Xã hội

Kịch bản “sống chung” với Covid-19 được xây dựng thế nào?

04/09/2020, 06:46

Bộ Y tế mong muốn và kêu gọi mỗi người dân cùng nhau thực hiện chung sống an toàn với đại dịch Covid-19 với thông điệp 5K...

img
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Tại phiên họp Chính phủ với các bộ ngành, địa phương về phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, có một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xác định phải sống chung với dịch, đồng thời đề xuất Thủ tướng cần có chỉ thị mới khác với các Chỉ thị 15, 16, 19 để vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả. Thủ tướng đồng ý với đề xuất này và giao Bộ Y tế trình phương án. Báo Giao thông trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xung quanh vấn đề này.

Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K

Có thể nói, tình hình dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống với việc kiểm soát tốt các ổ dịch, số ca phát hiện ngoài cộng đồng đã giảm rõ rệt, thậm chí có ngày không phát hiện ca nhiễm mới. Kinh nghiệm gì được rút ra sau giai đoạn vừa qua, thưa ông?

Nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được Bộ Y tế rút ra từ kinh nghiệm ứng phó với ổ dịch lớn như Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương.

Đó là công tác phòng chống dịch đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương…

Việc xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm cho nguồn lực. Cấp uỷ, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, giãn cách kịp thời, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực phong tỏa hay giãn cách để hạn chế tốc độ lây lan của dịch.

Bên cạnh đó, linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, hoạt động hiệu quả của các tổ kiểm soát dịch dựa vào cộng đồng. Đẩy mạnh xét nghiệm, truy vết, cách ly F1 rất kịp thời.

Thêm nữa, sự huy động hỗ trợ y tế (bao gồm hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, điều phối nhân lực, trang thiết bị…) kịp thời với các vùng có dịch bệnh… Về cơ bản, triển khai các biện pháp bài bản, kịp thời, đồng bộ và rất nhanh chóng

Tuy nhiên như lãnh đạo ngành Y tế đã từng nói: “Từ nay phải xác định không có ngày yên bình, vì mầm bệnh đã có lây nhiễm trong cộng đồng, dịch có thể bùng bất cứ khi nào nếu lơ là công tác phòng dịch”, vậy theo ông, mỗi người dân phải làm gì để chung sống an toàn với dịch Covid-19?

Chúng ta đã có nhiều bài học trong phòng chống dịch Covid-19, từ giai đoạn không người tử vong đến có người tử vong vì Covid-19 nhưng có 2 bài học quan trọng nhất.

Thứ nhất là đối với cộng đồng, làm sao phát hiện sớm người nhiễm Covid-19, cách ly, khoanh vùng dập dịch ở từng địa phương nhưng giờ thu hẹp lại với từng khu dân cư, phường, xã.

Thứ hai là phải tập trung bảo vệ người yếu thế trong xã hội, đó là người cao tuổi, người có bệnh nền (suy thận, đái tháo đường, tim mạch…) làm sao phát hiện càng sớm càng tốt.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế mong muốn và kêu gọi mỗi người dân cùng nhau thực hiện chung sống an toàn với đại dịch Covid-19 với thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.

Cụ thể, mỗi người dân cần đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…).

Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác; không tụ tập đông người; thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI, cài đặt ứng dụng BlueZone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

Hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh nếu…

Rõ ràng nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Theo ông, kịch bản sống chung với dịch một cách an toàn được xác định ra sao, trong điều kiện các hoạt động giao thương, đi lại, học tập, sản xuất kinh doanh... vẫn diễn ra?

Cùng tham gia vào quá trình tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình “bình thường mới”, Bộ Y tế luôn có khuyến cáo rất cụ thể về các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chẳng hạn như phối hợp cùng các ban, ngành ban hành quy định về điều kiện an toàn trong nhà xưởng, khu công nghiệp, an toàn trong các trường học, hay an toàn với dịch bệnh trên các phương tiện giao thông…

Nếu các ban, ngành, cơ sở cùng chủ động phối hợp với ngành y tế, tổ chức đội theo dõi giám sát, làm tốt các quy định thì việc kiểm soát dịch bệnh là hoàn toàn có thể.

Cơ sở y tế hiện được coi là thành lũy kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vậy công tác phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế phải đảm bảo những yếu tố gì, thưa ông?

Theo tôi, hệ thống y tế tiếp tục cần nâng cao năng lực, không chỉ phát hiện những ca có dấu hiệu bệnh nặng, mà kể cả trường hợp nhẹ thông qua y tế địa phương cũng cần phát hiện sớm. Các ca nghi ngờ cho xét nghiệm, phát hiện dương tính, cách ly, rồi tiến hành truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Đó chính là những việc cần làm trong khi chờ đợi vaccine phòng bệnh Covid-19 trong thời gian tới. Việc phát hiện, kiểm soát các ca nhiễm trong bệnh viện chính là nhiệm vụ của ngành Y tế.

Ngành Y tế cũng đã có quy định về tiêu chí an toàn trong mùa dịch này với các cơ sở y tế. Nếu bệnh viện đáp ứng đủ tiêu chí an toàn sẽ hoạt động, còn không buộc phải đóng cửa, ngưng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.

Nếu trường hợp đặc biệt phát hiện ổ dịch mới thì giải pháp ra sao, có nên thực hiện giãn cách xã hội hay không, thưa ông?

Định hướng tới đây nếu phát hiện ổ dịch mới sẽ không có cách ly vùng rộng, cố gắng phát hiện sớm ca nhiễm, tiến hành cách ly vùng hẹp giống như Đà Nẵng trong thời gian sau này, chỉ cách ly ở từng khu dân cư, khu phố… Yêu cầu cách ly tập trung đối tượng F1 triệt để. Giải pháp cốt lõi trong chống dịch Covid-19 vẫn là “phát hiện sớm, truy vết nhanh, kịp thời khoanh vùng, dập dịch”.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.