Góc nhìn

Khủng hoảng Ukraine: EU - Mỹ "bằng mặt không bằng lòng"

08/04/2015, 18:05

Trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này, ai sẽ là người giữ thế chủ động? EU - Mỹ hay Nga?

hoi nghi eu
Châu Âu đã nhận ra nhiều điều khi nhung tay vào vấn đề Ukraine

Nhìn vào thiệt hại và lợi ích mà các bên đối đầu nhau có được ở Ukraine, có thể xác định ngay tương lai của cuộc khủng hoảng ở quốc gia này và thế thượng phong đang thuộc về ai.

Thứ nhất, với liên minh châu Âu (EU). Họ là người chống lưng cho chính quyền Kiev ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, cũng là lực lượng tiên phong trong việc trừng phạt, cấm vận kinh tế Nga. Tuy nhiên, sau một năm cắt đứt quan hệ làm ăn với Nga, dốc hầu bao chi viện cho Kiev, những gì EU nhận được là thiệt hại hàng chục tỷ euro, nội bộ EU lục đục, phân rã vì những tư tưởng bài Mỹ và hướng Nga. Tiếp đến, đồng euro mất giá trầm trọng ngang với USD của Mỹ đã đủ để chứng minh rằng EU không thể là phe thắng cuộc, trong khi họ không có bất kỳ lợi ích nào.

Thứ hai, với Mỹ. Nước Mỹ là bậc thầy trong cách mạng sắc màu. Bằng biện pháp này, họ thay đổi một chính phủ thù địch bằng chính quyền thân Washington để tìm kiếm những lợi ích địa chính trị. Tuy nhiên, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, khi Mỹ còn bận sắp xếp nhân sự để dựng lên Kiev như hiện nay thì Moscow đã nhanh chóng tiến hành cuộc sáp nhập bán đảo Crimea đầy ngoạn mục. Kiev lớn mạnh, song song với đó, phe ly khai thân Nga cũng trở thành thế lực đối đầu. Nga – Mỹ tiếp tục phải phân định thắng thua trên bàn đàm phán dựa vào thực tế chiến trường. Ukraine bỗng trở thành một miếng bánh khó nhằn và không còn nhiều màu mỡ.

Trong khi đó, tâm lý chống Mỹ nhân rộng trong tư duy các nước thành viên EU. Chưa kể đến tư tưởng loại bỏ sự tồn tại của NATO đang bắt đầu được hiện thực hóa bằng một loạt các động thái độc lập của Đức, Pháp, Séc… Mỹ ngày càng mất quyền chỉ huy với người đồng minh thân cận EU. Và ngược lại, nhiều thành viên của EU bắt đầu nhận ra thân phận chư hầu trong mối quan hệ với Washington. Đây chính là thiệt hại nặng nề nhất, đáng sợ nhất của người Mỹ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí số một thế giới của Mỹ chứ không đơn thuần là lợi ích ở cuộc khủng hoảng Ukraine.

1-us-preparing-economic-sanctions-russia-si-140988
Mỹ và châu Âu đang có những mối chia rẽ

Còn với Nga, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình, kinh tế Nga đối diện với vô vàn khó khăn. Cựu Bộ trưởng Tài chính và giờ là Chủ tịch Ủy ban Các sáng kiến Dân sự, ông Alexei Kudrin cho biết hồi cuối tháng 3: "Việc hỗ trợ cho Crimea phát triển sẽ tiêu tốn chừng 6-7 tỷ USD mỗi năm. Trong vòng 3 đến 4 năm tới, chúng ta sẽ thiệt hại tổng cộng 150-200 tỷ USD một cách trực tiếp và gián tiếp. Về gián tiếp, đó là việc chúng ta đang hứng chịu hành động rút vốn đầu tư ồ ạt từ nước ngoài.”

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào cái thiệt hơn vài trăm tỉ USD trước mắt, có lẽ Tổng thống Putin không tự tin đi những nước cờ đầy mạo hiểm như vậy. Nga có thể mất 200 tỷ USD, nhưng họ mang về vùng lãnh thổ có giá trị địa chính trị, địa chiến lược giá trị nhất Biển Đen, và thậm chí là Địa Trung Hải, biến Sevastopol thành căn cứ vô thời hạn cho hạm đội Biển Đen. Đấy là cái lợi thứ nhất.

Vấn đề thứ hai khiến Nga quyết đấu ván cờ Ukraine đến cùng đó là ngăn chặn Kiev được gia nhập vào EU và đặc biệt là NATO. Đến thời điểm này, với một quốc gia nội chiến, chính trị bất ổn, kinh tế sắp phá sản, tham nhũng tràn lan, để có thể bước chân vào một trong những tổ chức nêu trên là điều không tưởng với Kiev. Với vấn đề này, Nga là người chiến thắng.

Quan trọng nhất, một vài trăm tỷ USD, một khoản tiền lớn với bất kỳ nền kinh tế nào, dù là cường quốc như Nga, nhưng đổi lại, Moscow có thể từ đó để kêu gọi sự đoàn kết dân tộc, thúc đẩy cải cách hành chính, siết chặt chi tiêu công, chống tham nhũng, và đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế của mình. Một loạt biện pháp đối nội được thực hiện mà nếu không có những sức ép từ khó khăn kinh tế sẽ không thể thành công.

Phải nói rằng, nước Nga của Putin đang chủ động trong thế cuộc Ukraine. Điều để thành công như vậy chỉ được lý giải với một lý do duy nhất đó là nước Nga hành động nhất quán theo tiêu chí “thượng tôn lợi ích dân tộc”, và tiêu chí này đến bây giờ EU mới vất vả học tập và theo đuổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.