Hỏi - Đáp

Không xác định được lỗi, nạn nhân có được bồi thường?

07/01/2020, 06:23

Với trường hợp như bạn hỏi, người điều khiển ô tô phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân cả trong trường hợp họ không có lỗi.

img
Một vụ TNGT giữa ô tô và xe đạp điện (Ảnh minh họa)

Hỏi: Em gái tôi là sinh viên năm thứ nhất, trọ học một mình ở Hà Nội. Tháng trước, vào buổi tối, em gái tôi đi học ngoại ngữ về bằng xe đạp thì bị một xe ô tô chạy cùng chiều từ phía sau đâm vào khiến em gái tôi bị ngã đứt dây chằng chéo gối, rách bao hoạt dịch gối. Tài xế xe ô tô đưa em gái tôi vào bệnh viện, nộp tạm ứng viện phí ban đầu 3 triệu đồng rồi ra về.

Gia đình tôi ở quê, khi biết tin lên đến nơi thì tài xế ô tô đã rời đi, chỉ để lại số điện thoại. Em gái tôi điều trị 2 tuần trong viện, tổng chi phí hết 20 triệu đồng, tài xế không hề đến thăm. Gia đình tôi gọi vào số điện thoại thì tài xế đó cho biết, em gái tôi loạng choạng tay lái rồi ngã vào ô tô của họ, họ đã nhân đạo đưa vào bệnh viện là xong rồi.

Vậy xin hỏi, trong trường hợp không thể xác định tài xế ô tô có lỗi hay không (do vụ việc không trình báo cơ quan công an, không có nhân chứng) thì tài xế của chiếc xe trong vụ tai nạn đó có trách nhiệm bồi thường cho em gái tôi không?

Trần Thu Thảo (Phủ Lý, Hà Nam)

Trả lời:

Theo Điều 623, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thì nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Như vậy, với trường hợp như bạn hỏi, người điều khiển ô tô phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân cả trong trường hợp họ không có lỗi. Nếu thương tật từ 31% trở lên và họ có lỗi thì người gây tai nạn còn bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.