Thời sự Quốc tế

Khủng hoảng biên giới Belarus-Ba Lan, nhiều nước có động thái quan trọng

Liên Hợp Quốc cho rằng tình hình khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus - Ba Lan đã rơi vào thảm họa và sẽ còn xấu hơn nếu không giải quyết.

Thảm hoạ nhân đạo

Trong chuyến thăm tới khu cắm trại của người di cư tại biên giới Belarus - Ba Lan ngày 12/11, ông Mulusew Mamo, đại diện Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) tại Belarus cho biết tình hình tại đây đang rơi vào “thảm họa” và có thể nhanh chóng diễn biến xấu.

Hãng tin CNN dẫn lời các tổ chức nhân đạo cho biết, người di cư tại khu vực biên giới lúc này vừa phải chống chọi với thời tiết lạnh giá, thiếu thực phẩm, chăm sóc y tế vừa phải sống trong cảnh thường trực lo sợ bạo lực.

img

Người di cư tập trung nhận hỗ trợ nhân đạo. Ảnh - BelTA

Theo giới chức Ba Lan, đã có 7 người di cư được phát hiện tử vong ở phía biên giới của Ba Lan và nhiều người thương vong hơn ở phía biên giới của Belarus.

Trong bối cảnh này, Bộ Quốc phòng Anh đã thông báo cử một nhóm lực lượng vũ trang tới Ba Lan để hỗ trợ về kỹ thuật tại biên giới với Belarus. Động thái này đã vấp phải chỉ trích nặng nề.

img

Trực thăng Ba Lan hạ cánh gần khu vực biên giới Belarus - Ba Lan. Ảnh - AP

Ông Steve Valdez-Symonds, Giám đốc quyền người tị nạn và di cư tại Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định: Việc Anh đưa binh sĩ để dựng thêm hàng rào ngăn cách biên giới thay vì giải quyết nhu cầu của những người di cư đang chết dần chết mòn cho thấy, London coi thường tính mạng con người và quyền được xin tị nạn.

Cũng theo vị Giám đốc, động thái của Anh sẽ khuyến khích các nước khác đi ngược lại trách nhiệm hỗ trợ tị nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh mạng của con người ở biên giới và chẳng có lợi cho ai, trừ những kẻ bóc lột và kinh doanh hàng rào.

Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ cùng dừng các chuyến bay đón khách Syria, Iraq...

Tại biên giới phía Belarus, ngày 12/11, nước này đã chuyển hơn 10 tấn trợ cấp nhân đạo tới khu dựng trại di cư ở đây. Hàng hoá do Hội chữ thập đỏ, một số tổ chức, doanh nghiệp… hỗ trợ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Vladimir Makei khẳng định, nước này sẵn sàng làm hết sức để giảm lượng người di cư đổ về biên giới. Nhà ngoại giao Belarus nhấn mạnh, Minsk không vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Makei lý giải, vì nước này đang phải chịu 4 gói trừng phạt nên đã phải chuyển toàn bộ nỗ lực để bảo vệ biên giới trước các mối đe doạ từ bên ngoài như buôn lậu vũ khí và thuốc phiện…

img

Quân nhân Belarus giám sát người di cư đang tập trung đông tại khu vực biên giới. Ảnh - BelTA

“Trong bối cảnh đó, dù chúng tôi không cố ý nhưng khả năng đảm bảo an ninh vùng biên chắc chắn đã bị suy giảm. Tôi nhấn mạnh một lần nữa, cuộc khủng hoảng hiện nay là hệ luỵ từ những hành động thiếu trách nhiệm, thiếu suy nghĩ do Liên minh Châu Âu khởi xướng”, hãng tin BelTA dẫn lời ông Vladimir Makei nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus khẳng định, Minsk chỉ cấp thị thực cho những người nộp đơn và có đủ điều kiện dựa trên luật pháp hiện hành, phủ nhận cáo buộc từ phương Tây cho rằng chính quyền Belarus cố tình tạo điều kiện cho người di cư đổ tới biên giới, gây bất ổn trong khu vực.

Cùng ngày 12/11, trong thông báo chính thức, hãng hàng không Belavia (Belarus) tuyên bố dừng cung cấp dịch vụ đối với công dân Iraq, Syria và Yemen lên các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Belarus.

img

Máy bay của hãng hàng không Belavia (Belarus). Ảnh - Getty

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đình chỉ bán vé cho công dân Iraq, Syria và Yemen tới Belarus. Thông báo được Cục Hàng không Dân dụng Thổ Nhĩ Kỳ công bố cùng ngày, trước áp lực từ Liên minh Châu Âu.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo, đang xem xét áp lệnh trừng phạt các hãng hàng không của nước thứ ba chở người di cư tới Belarus làm cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới giữa Belarus với Ba Lan thêm trầm trọng.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều cực lực phủ nhận cáo buộc liên quan tới khủng hoảng biên giới Belarus – Ba Lan. Trong đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hãng hàng không Nga Aeroflot khẳng định họ không hỗ trợ vận chuyển người di cư tới Minsk.

Nhiều tuần qua, làn sóng người di cư từ Trung Đông, Châu Phi và Afghanistan đang đổ về biên giới Belarus với Ba Lan để từ đó vào EU. Các nước EU cáo buộc Belarus gây ra cuộc khủng hoảng di cư, trong khi phía Belarus phủ nhận trách nhiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.