Kinh tế

Kịch bản nào cho Vietnam Airlines hậu cổ phần hóa?

17/11/2014, 07:41

Hãng hàng không số 1 Việt Nam đặt mục tiêu năm 2015 trở thành hãng hàng không 4 sao, thuộc nhóm đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô...

Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh đánh chiêng khai mạc phiên đấu giá
Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh đánh chiêng khai mạc phiên đấu giá

Tháng 3/2015 sẽ đại hội cổ đông lần đầu

Không ngoài dự đoán, hơn 49 triệu cổ phần (tương đương 3,5% vốn điều lệ) của Vietnam Airlines đã được bán hết sạch cho 1.577 nhà đầu tư với giá bình quân là 22.307 đồng/cổ phần. Tổng giá trị thu về được sau IPO là hơn 1.093 tỷ đồng. Sự thành công của phiên đấu giá cũng đồng nghĩa với việc hãng hàng không số 1 Việt Nam này đã căn bản hoàn tất chương trình cổ phần hoá (CPH) sau gần hai năm triển khai.

“Khối lượng công việc triển khai trong suốt hai năm qua là rất lớn, nếu không có sự quyết liệt thì không làm nổi. Nhiều ban, nhiều bộ phận có lúc đã làm việc tới 200% công suất”, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh nói.

Trên thực tế, với quy mô và phạm vi hoạt động toàn cầu, công tác đối chiếu và xác nhận công nợ của Vietnam Airlines có lúc tưởng như không thể hoàn thành nổi. Những khó khăn trong việc xử lý đất đai cũng là rào cản lớn với doanh nghiệp (DN) này. Bản thân người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng khẳng định: “Nếu Vietnam Airlines mà CPH được thì không một DN nào có thể “nói không, nói khó” với CPH”.

Nếu không có gì thay đổi, Vietnam Airlines sẽ hoàn tất nốt những phần việc cuối cùng của CPH để có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP và tiến hành Đại hội Cổ đông lần đầu dự kiến vào ngày 12/3/2015.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, việc 100% cổ phiếu được bán hết cho thấy công chúng đánh giá đúng giá trị cổ phiếu của Vietnam Airlines. “Tôi nghĩ rằng, kết quả IPO lần này sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đang nghiên cứu, mong muốn trở thành đối tác chiến lược của chúng tôi. Trong vòng một năm nữa, chúng tôi sẽ niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines trên sàn chứng khoán”, ông Minh nói.

Đến thời điểm hiện tại, ít nhất đã có hai nhà đầu tư chiến lược tiềm năng quan tâm đến Vietnam Airlines. Tuy nhiên, do đang trong quá trình đàm phán, nên Chủ tịch Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh chỉ cho biết: “Đang trong quá trình tổ chức đàm phán, xem xét và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư".

Trước đó, chia sẻ tại buổi Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Vietnam Airlines, ông Phạm Viết Muôn - Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN nhấn mạnh: “Quan điểm là phải tìm bằng được cổ đông chiến lược tốt, giúp Vietnam Airlines cất cánh”.

Bốn năm sau CPH, doanh thu Vietnam Airlines sẽ tăng gần gấp đôi

Hậu CPH, Vietnam Airlines đặt mục tiêu xây dựng DN này thành tập đoàn vận tải hàng không lớn trong khu vực, gồm các DN nòng cốt trong các lĩnh vực vận tải hàng không, công nghiệp hàng không, cung ứng dịch vụ đồng bộ…

Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh cho biết, hãng này đang chiếm thị phần hàng không lớn nhất tại Việt Nam (51,8%) đồng thời luôn duy trì ổn định, có lãi trong 5 năm lại đây, với tốc độ tăng trưởng doanh thu là 20%, cao hơn mức trung bình của hàng không thế giới. Vietnam Airlines cũng là một trong số ít hãng hàng không liên tục trong 6 năm gần đây luôn kinh doanh có lãi.

Cũng từ đây, Vietnam Airlines đưa ra một bức tranh khá sáng sủa cho khoảng thời gian trước mắt. Cụ thể, dự báo doanh thu của DN này sẽ đạt trên 57.300 tỷ đồng năm 2014 và tăng lên gần 106 nghìn tỷ đồng vào năm 2018, bằng 1,8 lần con số năm 2014. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 269 tỷ đồng năm 2014 và tăng lên 2.990 tỷ đồng vào năm 2018, tỷ trọng lợi nhuận/doanh thu được cải thiện rõ rệt.

Trên thực tế, Vietnam Airlines đang sở hữu những lợi thế mà không phải hãng hàng không nào cũng có được, trong đó đáng kể nhất là đội bay trẻ với 83 máy bay với độ tuổi trung bình trẻ nhất so với các hãng trong khu vực (5,34 năm) và thời gian khấu hao thấp hơn so với trung bình ngành (12-15 năm so với 15-20 năm).

Hãng hàng không này cũng đang sở hữu mạng đường bay nội địa gồm 39 đường bay đến 21 điểm, phủ khắp các vùng miền của đất nước cùng với mạng đường bay quốc tế gồm 52 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam sở hữu một hệ thống các DN cung ứng dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không.

Không chỉ phấn đấu giữ vị trí “anh cả” tại thị trường nội địa, ông Thanh cho biết, Vietnam Airlines còn đặt mục tiêu trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô, giữ vị trí chủ chốt trong vận tải hàng không Tiểu vùng CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam); Phấn đấu đến năm 2015 trở thành hãng hàng không đạt tiêu chuẩn 4 sao và trở thành hãng hàng không được ưa chuộng ở châu Á về chất lượng dịch vụ trên không và mặt đất vào năm 2020.

Thanh Bình

* Đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN Techcombank - nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của Vietnam Airlines tới thời điểm này (đã mua thành công 25,76 triệu cổ phần, tương ứng 1,82% số cổ phần đấu giá) cho biết, Techcombank và Vietnam Airlines đã có quan hệ hợp tác toàn diện trong 15 năm qua. “Cho đến nay, Techcombank đã và đang là đối tác tài chính đáng tin cậy, đáp ứng tốt nhu cầu của Vietnam Airlines. Việc chính thức trở thành cổ đông sẽ giúp đẩy mạnh quan hệ hai bên, góp phần hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Vietnam Airlines sau CPH. Điều này sẽ đảm bảo gia tăng hiệu quả chính khoản đầu tư này của Techcombank”, đại diện này nhấn mạnh.

* Theo lộ trình, trong giai đoạn 1, nhà nước nắm giữ 75% cổ phiếu Vietnam Airlines. 20% dành cho các nhà đầu tư chiến lược và phát hành lần đầu ra công chúng 5% (bao gồm cả phát hành cho người lao động và tổ chức công đoàn). Sau đó, căn cứ vào thị trường tài chính và khả năng hấp thụ vốn, Vietnam Airlines sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định giảm phần vốn Nhà nước từ 75% xuống còn khoảng 65%.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.