Thế giới

Kiểm soát tốt Covid-19 Trung Quốc vẫn chưa an toàn

13/04/2020, 07:31

Các chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc cảnh báo nước này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi vùng nguy hiểm.

img
Trung Quốc tưởng niệm các chiến sĩ và nạn nhân trong dịch Covid-19

Trung Quốc đã chính thức nới lỏng lệnh phong tỏa hôm 8/4 đối với Vũ Hán - nơi khởi phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ hàng đầu đại lục cảnh báo nước này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Chưa thể nói trước điều gì

Tính tới nay, Trung Quốc đã có 82 nghìn người nhiễm bệnh và 3.339 người thiệt mạng trên toàn quốc.

Tại hội nghị trực tuyến với các chuyên gia đến từ Hàn Quốc tổ chức cuối tuần qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc như ông Zhong Nanshan, chuyên gia dịch bệnh đường hô hấp, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia cấp cao của Ủy ban Sức khỏe Quốc gia về Covid-19 nhận định: “Châu Âu đang rất nghiêm túc về vấn đề cách ly xã hội… đây sẽ là biện pháp quan trọng nhằm giảm tỉ lệ lây lan. Nhưng chúng tôi rất lo ngại về tình hình tại Mỹ nơi có số ca nhiễm mới trung bình 20.000 ca/ngày… Thế giới không thể kiểm soát dịch bệnh cũng như bình an trong khi vẫn còn quốc gia nào đó trên toàn cầu nhiễm bệnh”, ông nói.

Tính đến cuối tuần qua, có hơn 1,7 triệu người trên toàn thế giới nhiễm Covid-19, trong đó hơn 100.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, tại Trung Quốc, sau nhiều tháng áp dụng lệnh giới nghiêm tại nhiều khu vực, số lượng bệnh nhân Covid-19 được kiểm soát ở mức dưới 1.100.

Đáng chú ý, trong số những người mắc Covid-19 mới được xác nhận, khoảng 70% ca xuất phát từ nước ngoài, theo Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc. Ông Zhong cho rằng, trừ khi Trung Quốc cách ly hoàn toàn với toàn thế giới, còn không, việc ngăn chặn hoàn toàn các ca nhiễm mới là điều không thể, đặc biệt ở những thành phố lớn.

Do đó, để giữ số lượng người nhiễm mới không tăng quá nhanh, cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì giám sát người từ nước ngoài và nhanh chóng cách ly những người bị nhiễm bệnh.

Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo China News, ông Zeng Guang, nhà dịch tễ hàng đầu đến từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn dịch bệnh Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng “chừng nào những ca lây nhiễm mới vẫn tiếp tục phát sinh ở nước ngoài đồng nghĩa Trung Quốc vẫn bị đe dọa”.

“Tôi thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump bình luận trước đó về đại dịch rằng, đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Có lẽ, ông ấy đã quá lạc quan. Tôi vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng le lói nào từ đại dịch toàn cầu vì đây là dịch bệnh mới và chúng ta biết rất ít về nó”, ông Zeng nói.

Theo Zeng, sự khác nhau trong khả năng cung ứng trang bị, dịch vụ y tế và các phương pháp cách ly khác biệt ở mỗi nước là một trong những nhân tố khiến cho các chuyên gia như ông khó có thể dự đoán khi nào đại dịch có thể kết thúc. Một số nhân tố quyết định khác như thời gian sản xuất vaccine và cách thế giới tổ chức sản xuất, tiêm chủng hàng loạt.

“Chìa khóa” ngăn dịch bùng phát là vaccine

Cả ông Zeng và Zhong đều cho rằng trong tương lai gần, dịch bệnh này chưa thể xóa bỏ hoàn toàn. Theo ông Zhong, thực tế cho thấy, virus này vẫn hoạt động mạnh trên những người đã nhiễm bệnh, khả năng cao virus Covid-19 sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn trong tương lai mà “sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian dài dù không bùng phát trên quy mô lớn”.

Chuyên gia Zhong dẫn nhiều nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy, khoảng 6% trong tổng dân số toàn cầu có kháng thể chống lại hội chứng hô hấp cấp tính nặng giống Sars - dịch bệnh từng lây lan tới hơn 8.000 người và khiến 800 người thiệt mạng (hầu hết ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong) vào năm 2002 - 2003. “Đồng nghĩa, kể từ năm 2003, đã có thêm những trường hợp nhiễm bệnh nhưng không lây lan trên diện rộng. Với dịch lần này, nếu chúng ta có thể kiểm soát ở mức độ đó đã là may mắn rồi”, ông Zhong cho biết.

Ông Zeng dự đoán, các quốc gia kém phát triển tại châu Phi, Nam Á và Mỹ La-tinh có thể là những “chiến trường mới” trong giai đoạn tiếp theo của đại dịch.

Để các nước đã kiểm soát dịch ngăn chặn được kịch bản virus bùng phát trở lại, “vaccine chính là chìa khóa để đạt miễn dịch. Còn cách thức miễn dịch cộng đồng chắc chắn không hiệu quả vì chi phí và mức độ hy sinh quá lớn”, ông Zhong nhận định.

Dựa trên tình hình lây lan của virus Covid-19 hiện nay, một số chuyên gia dịch tễ ước tính, ngưỡng quan trọng nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng là khoảng 60% dân số thế giới. Tuy nhiên theo ông Zhong, cái giá để đạt được ngưỡng đó quá lớn, “không thể đoán định được chúng ta sẽ phải hy sinh bao nhiêu mạng người để có thể đạt được mục tiêu này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.