Tài chính

Kiểm soát lạm phát trước áp lực giải ngân đầu tư công

28/09/2022, 10:30

Chỉ tiêu tín dụng cả năm chỉ 14%, trong khi doanh nghiệp vẫn cần vốn, còn giải ngân đầu tư công quá chậm.

Tìm điểm cân bằng cho các vấn đề này là bài toán đang được đặt ra.

Áp lực lạm phát vẫn lớn

Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cung cấp cho thấy, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021.

Và cả năm 2022, chỉ tiêu tín dụng vẫn được duy trì ở quanh mức 14%. Riêng với chỉ tiêu tín dụng này đã gây ra không ít ý kiến trái chiều, nhất là trong đợt kiến nghị của các ngân hàng thương mại suốt nhiều tháng để được nới “room”.

img

Lạm phát cả năm 2022 được dự báo dưới mục tiêu 4%. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sau khi đã giao chỉ tiêu cho các ngân hàng từ đầu năm, vừa qua NHNN tiếp tục cấp phần còn lại của 14% cho các ngân hàng thương mại.

Trước đề nghị của PV Báo Giao thông cung cấp thông tin những ngân hàng được nới “room” hay ngân hàng bị giảm chỉ tiêu tín dụng trong đợt xét vừa rồi, ông Tú đã từ chối với lý do “đây là thông tin nhạy cảm”.

Lãnh đạo NHNN cho biết, sẽ tập trung theo dõi, giám sát và quản lý tốt để tín dụng tăng trưởng một cách hợp lý.

Cơ quan này sẽ xem xét điều chỉnh “room” tín dụng phù hợp để kiểm soát lạm phát không chỉ năm 2022 mà còn các năm khác khi lạm phát còn biến động khó lường.

Liên quan đến lạm phát, thông tin với Báo Giao thông, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn này.

“Kiểm soát lạm phát 8 tháng đầu năm rất tốt nên giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho tăng trưởng. Nhưng nguy cơ áp lực tăng lạm phát những tháng còn lại của năm 2022 và 2023 vẫn lớn”, ông Thụ nói.

Cụ thể, ông Thụ chỉ rõ áp lực từ lạm phát cao trên thế giới trong khi độ mở của kinh tế Việt Nam rất lớn nên mọi biến động về giá cả trên thế giới đều sẽ “dội” và “đập” vào giá cả hàng hóa trong nước; Giá dầu biến động khó lường; chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ trong nước từ các gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh và lãi suất. Ngoài ra, quản lý thị trường, điều hành giá cả còn nhiều bất hợp lý, còn tình trạng đầu cơ tăng giá...

Thiếu vốn không phải yếu tố duy nhất

Các nhà điều hành đều hết sức thận trọng, “room” tín dụng chỉ còn trên dưới 3,5% cho 3,5 tháng còn lại của năm 2022 (tính từ giữa tháng 9), nhưng ngoài thị trường doanh nghiệp vẫn đang rất cần vốn.

Chính vì vậy, đã có ý kiến cho rằng, điều này sẽ hạn chế đà phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế sau hai năm đại dịch và nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang muốn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.

Về mục tiêu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ông Thụ cho hay, các doanh nghiệp tham gia dự thầu rất cần vốn đối ứng bởi năng lực tài chính nói chung còn thấp.

Chính vì thế, họ phụ thuộc lớn vào nguồn vốn ngân hàng. Nhưng trong điều kiện hiện nay, ngân hàng khó có thể đánh đổi việc nới lỏng tiền tệ với mục tiêu kiểm soát lạm phát và an ninh, an toàn hệ thống, nhất là vốn huy động của ngân hàng một phần rất lớn là vốn ngắn hạn.

Vì thế, việc hạn chế tín dụng ngân hàng không phải là nguyên nhân chủ yếu và duy nhất làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

“Giải ngân đầu tư công năm nào cao nhất, tỉnh nào cao cũng chỉ trên 90%, còn lại trung bình cả nước rất thấp”, ông Thụ nói và cho rằng, việc phải chuyển nguồn 200 - 300 nghìn tỷ đồng mỗi năm là điều đáng phải suy nghĩ bởi nhu cầu lớn, ngân sách thiếu tiền, bội chi cao, phải đi vay mà có tiền lại không tiêu được.

Về giải phóng mặt bằng, ông Thụ cho rằng, trình tự thủ tục đã được cắt giảm nhưng vẫn còn nhiêu khê, khiến dự án kéo dài từ khâu chuẩn bị đến đấu thầu và thực hiện.

Ngoài ra, còn là năng lực các nhà thầu, do đấu thầu theo phương thức chủ yếu là bỏ giá thấp nên nhiều nhà thầu ôm dự án nhưng không kham được gây kéo dài, khó khăn cho các bên.

Còn cơ hội “bơm” vốn

Trở lại với vấn đề tín dụng ngân hàng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, tín dụng ngân hàng đã tăng khá mạnh những tháng đầu năm nhưng lượng vốn tín dụng lại chảy vào bất động sản quá nhiều.

Vì thế, thời gian còn lại của năm, ngân hàng sẽ không “rót” tiền nhiều vào lĩnh vực này nữa. “Vừa rồi NHNN tăng lãi suất thêm 1% cũng không quá ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế”, ông Thịnh nói.

Đồng thời, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, ông Thịnh cho rằng NHNN hoàn toàn có thể điều chỉnh tín dụng, nới lỏng thêm ở mức hợp lý mà vẫn ổn định được vĩ mô với tiền đề kiểm soát tốt lạm phát trong mức Quốc hội cho phép.

Còn nếu trong một tháng tới lạm phát bùng nổ thì chỉ duy trì tăng dư nợ như kế hoạch hiện nay và cần thêm biện pháp khác để ổn định vĩ mô.

Trên thực tế, theo TS. Bùi Đức Thụ, nếu dư địa chính sách tiền tệ không còn, doanh nghiệp cần vốn mà phải kiểm soát lạm phát thì có thể cân nhắc đến công cụ tài khóa, bởi nợ công đến cuối năm nay theo nhận định chỉ 55,3% GDP, thấp hơn trần Quốc hội cho phép là 65% GDP.

“Chính vì thế mà Chính phủ trình việc nới lỏng tài khóa cho phép như gói tín dụng 350 nghìn tỷ gần đây, đồng thời tăng bội chi ngân sách để có thêm nguồn vốn cho khu vực công hay tiếp tục các giải pháp về thuế”, ông Thụ nói và cho rằng, để kiểm soát lạm phát thì tín dụng chỉ là một công cụ kiểm soát cung tiền. Ngoài ra, còn các công cụ khác như thị trường mở, dự trữ bắt buộc… Vì thế, trong tổng thể phải tính tới công cụ phù hợp thực tế, dùng công cụ nào, mức độ đến đâu để ổn định vĩ mô.

Lạm phát 2022 dưới 4%

Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân cả năm 2022 tăng khoảng 3,4 - 3,7%; Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI năm nay tăng khoảng 3,7 ± 0,3%. Bộ Tài chính đưa ra hai kịch bản: Kịch bản 1, giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 40%, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng 5 - 10%, CPI bình quân năm 2022 tăng khoảng 3,37%. Kịch bản 2: Như kịch bản 1 và thêm các yếu tố từ giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác tăng 3 - 5%, CPI bình quân năm 2022 tăng khoảng 3,87%. Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng 3,37 - 3,87%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.