Văn hóa - Giải Trí

Kịch Bắc mạo hiểm Nam tiến tìm khán giả

01/11/2018, 07:51

Khán giả TP HCM đã có dịp thưởng thức hai tác phẩm kịch Kim Tử và Ngũ biến của sân khấu Lệ Ngọc.

21

NSND Lệ Ngọc vai mẹ chồng của Kim Tử trong vở “Kim Tử”

Dù gu thưởng thức kịch của khán giả hai miền Nam - Bắc khác nhau, nhưng kịch miền Bắc vẫn luôn có chỗ đứng nhất định tại miền Nam. Thế nhưng, không phải đoàn kịch Bắc nào cũng dám “Nam tiến” để mở rộng và chinh phục khán giả nơi đây.

Muốn Nam tiến phải có tiền

Suốt 1 tuần, từ 15 đến 21/10 vừa qua, khán giả TP HCM đã có dịp thưởng thức hai tác phẩm kịch Kim Tử và Ngũ biến của sân khấu Lệ Ngọc. Trong đó, vở Kim Tử do đạo diễn Singapore Chua Soo Pong dàn dựng, từng đoạt 4 giải tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN tháng 9/2018 (giải Vở diễn xuất sắc và 3 giải Diễn viên xuất sắc cho NSND Lệ Ngọc, Thu Hà, Tạ Tuấn Minh). Còn Ngũ biến là tiết mục trình diễn 5 giá hầu đồng theo phong tục tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt từng được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do NSND Anh Tú dàn dựng theo hình thức sân khấu hóa. Vở từng giành hai giải là Nữ diễn viên xuất sắc (NSND Lệ Ngọc) và Vở diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan và Diễn đàn sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 4 được tổ chức vào tháng 9/2016 tại Nam Ninh (Trung Quốc).

Đây là lần đầu tiên, một đoàn kịch xã hội hóa đầu tiên ở miền Bắc đưa quân vào Nam để mở rộng thị trường. Lần “tiến quân” này theo lời mời của Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP HCM, vừa giao lưu với sinh viên, vừa kết hợp giới thiệu các vở diễn của một sân khấu xã hội hóa tới khán giả TP HCM. Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ nhiệm chương trình, ngoài việc giao lưu, sân khấu vẫn liên hệ với các doanh nghiệp xin hỗ trợ. Các doanh nghiệp hỗ trợ khoảng 30% vé, còn lại tặng hoặc bán cho sinh viên các trường với mức giá thấp hơn 50% (giá gốc 200.000 đồng) để tiếp cận với khán giả trẻ.

Là người quản lý lâu năm, nắm bắt được tình hình thực tế của sân khấu Nam - Bắc, NSND Lê Tiến Thọ nhận định, hầu hết các chuyến đi lưu diễn vào Nam của các đoàn kịch sẽ đều lỗ nếu không có tài trợ hoặc các tổ chức giúp đỡ. Bởi một đoàn thường phải lo các vấn đề đi lại, hợp đồng, địa điểm biểu diễn, quảng bá. Thực tế, đoàn kịch Bắc vào Nam tìm kiếm khán giả đã có từ lâu, nhưng gần đây do sự cạnh tranh cao và sân khấu khó khăn nên các đoàn ít vào. “Vào là tốt, nhưng nếu chỉ ùn ùn rồi lại kéo ra thì rất khó có hiệu quả. Cần phải có các công ty tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp lo kêu gọi đầu tư, quảng cáo, lo công tác khán giả, vì sân khấu là người thực, việc thực và khán giả thực”, NSND Lê Tiến Thọ bộc bạch.

NSND Lệ Ngọc tâm sự, việc đưa các vở diễn vào giới thiệu với khán giả TP HCM nằm trong chiến lược phát triển của sân khấu Lệ Ngọc, cũng như đi tìm hướng đi mới cho sân khấu xã hội hoá. Bản thân nữ nghệ sĩ từng nhiều lần đưa đoàn kịch vào Nam khi còn công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam, chị nắm rõ tâm lý thưởng thức kịch của khán giả nơi này. Dù vậy, theo NSND Lệ Ngọc, việc đưa đoàn kịch hàng chục người vào TP HCM không hề đơn giản, từ đi lại, ăn ở, ngủ nghỉ… nên điều quan trọng vẫn là kinh phí. Nếu không xin được kinh phí của Nhà nước phải xin được tài trợ, phải có các mối quan hệ, ngoại giao mới có thể có được những chuyến đi.

Trước đó, tháng 4/2018, Nhà hát Tuổi trẻ đã có những buổi diễn tại TP HCM nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập nhà hát, với khách chủ yếu là các nhà báo và khách mời đặc biệt. Chuyến đi ấy chủ yếu bằng tiền tài trợ. Dù vậy, trước khi vào, nghệ sĩ Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã phải khảo sát trước tình hình bán vé ở các sân khấu kịch TP HCM. Anh nhận định, hiện còn sân khấu Thế giới trẻ vẫn bán vé được, các sân khấu như Phú Nhuận, Idecaf… đều rất khó khăn.

Nghệ sĩ Chí Trung tâm sự: “Thực ra, không có tài trợ chúng tôi vẫn đi. Đi để giữ lửa cho sân khấu hai miền. Tôi dự tính tháng 12 sẽ đưa đoàn của nhà hát vào Nam biểu diễn. Nhưng nói thật, để làm được vẫn cần có tiền vì mỗi lần đi là hàng chục con người đi theo”. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng cho hay, 8 năm trước, anh đã đưa đoàn kịch của Nhà hát vào TP HCM và còn đi nhiều tỉnh khác. Hồi đó, anh phải tìm mọi cách để quảng cáo, đi quan hệ, van nài khẩn khoản để bán từng chiếc vé. Bây giờ không làm thế được vì họ không có nhu cầu, nên anh phải dùng cách tìm đến những khán giả thực sự của tác phẩm mình mang tới.

Cần chất lượng để tìm khán giả của mình

NSND Lệ Ngọc thừa nhận mình có mạo hiểm, “nhưng không tiên phong khán giả sẽ không biết tới, các tác phẩm sân khấu cũng có thể chết”. Sự mạo hiểm ấy đã mang tới những thành công bước đầu cho sân khấu Lệ Ngọc. 7 đêm diễn của hai vở Kim Tử và Ngũ biến (3 đêm diễn tại trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP HCM, 2 đêm tại Nhà hát TP HCM) đều kín ghế, thậm chí có nhiều buổi phải xếp thêm ghế phụ. Thành công này nhờ nghệ sĩ Lệ Ngọc bởi chọn được kịch bản tốt, diễn viên chuyên nghiệp, đạo diễn giỏi để làm nên những tác phẩm chất lượng, cũng như giúp khán giả miền Nam thay đổi “khẩu vị”.

Kết quả này phần nào cũng cho thấy, kịch Bắc vẫn có chỗ đứng nhất định tại miền Nam. Sau chuyến lưu diễn ngắn này, sân khấu Lệ Ngọc có kế hoạch tiếp tục “chinh chiến” tại thị trường nơi đây bằng những vở chính kịch chất lượng. Và theo tiết lộ của ông Nguyễn Thế Vinh, sân khấu Lệ Ngọc sẽ không “đóng đô” trong TP HCM mà sẽ vào đây diễn khi có các vở mới, vừa để phục vụ, vừa thử nghiệm và cũng giao lưu. “Chúng tôi đã kết nghĩa cùng “đối thủ”, cũng là bạn là sân khấu kịch Thế giới trẻ dàn dựng những vở chính kịch, không chạy theo thị hiếu thông thường. Điều này để nghệ sĩ được làm nghề đúng nghĩa và giữ cho dòng kịch chính thống lượng khán giả riêng, không lẫn với các khán giả phân khúc khác. Tất nhiên, để theo được điều đó rất khó nhưng nếu không làm thì không có khán giả và cũng mất dần khán giả như vậy”, ông Vinh nói. Còn với NSND Lệ Ngọc, chị không e ngại điều gì khi xác định theo đuổi hướng đi này. “Tôi xác định sẽ làm những vở hợp tác. Có thể ở trong Nam diễn viên trong đó diễn, còn ngoài Bắc chúng tôi diễn. Hoặc tôi cũng có thể mời họ ra ngoài Bắc diễn”, chị nhấn mạnh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.