Chính trị

Kiểm soát chặt nợ công, không lo thiếu vốn BOT giao thông

17/11/2017, 06:18

“Chúng ta đang từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép”...

1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ hơn các vấn đề ĐBQH quan tâm

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn và đặt nhiều câu hỏi với các “tư lệnh ngành” trong ngày đầu tiên (dự kiến 3 ngày) ĐBQH chất vấn các thành viên Chính phủ, hôm qua (16/11).

Nợ công tăng nhanh, đầu tư công chưa hiệu quả

Là người đăng đàn đầu tiên trong số bốn thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận được 44 chất vấn của các ĐB, 7 ĐB tranh luận lại. Trong số này, nhiều ĐB tập trung đặt câu hỏi về kiểm soát nợ công và hiệu quả vốn đầu tư công. ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đặt vấn đề: Nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100 nghìn tỷ, đến 2017 đã lên tới 250 nghìn tỷ đồng. Đâu là giải pháp để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển?

Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, dù phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, nhiều câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, Bộ trưởng cũng trả lời làm rõ vấn đề và hướng khắc phục của ngành. Tuy nhiên, việc trả lời một số nội dung chưa có giải pháp mang tính đột phá, nhất là liên quan đến nợ công, quản lý thuế, hóa đơn mua bán hàng hóa.

Báo cáo làm rõ thêm các vấn đề trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, đến năm 2015, nợ công sát trần, dư nợ vượt trần cho phép, tỷ lệ chi trả nợ vay cao hơn mức tiêu chuẩn quốc tế. “Ta đứng trước nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết yếu kém tích tụ nhiều năm. Trong điều kiện dư địa chính sách tài chính, tiền tệ eo hẹp, đây là vấn đề nan giải đặt ra cho cả hệ thống chính trị”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm, thời gian tới cần tăng nguồn thu vững chắc, kiểm soát chặt nợ công bởi đây là giải pháp của mọi giải pháp.

Trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong bối cảnh nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, chúng ta cần có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an toàn nợ công. Bộ trưởng Tài chính cho hay, các giải pháp vừa qua đã bước đầu có kết quả, đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng. Nếu như giai đoạn 2011-2015 tăng 18%, năm 2016 tăng 15%, thì đến năm 2017 chỉ tăng 9%. “Chúng ta đang từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giơ biển xin tranh luận lại, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng mới chỉ đề cập “phần vỏ” là nợ công tăng nhanh, còn vấn đề hiệu quả đầu tư công ra sao thì không rõ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận đầu tư công chưa thực sự hiệu quả và cho biết, Bộ đang xây dựng cơ chế sử dụng vốn vay từ cấp phát sang vay lại để sử dụng vốn cho hiệu quả.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây chúng ta chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định đầu tư còn tùy tiện, vượt khả năng cân đối của ngân sách, ở cả T.Ư và địa phương. Hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao là vì thời gian triển khai đầu tư, phải thực hiện rất nhiều thủ tục như GPMB, đấu thầu… mất rất nhiều thời gian, đội vốn, buộc phải điều chỉnh. Khi đội vốn thì không có nguồn bố trí, buộc phải đình, giãn, hoãn. Vì thế, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, rà soát toàn bộ bất cập trong thực hiện đầu tư công, sửa Luật Đầu tư công theo hướng đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng.

Không lo thiếu vốn các dự án BOT giao thông

Tiếp sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính, chiều cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là người thứ hai đăng đàn, trả lời các câu hỏi về xử lý nợ xấu, huy động nguồn lực trong dân...

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về việc có hay không các ngân hàng cho vay dự án BOT rất lớn, dư nợ nhiều, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất và dư nợ cho vay các lĩnh vực khác, ông Hưng cho biết, với các dự án BOT thì tỉ trọng tín dụng chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dư nợ, tức là ở mức rất thấp. Tuy nhiên, nhu cầu vốn rất lớn để triển khai các dự án BOT nên Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải kiểm soát chặt hoạt động tín dụng cho vay BOT và bất động sản. “Thời gian tới đây, hệ thống ngân hàng vẫn có thể cung ứng vốn cho vay đối với các dự án nếu đó là dự án khả thi, các nhà đầu tư có năng lực thực sự. Đây là điều kiện then chốt để cho vay các dự án BOT giao thông”, ông Hưng nhấn mạnh.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) giơ biển tranh luận và chia sẻ ông thấy thực sự rất “phấn khích” phần trả lời của Thống đốc, đúng trọng tâm và rất hay. Nhưng ĐB cũng chia sẻ một vấn đề ông đang suy nghĩ, đó là ngày 24/11 tới đây, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó, tổng vốn đầu tư của dự án là 118 nghìn tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách chỉ đảm đương được 55 nghìn tỷ đồng, còn lại huy động 63 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ vay hệ thống ngân hàng trên 50 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, một trong những lo ngại là vượt quá khả năng cho vay của hệ thống tín dụng do những ràng buộc về điều kiện pháp lý. Vì thế, ĐB muốn Thống đốc trả lời thêm để các ĐB yên tâm khi bấm nút thông qua Nghị quyết này.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, vấn đề vốn cho đường cao tốc rất quan trọng nhưng rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém. “Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, không phải hệ thống ngân hàng không cho vay BOT giao thông, mà chúng tôi chỉ đạo tổ chức tín dụng phải tăng cường chức năng thẩm định phương án tài chính để đảm bảo dự án hiệu quả khả thi, tăng cường thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự thì vẫn cho vay”, ông Hưng khẳng định.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết thêm tới đây sẽ làm việc với Bộ GTVT về những vấn đề về vốn với hệ thống ngân hàng. “Những dự án, những tuyến đường nào đảm bảo khả thi về tài chính thì ngân hàng sẽ cho vay. Quan trọng là quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro về kỳ hạn. Các dự án BOT có thời gian cho vay từ 15 - 20 năm, thậm chí cao hơn với lượng vốn rất lớn, trong khi vốn ngân hàng đến từ huy động ngắn hạn nên rủi ro chênh lệch kỳ hạn là rất lớn nếu chúng ta không kiểm soát tốt”, ông Hưng lưu ý.

Sáng nay, Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn.

2

 

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội):
Chưa thỏa mãn!

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Tài chính tập trung vào 4 vấn đề nổi cộm: Kiểm soát thuế, chống thất thu thuế; cải cách hành chính, chi ngân sách và nợ công; gian lận thương mại, chuyển giá. Đây là 4 vấn đề bao quát, nổi cộm của ngành. Ưu điểm rất lớn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là trả lời các vấn đề rất chi tiết, cung cấp đầy đủ thông tin, chứng tỏ Bộ trưởng nắm rất chắc vấn đề. Tuy nhiên, phần trả lời còn lan man, nặng về cung cấp thông tin, chưa thấy Bộ trưởng đưa ra được giải pháp đột phá trong thời gian tới. Nếu đáp ứng được điều này có lẽ các ĐB sẽ thỏa mãn hơn.

 

3

 

ĐB Phùng Văn Hùng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế):
Bộ trưởng trả lời vẫn dài

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trả lời đi vào từng vấn đề cụ thể mà các ĐB đã đặt câu hỏi. Tuy nhiên, phần trả lời còn hơi dài và Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần nhắc nhở. Cần trả lời ngắn gọn, đáp ứng yêu cầu của ĐB, đồng thời tạo điều kiện cho các ĐB khác đặt câu hỏi, như vậy hiệu quả của phiên chất vấn sẽ tốt hơn.

 

4

 

ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội):
Không thể đổ lỗi cho khách quan

Trả lời chất vấn của tôi, Bộ trưởng cũng thừa nhận thực trạng người dân thường không lấy hóa đơn thuế, DN không xuất hóa đơn, trong khi quy định giá trị 200 nghìn đồng đã phải xuất hóa đơn, nhưng việc kiểm tra, giám sát để bảo đảm thu thuế thông qua xuất hóa đơn không được tăng cường; giải pháp để tận thu nguồn thuế thì chưa thấy nhưng để chống hụt thu ngân sách lại đề ra giải pháp tăng thuế, đánh vào túi của người dân. Đây chưa phải là giải pháp căn cơ, hợp lòng dân.

Chúng tôi kỳ vọng Bộ trưởng có giải quyết xác định nguyên nhân căn bản từ đâu có tiêu cực, hiện tượng đó để có giải pháp của ngành và các ban, ngành khác phối hợp xử lý triệt để nguyên nhân đó. Chúng ta không thiếu luật nhưng quan trọng nhất là con người và việc thực thi. Phải tìm ra nguyên nhân ở đâu chứ không thể đổ lỗi cho cơ chế, khách quan.

Hoài Vũ - Ngân Anh (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.