Vận tải

Khung pháp lý mới sẽ chặn xe dù, bến cóc

13/02/2020, 07:12

Nhiều quy định mới mang tính chất đột phá của Nghị định 10 được kỳ vọng sẽ dẹp được vấn nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình vốn đang nhức nhối...

img
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 10 là quy định nhà xe không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện (Trong ảnh: Xe Hoàng Đức Limousine đón khách tại văn phòng công ty ở TP Huế tháng 6/2019). Ảnh: Vĩnh Nhân

Xe hợp đồng tăng chóng mặt

Thời gian qua, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tồn tại dai dẳng. Mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe hợp đồng trá hình tổ chức đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Những nhà xe này sử dụng nhiều hình thức để gom khách lẻ, rồi lập thành danh sách cụ thể để hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng tour du lịch nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, mấy năm gần đây, số lượng xe vận tải hành khách hoạt động theo hình thức hợp đồng tăng lên nhanh chóng. Trước kia, số lượng xe chỉ chiếm khoảng 10% thì nay chiếm tới 60% trong tổng số loại hình vận tải hành khách đường bộ.

Theo ông Quyền, kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng theo Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước đây được quy định khá đơn giản, chỉ là sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải được đón trả khách tại các điểm đã ghi trong hợp đồng; khi vận chuyển hành khách, lái xe mang theo hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách.

“Limousine trá hình dưới 10 chỗ bắt đầu phát sinh từ khi Nghị định 86 cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón, trả khách với Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng. Hàng loạt xe 16 chỗ thông thường sau khi được cải hoán thành 9 - 10 chỗ, gắn biển xe hợp đồng như là một lá “bùa hộ mệnh”, thoải mái đón trả khách như xe tuyến cố định, vào một giờ cố định, có tần suất xe chạy như xe khách thông thường”, ông Quyền thông tin.

Nhiều điểm mới

Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để không còn bất hợp lý trong cạnh tranh giá dịch vụ. Để kiểm soát xe hợp đồng phải kiểm soát được số lượng khách trên mỗi chuyến xe sẽ thu được đủ thuế. Ngoài ra, phải thay đổi Luật Giá hay sửa đổi Luật GTĐB, yêu cầu xe hợp đồng kể cả xe dưới 9 chỗ cũng phải kê khai giá cước vận tải. Xe hợp đồng chất lượng tốt hơn thì giá phải cao hơn và phải kê khai để có khung giá cụ thể. Giá thỏa thuận theo hợp đồng phải đưa vào một khung giá dịch vụ cụ thể. Phải quản lý được từng khách và quản lý được hợp đồng vận chuyển.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia


Theo một số chuyên gia, Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86 được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý triệt để xe dù, bến cóc. Điểm mới đáng chú ý được bổ sung cả đối với xe hợp đồng và xe du lịch là trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị. Việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Cùng đó, Nghị định 10 bổ sung hàng loạt các điểm mới khác để quản xe hợp đồng như quy định: Hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển; chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe; chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, điểm mới của Nghị định 10 tập trung vào hai nội dung: Tạo khung pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải; đưa ra khuôn khổ pháp lý để siết chặt hơn hoạt động vận tải, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng xe dù, bến cóc.

“Nghị định quy định thiết lập cơ sở hạ tầng để dùng chung dữ liệu giữa các Bộ, ngành, dữ liệu quản lý kinh doanh vận tải sẽ được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an để phục vụ xử phạt, cơ quan Thuế để quản lý nghĩa vụ thuế”, ông Ngọc cho biết thêm.

Theo ông Ngọc, thông qua quy định ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ phát hiện xử lý nghiêm tình trạng này, nhất là đối với xe chở quá tải, chạy quá tốc độ. Bên cạnh đó, Nghị định 10 cũng quy định chia sẻ dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình giữa các Bộ, ngành, nhất là chia sẻ với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Thông qua việc thu đúng, thu đủ thuế đối với loại hình này cũng đóng góp tích cực làm hạn chế xe dù, bến cóc.

Xây dựng phần mềm kết nối thiết bị giám sát hành trình

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, để giải quyết tình trạng xe dù, bến cóc, cần phải có một App (phần mềm) quản lý kinh doanh vận tải được kết nối với thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ VN để kiểm soát từng khách và quản được giá hợp đồng vận chuyển. Trong đó, quy định bắt buộc doanh nghiệp phải khai vào phần mềm nội dung hợp đồng vận chuyển thông báo về Sở GTVT trước khi xe khởi hành.

“Đây là bằng chứng doanh nghiệp khai báo với Nhà nước. Qua phần mềm này cũng quản lý được chi phí vận tải cho mỗi chuyến xe do doanh nghiệp tự kê khai và Nhà nước sẽ hậu kiểm. Với điều kiện công nghệ như hiện nay hoàn toàn có thể kiểm soát được việc kê khai giá của từng loại xe”, ông Hùng phân tích.

Theo ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ DTT cho biết, thay vì không quản được thì cấm, cần xây dựng phương án quản lý bằng công nghệ đối với loại hình này. Cần xây dựng trung tâm kiểm soát với phần mềm phát hiện các vi phạm kết hợp với chia sẻ dữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình để kiểm soát phương tiện thuộc địa phương khác hoạt động trên địa bàn. Cùng đó, phần mềm kết nối hành khách với đơn vị vận tải theo loại hình hợp đồng và tuyến cố định để đảm bảo công bằng về quản lý vận tải khách và nghĩa vụ nộp thuế giữa hai loại hình này.

“Dữ liệu từ phần mềm phải được kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý và xử lý vi phạm”, ông Trung nói.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải (Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng):
Quản lý được từng hành khách sẽ quản được doanh thu

img

Khi không trốn được thuế thì doanh nghiệp không muốn hoạt động lách luật, sẽ không còn xe hợp đồng trá hình, xe dù, bến cóc sẽ giảm. Ngành thuế đang rất khó xác định doanh thu thực tế làm cơ sở tính thuế đối với loại hình xe Limousine. Nếu quản lý được từng hành khách lên xuống xe sẽ quản được doanh thu, thu được thuế đầy đủ. Không còn cách nào khác là đưa công nghệ vào quản lý, phải chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý Nhà nước.

Thông tư hướng dẫn cần quy định rõ các dữ liệu cần thiết trong quản lý cần phải chia sẻ, không để doanh nghiệp chỉ chia sẻ dữ liệu phần ngọn. Muốn vậy, cơ quan quản lý phải quản được một số dữ liệu như: Nội dung hợp đồng, xác nhận đặt chỗ, trong đó quan trọng nhất là dữ liệu hành khách.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh (Giám đốc Công ty CP Ô tô Điện Biên):
Cần chia sẻ dữ liệu thông tin dùng chung

img

Hiện, các cơ quan chức năng chỉ thu thuế theo kê khai của doanh nghiệp, không đối chiếu được số lượng xe được cấp phù hiệu. Ngành GTVT cần phối hợp với ngành Thuế xây dựng dữ liệu dùng chung về các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh vận tải. Trong đó cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Khi cấp giấy phép kinh doanh, phù hiệu cho đơn vị kinh doanh vận tải, qua hệ thống dữ liệu ngành Thuế sẽ quản lý, giám sát được ngay.

Trần Duy (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.