Thế giới giao thông

Kiếm bộn tiền từ bán clip vi phạm giao thông cho cảnh sát

08/05/2022, 08:00

Cứ mỗi clip vi phạm giao thông được gửi tới cảnh sát, người dân ở New York (Mỹ) có thể nhận được 25% số tiền mà tài xế bị xử phạt tùy theo lỗi.

Tòa xử phạt là nhận được tiền

Việc huy động người dân tham gia giám sát hành vi của người tham gia giao thông đã được chính quyền cấp thành phố, cấp bang ở nhiều nước thực hiện.

Việc này không chỉ góp phần giúp đường phố thêm an toàn, người dân còn được thưởng khoản tiền không nhỏ.

Một số nơi như thành phố New York (Mỹ) còn treo thưởng hậu hĩnh cho người cung cấp bằng chứng hữu hiệu.

img

Ông Paul Slapikas vừa giả vờ nghe điện thoại vừa ghi hình một chiếc xe tải vi phạm quy định không tải

Đây là một phần trong chương trình giảm thiểu tình trạng dừng xe không tắt máy (còn gọi là chế độ chạy không tải), nhằm hạn chế khí thải, cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, nếu người dân phát hiện xe tải đỗ nhưng vẫn nổ máy chờ trong vòng 3 phút trên đường và 1 phút ở khu vực gần trường học, có thể quay video, chứng minh động cơ vẫn đang chạy, thể hiện rõ tên công ty trên cửa xe thì sẽ nhận được một khoản tiền tương đương 25% giá trị tiền phạt của vi phạm đó.

Kể từ khi có chương trình này, ông Paul Slapikas, công dân 81 tuổi của New York đã nhận được khoản tiền thưởng không hề nhỏ.

Điển hình cứ mỗi vi phạm hành chính 350 USD, ông Slapikas nhận được 87,4 USD. Riêng trong năm 2021, ông đã kiếm được tổng cộng 64.000 USD chỉ từ việc hàng ngày đi tập thể dục và chú ý cách các phương tiện di chuyển trên đường.

“Kể cả không cố ý tìm cách soi vi phạm, tôi vẫn ung dung quay được ít nhất 3 vi phạm/ngày”, ông Slapikas nói.

Ông Slapikas là 1 trong khoảng 20 “paparazzi công dân” thường xuyên gửi phản ánh về thành phố trong chương trình này.

Một nhóm gồm 20 người đã được lập ra với tên gọi “Những chiến binh chống xe chạy không tải”, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, những câu chuyện trong quá trình “bắt hình ảnh xe vi phạm”.

Mỗi tháng, họ gửi về hàng trăm lượt tố giác, nhất là trong đại dịch khi hoạt động giao hàng dày đặc hơn, tỉ lệ vi phạm càng cao hơn. Số lượt báo cáo do nhóm này gửi về chiếm 85% trong tổng số phản ánh thành phố nhận được.

Qua đó, năm ngoái, thành phố thu về 2,4 triệu USD tiền phạt, tăng 24% so với trước khi chương trình này bắt đầu. Trong đó, năm 2021, New York đã trả hơn 724.000 USD tiền thưởng, còn tính từ năm 2019 là 1,1 triệu USD.

Dẫu vậy, không phải ai đến với công việc này cũng là vì tiền. Như Ernest Welde, cơ duyên khiến anh chăm chỉ phản ánh vi phạm vì anh là luật sư về môi trường; bản thân anh thực sự mong muốn cải thiện chất lượng không khí từ trước cả khi thành phố thực hiện chương trình thưởng tiền.

Chưa kể, để nhận được khoản tiền thưởng của thành phố không hề đơn giản. Việc quay được video đạt yêu cầu chỉ là bước đầu.

Họ còn phải nén file, đánh dấu thời gian kèm ảnh chụp thông tin nhận dạng. Trước đây, New York còn yêu cầu có chữ ký của người khai báo nhưng nay chỉ cần người dân cam kết mọi thông tin đúng sự thật là đủ.

Sau khi nộp thông tin, các “paparazzi công dân” còn có trách nhiệm theo dõi báo cáo của mình qua hệ thống trình báo và các phiên xét xử vi phạm tại tòa. Khi người vi phạm chính thức bị phạt hành chính, người tố giác mới được lĩnh thưởng.

“Đôi mắt giao thông”, “Con mắt công chúng” ở Ấn Độ

img

Ảnh chụp màn hình ứng dụng “Con mắt công dân” của thành phố Bengaluru, bang Karnataka

Tại Ấn Độ, từ năm 2015, cảnh sát thành phố Bengaluru, bang Karnataka đã áp dụng chương trình “Con mắt công chúng” cho phép người tham gia giao thông đăng tải video ghi lại vi phạm luật giao thông lên một ứng dụng điện thoại cùng tên để hỗ trợ lực lượng chức năng xử phạt người vi phạm.

Ở thời điểm đó, ông R Hithendra - Ủy viên Hội đồng Cảnh sát Giao thông thành phố Bengaluru cho biết, nếu như trước đây, cảnh sát địa phương thường rất khó xử phạt người vi phạm vì nhiều trường hợp thiếu thông tin hoặc bằng chứng xác đáng, thì nay khi có sự giúp đỡ của người dân, lực lượng chức năng như có thêm “đôi mắt” để giám sát kỹ hơn.

Các phương tiện không tải tại Mỹ được cho là nguyên nhân gây ra hàng triệu tấn khí thải CO2/năm. Các nhà nghiên cứu ước tính, việc loại bỏ khí thải dư thừa từ việc đỗ xe không tải có tác động tương đương hạn chế 5 triệu xe trong số 250 triệu ô tô hoạt động trên đường phố.
Do đó, rất nhiều bang tại Mỹ đã ban hành luật để xử lý hành vi lái xe không tải nhưng ít nơi có chương trình để tận dụng công dân thành những “paparazzi” như New York.


Tuy nhiên, khác với New York, người đăng tải video không nhận được tiền thưởng.

Theo số liệu thống kê gần nhất tính đến năm 2020, ứng dụng này đã có 126.099 lượt tải với 24.222 người sử dụng. Lực lượng chức năng đã nhận được tổng cộng 328.441 khiếu nại, trong đó có 227.391 khiếu nại đã được xử lý.

Ông RI Kasim, một quan chức cảnh sát thành phố cho biết, cảnh sát sẽ xem xét và xử lý tất cả bằng chứng vi phạm giao thông được đăng tải trên ứng dụng. Có một đội gồm 4 nhân viên cảnh sát chuyên xử lý, xác minh hình ảnh, ngày tháng, địa điểm diễn ra sự việc và phát thông báo.

Các vi phạm phổ biến là vượt tốc độ, lái xe cẩu thả, lấn làn, không đội mũ bảo hiểm… trong đó các vi phạm về mũ bảo hiểm là nhiều nhất.

Gần đây nhất, có thêm một thành phố tại Ấn Độ áp dụng phương pháp trên là Kochi với chương trình mang tên “Đôi mắt giao thông”.

Từ cuối tháng 1/2022, cảnh sát TP Kochi đã công bố tài khoản WhatsApp chuyên biệt để nhận báo cáo vi phạm từ người dân qua nhiều định dạng như: Ảnh, video, tin nhắn âm thanh.

Tính đến cuối tháng 4/2022, cảnh sát Kochi đã nhận 690 báo cáo trong đó có 668 báo cáo về vi phạm liên quan tới giao thông và 22 trường hợp liên quan tới các vấn đề khác.

Cảnh sát địa phương khẳng định, sẽ xử lý các thông tin trình báo từ người dân chỉ trong vòng 7 phút. Nếu báo cáo liên quan tới vấn đề nằm trong phạm vi của cảnh sát thành phố, lực lượng chức năng lập tức tới địa điểm đó để xử lý, còn các trường hợp khác sẽ được chuyển về sở cảnh sát liên quan. Người cung cấp bằng chứng không cần công bố thông tin cá nhân.

Vấn nạn trả thù người tố giác vi phạm

Chương trình của New York cũng có mặt trái vì những cá nhân phản ánh vi phạm như ông Slapikas đã gặp không ít khó khăn, bị đe dọa thậm chí trả thù.

Ông Ernest Welde, 47 tuổi, một luật sư về môi trường từng tham gia phản ánh vi phạm cho biết, ông đã bị nhiều lái xe tải ăn trộm túi xách, bị tấn công và nhiều lần phải gọi cảnh sát.

Một người khác là Eric Eisenberg cũng gặp phải trường hợp tương tự. Eisenberg từng bị một lái xe tải của Amazon và 2 đồng nghiệp phát hiện chĩa camera điện thoại về phía xe tải của họ và đã bị đấm ngã gục xuống đất và mắng nhiếc thậm tệ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.