Hạ tầng

Khúc tráng ca nữ công nhân Đội công trình 609

07/05/2016, 07:18

Những nữ công nhân đường sắt Đội công trình 609 thuở ấy không thể phai mờ những năm tháng vui mở đường...

25

Thực hiện kế hoạch chống phong tỏa cảng Hải Phòng của giặc Mỹ, chị em Đội 609 tham gia cùng các đơn vị khẩn trương thi công bãi hàng ga Đồng Đăng.

“Bàn tay em phá đá mở đường”

Giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ngoài 70 nhưng bà Hà Thị Lơ, nguyên Đội phó Đội công trình 609 (Công ty Đường 6, nay là Công ty CP Công trình 6) vẫn nhớ như in những năm tháng vừa rời ghế nhà trường xung phong đi công nhân đường sắt trên khắp các công trường.

Bà hào hứng kể, Đội công trình 609 được thành lập năm 1966 với khoảng 100 chị em nữ, nhưng tiền thân là Đội 606 toàn nữ công nhân vốn là những cô gái chỉ quen làm cỏ, gánh phân, tay liềm tay hái hoặc vừa rời ghế nhà trường. Nhiệm vụ của đội là vác tà vẹt, khiêng ray, gánh đá, san lấp đường… Đặc biệt, những tháng ngày ở núi rừng Lào Cai với những địa danh gắn nhiều truyền thuyết như “cọp Bảo Hà, ma Trái Hút” rồi Lang Khay, Lang Thíp, toàn chị em nhưng cũng bạt núi mở đường.

Đội Công trình 609 được mệnh danh là con chim đầu đàn, bốn năm liền được Chính phủ công nhận là đơn vị lao động xã hội chủ nghĩa, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam công nhận là Đội nữ ba đảm đang. Tháng 6/1972, Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Đội công trình gái 609 vì “không sợ hi sinh gian khổ, nêu gương quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ của đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động Hồ Chí Minh trên mặt trận GTVT, bất chấp bom đạn ác liệt, coi cầu đường là mạch máu, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với tiền tuyến lớn anh hùng”.

“Chị em treo mình lơ lửng như con ếch bám vào vách núi, dùng xà beng vạt đất, đá để chị em ở dưới xúc, gánh đổ đất, san lấp làm nền đường. Có nền đường rồi, đơn vị bạn mới đặt tà vẹt, ray làm đường sắt”, bà Lơ nhớ lại.

Rời Lào Cai, chị em lại có mặt trên các mặt trận giao thông đường sắt miền Bắc với nhiệm vụ lập lại giao thông, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. “Lúc đông nhất cũng gần 120 chị, khi ít thì hơn 90, nhưng cứ trọng điểm bắn phá nào cần là cả đội lại có mặt. Từ ga Yên Viên, cầu Đuống, cầu Tam Bạc, Hải Phòng, lên Lạng Sơn rồi lại vào cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa, đi cứu chữa vào tận Quảng Bình. Toàn phụ nữ nhưng chúng tôi cứ ngâm mình trong bùn nước cả đêm, chuyển đất, đổ đất, lấp hố cho kịp sáng mai thông đường”, bà Ninh Thị Xuê, nguyên Bí thư đoàn Đội 609 sôi nổi kể.

Khó khăn, vất vả nhưng với tinh thần “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”, rồi “Ác liệt không sợ, khó khăn không sờn, lâu không nản, hy sinh không lùi”, các chị vẫn không sợ hãi, không nản lòng. Còn nhớ ngày 11/8/1967, tại Bắc cầu Đuống, Mỹ tiếp tục bắn phá cầu, đường sắt. Một đoạn đường sắt bị bom Mỹ đào thành hố rộng, nước ào ào tràn vào. Chị em đã kịp thời có mặt, khẩn trương, hối hả, liên tục lao động. Sau 4 giờ đồng hồ đã đắp xong đoạn đường dài 50 m để đơn vị bạn đặt lại tà vẹt, đường ray cho tàu tiếp tục thông qua, đưa hàng hóa ra mặt trận. Lần khác, địch đánh vào trận địa 73, hầm bị sập. Trong lửa đạn, chính trị viên Tạ Thị Mão, trung đội trưởng trung đội tự vệ Nguyễn Thị Thảo cùng các chị em dũng cảm lao vào cứu chữa trận địa, cứu bộ đội, băng bó, sơ tán thương binh và củng cố công sự, chuyển đạn cho bộ đội tiếp tục chiến đấu, đánh trả quyết liệt máy bay địch.

Tiếng hát át… khó khăn

“Hồi đó, bom đạn, vất vả, ăn uống kham khổ nhưng tinh thần chị em hăng hái lắm, chẳng sợ gì, chỉ biết công việc”, bà Lơ nói và cho biết, hồi còn làm đường trong rừng núi thì ở lán trại, bữa trưa có cấp dưỡng gánh cơm ra tận công trình vì đường xa đến vài cây số. Nước sinh hoạt phải ra suối xa lấy, một thùng nước gánh về vừa tắm rửa vừa giặt giũ. Sau này đi các công trường ở cầu, ga, được ở nhờ dân làng nên đỡ khó khăn hơn nhưng bữa ăn vẫn thế, chủ yếu là cơm và rau luộc. Một tháng được một tuần ăn bồi dưỡng, nghĩa là bữa cơm sẽ có thịt nhưng cũng chỉ vài ba miếng bé xíu.

Ngày ấy, công trình đang làm trúng bom là chuyện thường ngày, thành ra ai cũng coi là chuyện nhỏ. Sau mỗi trận bom Mỹ đánh hỏng đường sắt hay ga, cầu, chị em lại ào ra cứu chữa. Trong khi nhiều quả bom bi, bom nổ chậm chưa phát nổ ngay, rất nguy hiểm. “Cũng nhiều lần suýt chết đấy, trên đường ra làm, chị em vừa đi qua là bom nổ rung chuyển phía sau”, bà Lơ kể lại chuyện “chết hụt” mà như chuyện đùa.

Không chỉ thế, chị em còn đối mặt trực tiếp với nguy hiểm khi tham gia hỗ trợ bộ đội bắn máy bay Mỹ. “Đến trọng điểm nào, chị em lại kết nghĩa với đơn vị bộ đội ở đấy, tham gia cứu thương, tải đạn… Đội 609 cũng có trung đội tự vệ. Qua nhiều lần trực tiếp phục vụ chiến đấu, huấn luyện, nhiều chị em được làm nhiệm vụ pháo thủ, cầm súng trực tiếp bắn trả máy bay Mỹ”, bà Xuê nói.

Vì công việc chủ yếu làm ban đêm, nên ban ngày ngoài những lúc họp rút kinh nghiệm trong công việc hay sinh hoạt đảng, đoàn thể, chị em tranh thủ tăng gia rau xanh, luống khoai, người tham gia huấn luyện quân sự, ôn bài để tối còn học bổ túc văn hóa… Cứ thế, thời gian cuốn đi.

“Lúc đó, làm gì có phương tiện sinh hoạt, giải trí như bây giờ. Chị em chỉ có tiếng hát làm niềm vui, động viên nhau khắc phục gian khổ, hoàn thành thành tốt công việc, khí thế lắm”, bà Lơ chia sẻ. Vất vả, gian khổ, hiểm nguy nhưng chị em luôn cất cao tiếng hát, “Tiếng hát át tiếng bom”, tiếng hát át khó khăn, vất vả, khơi dậy khí thế, sức trẻ của những cô gái mới ngoài hai mươi căng tràn sức sống, luôn sẵn sàng cống hiến sức trẻ cho những tuyến đường, cây cầu để những con tàu nối nhau ra tiền tuyến, chi viện cho miền Nam đánh to, thắng lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.