Điện ảnh

Kịch bản dở khiến phim Việt “đầu voi, đuôi chuột”

09/06/2017, 06:32

Mới đây, Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) đã tổ chức cuộc thi Tìm kiếm nhà biên kịch tài năng mùa đầu tiên.

em chua 18

Em chưa 18 là phim điện ảnh Việt hiếm hoi được đánh giá có kịch bản tốt

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ, tìm kiếm tài năng cho điện ảnh Việt. Chưa thể nói trước được gì, nhưng đây có thể coi là sự khởi đầu cho việc nâng cao chất lượng điện ảnh, trả lại vị trí cho biên kịch.

Một phim thành công, kịch bản chiếm 60-70%. Vì thế, kịch bản tệ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến phim chất lượng kém. Trong làng phim xứ Hàn lưu truyền khẩu ngữ: “Writer is the King” - biên kịch là vua. Theo đó, công thức thành công của một bộ phim gồm: Câu chuyện 50% + diễn viên 30% + các thành phần khác còn lại 20%. Khán giả nước này chờ đón một bộ phim không phải vì có diễn viên nổi danh mà là kịch bản tên tuổi. Biên kịch bảo chứng thành công cho phim hơn cả diễn viên, đạo diễn.

Ở Việt Nam, biên kịch được xếp ở đâu? Là thành phần ít gây chú ý và ít được xếp vào tiêu chí đánh giá phim nhất. Phim truyền hình và cả điện ảnh ở Việt Nam có tiêu chí rất lạ, khi một dự án phim được công bố, đầu tiên là xem ai đóng, có nhân vật nào đang gây “lùm xùm” hút người xem đến rạp không? Sau đó, là xem ai đạo diễn. Còn biên kịch thì chẳng mấy ai quan tâm.

Thực tế hiện nay, đội ngũ viết kịch bản, biên kịch hầu hết xuất thân từ các ngành, nghề khác như: Nhà văn, nhà báo… tuy có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc sống nhưng chưa được đào tạo bài bản về viết kịch bản và biên kịch nên kỹ thuật thể hiện lên phim chưa cao, viết chủ yếu theo dạng kịch bản văn học. Sự thiếu vắng các kịch bản hay đã dẫn đến tình trạng phải “nhập khẩu” kịch bản từ các nền điện ảnh tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản. Và dù thực hiện kịch bản của những tác phẩm phim nổi tiếng khắp châu Á, nhưng việc chuyển thể để sản xuất thành phim Việt lại rất hạn chế. Các yếu tố về đời sống xã hội, rào cản văn hóa… đã làm các bộ phim này “không phù hợp” nên không nhận được cảm tình, cuốn hút khán giả.

Không ít phim Việt cả trên truyền hình và chiếu rạp có ý tưởng hay, nội dung phong phú nhưng vẫn bị chê câu chuyện “đầu voi đuôi chuột”, tình tiết gượng ép, vô lý. Ngay những phim có tên tuổi đạo diễn sáng ngời cũng rơi vào tình trạng đầy đặn ở phần đầu, hụt hơi ở phần cuối, hoàn toàn đuối ở cái kết. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.