo gỡ những vướng mắc cơ chế pháp lý, xây dựng đạo luật riêng, trao thêm quyền năng đặc biệt cho VAMC dường như là một yêu cầu để đổi lại cho việc xử lý nợ xấu khi mà không chi một đồng nào từ ngân sách.

Tại phiên trả lời chất vấn chiều qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đề cập đến ý trên: nếu không có tiền từ ngân sách thì phải có cơ chế và trao thêm công cụ cho VAMC.

Bởi lẽ, như trên, ông Bình dẫn rằng, nhiều quốc gia trên thế giới ít thì dùng 7-10% GDP để xử lý nợ xấu, bình thường cũng dùng tới 20-30% GDP, thậm chí có quốc gia còn dùng tới khoảng 60% GDP…, còn Việt Nam thì chẳng dùng đến 1% GDP nào.

Theo đó, như loạt đề xuất của một số chuyên gia gần đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra yêu cầu về tăng năng lực tài chính cho VAMC. Trước mắt, ông Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ để tăng vốn điều lệ cho công ty này từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Về kết quả hoạt động của VAMC, đến nay số lượng nợ xấu mua lại đã được khoảng 60.000 tỷ đồng. Nếu được đáp ứng những yêu cầu trên, tổng quy mô mua lại đến năm tới, được đề cập trong nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc, có thể lên tới 200.000 tỷ đồng.

Nếu vậy, bằng lát cắt cơ học đó, một phần rất lớn nợ xấu được đưa ra ngoại bảng và tỷ lệ nợ xấu báo cáo sẽ giảm xuống, còn kết quả xử lý thực chất thế nào hẳn là phải chờ từng bước.

Theo Minh Đức/Vneconomy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.