Thế giới giao thông

Khủng hoảng công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc

21/07/2016, 08:05

Ngành Công nghiệp đóng tàu từng được xem là “trái tim” của nền kinh tế Hàn Quốc trong suốt nhiều thập niên qua.

1d

Dự kiến tổng giá trị đơn hàng năm nay của ngành Công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc sẽ giảm 85%

Ngành Công nghiệp đóng tàu từng được xem là “trái tim” của nền kinh tế Hàn Quốc trong suốt nhiều thập niên qua, đang có dấu hiệu… "xuống dốc không phanh".

Hàng chục nghìn công nhân “ra đường”

Hàng chục nghìn công nhân ngành Đóng tàu Hàn Quốc lên kế hoạch đình công trong tuần này do các cuộc đàm phán về việc tăng lương cho công nhân tiếp tục rơi vào bế tắc, theo Bussiness Times ngày 18/7.

Khoảng 60% trong số 15.000 công nhân tham gia đình công yêu cầu tăng lương và tiền thưởng. Đại diện Công đoàn Hyundai Heavy Industries cho biết, họ sẽ biểu tình ở thành phố công nghiệp Ulsan, phía Đông Nam Hàn Quốc. Đây là nơi tập trung các nhà máy lớn nhất của công nghiệp đóng tàu và ô tô Hàn Quốc. Hyundai Heavy Industries buộc phải cắt giảm hàng nghìn việc làm trong những năm gần đây nhằm tái cơ cấu lại ngành Công nghiệp đóng tàu một thời hùng mạnh và là “trái tim” của đất nước.

Báo cáo lỗ ròng của Khu công nghiệp Ulsan hai năm liên tiếp sụt giảm 4,4 tỷ USD, cùng với sự sụt giảm kéo dài của giá dầu và suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu đối với tàu chở dầu, tàu container. 3 “ông lớn’’ của ngành Công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc là: Huyndai Heavy Industries; Samsung Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering phải cắt giảm hàng chục nghìn việc làm, gây ra các cuộc biểu tình kéo dài của công nhân suốt thời gian qua, theo AFP. Năm 2015, ba công ty này vất vả xoay xở với khoản thâm hụt lên tới 8.000 tỷ won (6,9 tỷ USD).

Tháng 5 năm nay, theo Bloomberg, Công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering lên kế hoạch cắt giảm 10% công nhân (1.300 người) từ nay đến cuối năm 2018. Hyundai Heavy Industries thì khuyến khích công nhân về hưu sớm, sau khi cắt giảm 25% số nhà quản lý.

Tính đến cuối năm 2014, có khoảng 205.000 công nhân làm việc trong ngành Công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc, theo Hiệp hội Đóng tàu nước này. Một báo cáo mới đây của Công ty Hana Financial Investment nói rằng, sẽ có khoảng 10-15% công nhân trong ngành này mất việc vì tái cơ cấu.

“Dấu chấm hết” cho ngành đóng tàu Hàn Quốc?

Năm 2011, ngành Đóng tàu có tổng giá trị 565,5 tỷ USD, là ngành xuất khẩu hàng đầu quốc gia. Trong suốt nhiều thập niên, đóng tàu đóng vai trò là ngành kinh tế trung tâm của Hàn Quốc, đưa người dân thoát khỏi đói nghèo.

Thế nhưng, theo thống kê mới nhất, giá trị số đơn đặt hàng mới mà các công ty đóng tàu của Hàn Quốc nhận được trong quý I năm nay giảm 94% so với cùng kỳ năm 2015. Theo dự báo của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, tổng giá trị đơn hàng năm nay sẽ giảm 85%, dự kiến là một năm “thảm bại” của ngành Công nghiệp đóng tàu.

Chưa hết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Ulsan – nơi tập trung các nhà máy đóng tàu lớn nhất cả nước trong quý I năm nay tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015, so với mức tăng 1,3% trên toàn quốc, theo Bộ Lao động Hàn Quốc. KBS World cho hay, tháng 3 năm nay, Samsung Heavy Industries mất vị trí Top 3  công ty đóng tàu hàng đầu thế giới vào tay Công ty  Imbari của Nhật Bản. “Lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, chúng tôi bị nước khác khiến cho rơi xuống Top 5”, đại diện Samsung Heavy Industries cho biết.

Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ Trung Quốc, các công ty đóng tàu của nước này đang nhận được lượng đơn đặt hàng tương đối ổn định và cũng giống như Công ty Imabari, các đối thủ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng sẽ chen chân vào Top 3 thế giới. “Điều này có thể đặt dấu chấm hết cho sự thống trị của ngành Đóng tàu Hàn Quốc”, một nguồn tin cho biết.

Hàn Quốc cũng bị Trung Quốc đánh bại về thị phần. Mới chỉ cách đây khoảng 5-6 năm, ba công ty đóng tàu của Hàn Quốc còn nắm giữ tới 70% thị trường thế giới, nhưng hiện đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc “vượt mặt” Hàn Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.