Thị trường

Kích cầu hải sản miền Trung sau “thảm họa” cá chết

04/05/2016, 08:26

Lãnh đạo các tỉnh miền Trung tiên phong “ăn cá”, tắm biển cùng ngư dân, tổ chức điểm bán hải sản sạch…

15

Lãnh đạo Đà Nẵng kiểm tra và trực tiếp bỏ tiền túi mua hải sản sạch, khuyến khích người dân

Cá sạch miền Trung “cháy hàng”

6h sáng 3/5, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trực tiếp kiểm tra hoạt động nhập, bán hải sản sạch tại các địa điểm được ấn định. Ngay tại buổi kiểm tra, ông Dũng cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành khác đều trực tiếp “bỏ tiền túi” ra mua các loại cá, hải sản... Tại chợ Nguyễn Tri Phương, An Hải Đông, nhiều người dân đã tìm đến các quầy hàng hải sản sau nhiều ngày không sử dụng do tâm lý e ngại. Theo chị Nguyễn Thị Lan (Nại Hiên Đông, Sơn Trà), thấy lãnh đạo Đà Nẵng tắm biển, ăn cá, kiểm soát chặt chất lượng nguồn hàng hải sản, người dân an tâm hơn.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, mức giá hải sản các chợ dao động 35-37.000 đồng/kg cá ngừ, 170.000 đồng/kg cá thu, cá cu đặc sản có giá 250.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương, hải sản cơ bản giữ giá so với thời điểm trước.

10h sáng 3/5, sau hơn 3 giờ đồng loạt triển khai bán hải sản sạch tại các điểm chợ trên địa bàn Đà Nẵng, hầu hết các quầy hàng hải sản của tiểu thương đã “cháy hàng”. Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng kiêm Chỉ huy trưởng “Ban chỉ huy tiền phương” hỗ trợ ngư dân cho biết: 4 tấn cá trong ngày đầu tiên đã được xuất bán cho người dân, du khách. Được biết, mô hình điểm bán cá sạch sẽ được nhân rộng khắp Đà Nẵng.

Còn tại các chợ hải sản tuy sức mua của người dân giảm nhiều, nhưng các loại cá, hải sản đánh bắt xa bờ vẫn được khá nhiều bà nội trợ lựa chọn. Chị Thương - một thương lái tại chợ Đồng Hới cho biết: Hiện nay, người mua cá, hải sản biển chủ yếu là khách quen, người dân địa phương. Họ biết cách phân biệt các loại cá, biết đâu là cá đánh bắt xa bờ. Còn với khách vãng lai, khách du lịch họ vẫn có tâm lý e ngại dù chúng tôi đã giải thích rõ ràng.

Ngư dân đánh bắt xa bờ yên tâm đầu ra

Tại Hà Tĩnh, nếu như những ngày trước ngư dân lo lắng khi hải sản đánh bắt về chỉ bán được 1/2 giá thường ngày, thì nay bà con ngư dân đã yên tâm hơn bởi chủ trương hỗ trợ thu gom tiêu thụ hải sản giúp ngư dân của Chính phủ. Khắp các cửa lạch, cảng cá Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), Thạch Kim (huyện Lộc Hà), Kỳ Ninh, Kỳ Phương, Kỳ Hà (Kỳ Anh)… tàu thuyền đã tấp nập ra khơi đánh bắt xa bờ. Sau mỗi chuyến đi cá đầy khoang cập bến, cán bộ chuyên môn đã lấy mẫu cá kiểm nghiệm chất lượng.

Khi các mẫu cá được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn, cũng là lúc bà con ngư dân, thương lái tranh nhau mua khiến thị trường cá sạch đánh bắt xa luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Trước đó, nhằm hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ tiêu thụ được hải sản khi đánh bắt về, ngày 1/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã ký công văn hỏa tốc gửi các cơ quan địa phương về việc thu mua, kiểm nghiệm hải sản của ngư dân.

Ngay từ ngày 30/4, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã chính thức công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua, tiêu thụ thủy, hải sản nuôi trồng và đánh bắt bảo đảm an toàn. Đồng thời, công bố danh sách các doanh nghiệp đã cam kết thu mua hải sản đánh bắt xa bờ để tạo điều kiện thuận lợi giúp ngư dân bán hết các sản phẩm đánh bắt.

Ngoài ra, lực lượng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Quảng Bình túc trực 24/24h tại các cảng cá để xác nhận nguồn gốc, kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho các loại thủy sản ngư dân đánh bắt. Nhờ việc làm này, toàn bộ số hải sản xa bờ do ngư dân đánh bắt về đã nhanh chóng được bán hết.

Hiện tại, các cơ sở thu mua vẫn giữ nguyên giá thu mua cá so với thời điểm trước đây. Chị Hoàng Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phước Sang (một trong 3 đơn vị tham gia thu mua cá đánh bắt xa bờ cho ngư dân đợt này) cho biết: “Trong 2 ngày qua, chúng tôi đã thu mua hơn 30 tấn cá, hải sản các loại của ngư dân và hiện nay vẫn đang tiếp tục thu mua. Chúng tôi cam kết sẽ thu mua toàn bộ hải sản tươi sạch đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận. Các loại hải sản sẽ được thu mua với giá chung của thị trường, không hạ giá so với thời điểm trước đây để giúp đỡ ngư dân”.

Thống kê của Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, những ngày qua, hơn 200 tấn cá của ngư dân trong tỉnh đánh bắt ở những vùng biển an toàn đã được thu mua, đưa đi tiêu thụ. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đang cắt cử cán bộ túc trực 24/24h tại các cảng cá, cửa biển để kiểm định, cấp giấy chứng nhận ATVSTP và giấy xác nhận nguồn gốc của thủy sản xa bờ cho ngư dân. Khảo sát của PV Báo Giao thông, giá hải sản tại các điểm có “chứng nhận” an toàn nhìn chung thấp hơn so với giá mặt bằng hải sản cách đây khoảng 1 tháng.

Nỗ lực “giải cứu”ngư dân chịu thiệt hại do cá chết

Để kích cầu hải sản sạch, chính quyền các tỉnh ven biển miền Trung trong những ngày qua đã thực hiện hàng loạt biện pháp “giải cứu” ngư dân. Theo đó, nhiều lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung đã trực tiếp tắm biển, ăn hải sản cùng với người dân và du khách.

UBND TP Đà Nẵng ra văn bản khuyến khích hơn 1.000 CBCCVC khu Trung tâm hành chính chọn các món ăn hải sản trong bữa trưa tại căng tin trung tâm, từ ngày 4/5 và kéo dài ít nhất một tuần, cho đến khi thị trường hải sản trên địa bàn cơ bản ổn định. Tại Thừa Thiên - Huế, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa trực tiếp kiểm tra, vừa ăn cá tại điểm bán hải sản sạch trên địa bàn. Theo ông Thọ, tâm lý người dân vẫn còn chút e dè, tỉnh đang triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực để kích cầu trở lại thị trường hải sản. Trong ngày 3/5, các điểm bán hải sản sạch đã được mở rộng tại các chợ Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc và các trung tâm thương mại trên địa bàn huyện, thị xã.

Sở Công thương Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ sở thu mua hải sản tiến hành thu mua kịp thời, bảo quản hải sản đánh bắt của các hộ dân ngay khi đưa vào bờ. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương thành lập ngay đoàn công tác trong ngày hôm qua để tổ chức kiểm tra chất lượng ATVSTP đối với số lượng thủy hải sản thu mua của các doanh nghiệp, cơ sở. Trường hợp phát hiện sản phẩm không đảm bảo ATVSTP sẽ tổ chức tiêu hủy theo quy định và sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí thu mua.

Đại diện Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, tính đến hết ngày 2/5, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc hỗ trợ thu mua hải sản giúp ngư dân do ảnh hưởng của tình trạng cá chết, đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã kêu gọi các doanh nghiệp thu mua được 110 tấn hải sản giúp bà con ngư dân.

Ngoài ra, chính sách trợ giá hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua hải sản cho ngư dân, qua đó giảm giá bán đến tay người tiêu dùng cũng đã được Quảng Trị, Đà Nẵng ban hành. Tại Đà Nẵng, giá các loại hải sản của nhà hàng, quán nhậu tham gia lễ hội ẩm thực biển được giảm giá đến 30% do các đơn vị này và thành phố trợ giá. 

* Đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ bị ảnh hưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND các tỉnh rà soát, thống kê cụ thể, báo cáo Bộ NN&PTNT để phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan (bao gồm cả các tổ chức tín dụng) xem xét, xử lý ngay theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng Nhà nước ở địa phương, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách thực hiện các giải pháp hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định và tiếp tục cho vay mới để phục hồi, phát triển sản xuất.

*Quảng Trị là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong “cơn bão” cá chết hàng loạt với tổng thiệt hại khoảng 134 tỷ đồng. Hiện, tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ mỗi chủ hộ khai thác ven bờ (tàu thuyền công suất từ  20CV trở xuống) với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng trong thời gian tạm dừng khai thác, hỗ trợ 800 tấn gạo cho ngư dân khắc phục hậu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.