Hồ sơ tài liệu

Khủng bố đã thay đổi vận mệnh châu Âu như thế nào?

25/03/2016, 06:26

Sau hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu, châu Âu giờ đây đang phải "gồng mình" tăng cường an ninh trên mọi lĩnh vực.

37855139_-_24_03_2016_-_belgium_brussels_attacks_a
Các nhân viên của sân bay Zaventem cùng nhau lặng lẽ thắp những ngọn nến để tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ đánh bom ở Brussels, Bỉ ngày 23/3 vừa qua.

Châu Âu chưa bao giờ "điêu đứng" vì chủ nghĩa khủng bố như thời điểm hiện tại. Một loại các vụ khủng bố đẫm máu tại Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch và mới đây nhất là Bỉ, đã khiến liên minh châu Âu EU nhận ra rằng, cần phải tăng cường các biện pháp an ninh trên mọi lĩnh vực để bảo vệ mình khỏi khủng bố.

Theo thông tin từ Bloomberg, tháng 1 vừa qua, Đức đã đề xuất tăng ngân sách chi tiêu Quân sự nước này lên khoảng 130 tỷ Euro trong 15 năm. Còn Bỉ đã dành gần nửa tỷ Euro cho việc bắt giữ những phần tử cực đoan trở về nước, củng bố biên giới và tăng cường lực lượng an ninh trên đường phố. Mới đây, Anh đã dành 12 tỷ Bảng Anh để mua máy bay tuần tra biển và tăng số phi đội máy bay chiến đấu. Pháp cũng đã dành hàng trăm triệu Euro để xây dựng những chương trình giáo dục nhằm ngăn chặn thanh niên nước này bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Các biện pháp an ninh được tăng cường khắp mọi nơi. Không khó để thấy hình ảnh các nhân viên cảnh sát với vũ khí hạng nặng tại các thành phố lớn ở châu Âu. Tuy nhiên các vụ khủng bố vẫn xảy ra đã cho người ta thấy rằng có một "lỗ hổng" trong chính sách an ninh của châu Âu, do chính phủ các nước không tích cực chia sẻ thông tin, dữ liệu tình báo về khủng bố.

Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Michael Sapin khẳng định: "Chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ vụ tấn công mới nào. Không ai có thể. Ở đây và cả những nơi khác ở châu Âu, sự nguy hiểm đều hiện hữu. Chúng tôi cần phải đấu tranh chống lại nguồn gốc của sự bất ổn này".

Trước tình hình này, giới chức EU đầu năm nay đã thành lập Trung tâm Chống khủng bố châu Âu để tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tình báo của các nước thành viên và hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống khủng bố. Làn sóng tị nạn đổ vào châu Âu và liên tiếp các vụ khủng bố liên hoàn cũng đã buộc 1 số nước thành viên Hiệp ước Schengen phải tái lập kiểm soát biên giới quốc gia. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong việc ngặn ngừa hiểm họa khủng bố, nhất là trong hợp tác an ninh, nhưng sự kiện đẫm máu tại Brussels cho thấy mọi thứ còn chưa đầy đủ.

IS đã đưa cuộc chiến tranh tới trung tâm châu Âu, một cuộc chiến tranh ngày càng quy mô và nguy hiểm hơn. Có thể thấy rằng, trái tim chính trị của châu Âu, Brussels đang bị tấn công, vụ tấn công này không chỉ được coi là nhằm vào riêng nước Bỉ, mà đó là thách thức chung của cả châu Âu, đòi hỏi một sự hợp tác mang tầm châu lục và thậm chí là toàn cầu để chống khủng bố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.