Kinh tế

Khu dân cư mọc trên đất dự án, cơ quan quản lý không biết?

16/09/2016, 07:03
image

Đại diện BQL khu Nam cho biết không chịu trách nhiệm về những khu dân cư trái phép trên đất dự án.

xây lụi trong dự án đô thị mới NSG hình 1

Ban quản lý Khu Nam thừa nhận có tình trạng xây dựng không phép, trái phép.

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đô thị vừa có đơn gửi đến Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và các cơ quan chức năng phản ánh  nhiều sai phạm và khuất tất xảy ra trong quá trình thực hiện dự án trong Khu Công viên khoa học trung tâm – Đô thị mới Nam thành phố (khu 9A+B).

Thay chủ đầu tư không lý do, hàng trăm căn nhà mọc trái phép

Theo đơn phản ánh của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đô thị,  năm 1999, thành phố chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công viên Khoa học Trung tâm – Đô thị Nam thành phố với diện tích 120ha. Sau đó, Ban quản lý Khu Nam (BQLKN) thuộc UBND TP chấp thuận chủ trương cho Công ty Đầu tư và phát triển Đô thị (gọi tắt là công ty Đô thị) xây dựng hạ tầng khu công viên này.

Trong khi dự án đang triển khai và thành phố rất cần công viên cây xanh, thì BQLKN lại bất ngờ chuyển dự án thành đất ở. Đồng thời tách dự án 120ha giao cho 9 công ty khác nhau, Công ty Đô thị chỉ còn lại 13ha.

Đến tháng 4/2007, BQLKN lại ra văn bản loại bỏ công ty Đô thị ra khỏi dự án và đồng ý cho Công ty Conic thay thế. Nhưng từ ngày Conic được giao đầu tư dự án, từ đất trống, kênh rạch do nhà nước quản lý, đã có hàng trăm căn nhà kiên cố, bán kiên cố mọc lên. Đã tạo thành khu dân cư nhếch nhác ngay bên trong đất dự án.

Suốt 7 năm qua, Công ty Đô thị khiếu nại BQLKN vì bị loại khỏi dự án một cách bất thường nhưng phải đến tháng 7/2014, UBND TP mới quyết định trả dự án khu công viên khoa học về cho Công ty Đô thị.

Điều khiến Công ty Đô thị bức xúc là trách nhiệm quản lý Nhà nước đã bị buông lỏng một cách bất thường, để hình thành cả khu dân cư tự phát ngay trên đất dự án. Dự án đã kéo dài gần 17 năm, nay chủ đầu tư tiếp tục phải tự thương lượng với người dân để giải phóng mặt bằng, phải giải quyết hậu quả rất nặng nề từ đó mới được thực hiện các thủ tục tiếp theo của dự án.

"Ban Quản lý không nhận được phản ánh"

Trao đổi với PV Báo Giao Thông, ông Hồ Trung Hiếu - Phó trưởng BQLKN cho biết không riêng khu 9A+B, mà rất nhiều dự án khác trong khu Đô thị mới Nam Sài Gòn do Ban quản lý, cũng có tình trạng xây dựng không phép, trái phép.

Ông Hiếu xác nhận ở các khu khác, chủ đầu tư đã báo lên BQLKN để nhờ giải quyết. Từ đó Ban đã kiến nghị đến Thanh tra xây dựng, chính quyền xã đến lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng xây dựng.

Tuy nhiên dự án 9A+B thời Conic được giao làm chủ đầu tư từ 2007 đến 2014, công ty này đã để mặc người dân xây dựng tràn lan. Ông Hiếu thừa nhận suốt thời gian này BQLKN đã không nhận được phản ánh nào của Conic. Ông Hiếu nói BQLKN chỉ quản lý các dự án của chủ đầu tư, còn tình trạng xây dựng không phép, trái phép là trách nhiệm của UBND huyện Bình Chánh. Và hiện nay lĩnh vực xây dựng ở huyện Bình Chánh đang bị Thanh tra TP HCM thanh tra toàn diện vì để xảy ra quá nhiều sai phạm.

xây lụi trong dự án đô thị mới NSG hình 2

Nhiều khu nhà nhếch nhác đã mọc lên trên đất dự án đã được Nhà nước phê duyệt, gây nhiều hệ lụy 

 Bị bác nguyện vọng xây bảo tàng văn hóa dân tộc

Trong đơn gửi Bí thư Đinh La Thăng, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, Công ty Đô thị trình bày: Dự án 9A+B dành 7 ha đất làm công viên kết hợp bảo tàng để tôn vinh văn hóa Việt Nam. Công ty đã xây dựng bảo tàng tương tự tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Ninh. Chủ tịch nước, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ ngành đến tham quan, khuyến khích công ty phát triển để bảo tồn văn hóa dân tộc. Công ty có hàng trăm ngàn cổ vật đủ điều kiện xây dựng một bảo tàng, nhưng ông Hồ Trung Hiếu - Phó trưởng BQLKN đều bác đề nghị, không cho làm.

Trao đổi với Báo Giao Thông về phản ánh trên của công ty Đô thị, ông Hiếu cho rằng khu 9A+B có quy hoạch công viên cây xanh tập trung, không có chức năng bảo tàng. Trong quy hoạch công viên xây xanh, các nhà đầu tư có nghĩa vụ đóng góp, từng nhà đầu tư không làm độc lập được mà phải có thiết kế tổng thể. Khi được phê duyệt thiết kế tổng thể rồi, từng nhà đầu tư lúc ấy mới thực hiện hạng mục của mình.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận sau 17 năm từ lúc dự án được duyệt đến nay vẫn chưa có thiết kế tổng thể và không biết đến khi nào mới xong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.