10 năm căng băng rôn đòi nhà
Theo tìm hiểu, dự án Usilk City từng được coi là “thành phố trong mơ” do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2008 trên tổng diện tích hơn 92.000 m2, tổng mức đầu tư lên đến gần 9.500 tỉ đồng.
Theo quy hoạch được duyệt, dự án chia thành 4 cụm công trình CT1, CT2, CT3 và CT4 với 9 khối nhà chung cư cao từ 25 - 50 tầng, với 2.700 căn hộ hiện đại.
Dự án Athena Pháp Vân chậm bàn giao, người dân tập trung đòi nhà (ảnh: Lê Quân)
Chủ đầu tư dự án dự kiến sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2013. Trong thời gian từ 2009 - 2012, chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán căn hộ cho gần 2.000 khách hàng, thu về hàng nghìn tỉ đồng…
Nhưng đến nay đã qua hơn 1 thập kỷ, “thành phố Usilk City” trong mơ vẫn chỉ là trong mơ. Hàng nghìn người dân chưa được nhận nhà, vẫn phải hàng ngày "kéo" băng rôn đòi quyền lợi.
Bà Nguyễn Thanh Bình, 66 tuổi, cho biết, ký hợp đồng mua 2 căn hộ tại dự án Usilk City từ năm 2011, trong đó có 1 căn đứng tên chồng bà với mong muốn nhận được nhà thì về ở dưỡng già. Nhưng đến năm 2014 chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất vào năm 2016. “Vậy là đến lúc chết, ông nhà tôi vẫn chưa một lần nhìn thấy căn hộ đã mua, định để dưỡng già tại dự án Usilk City”, bà Bình gạt nước mắt, kể.
Usilk City chỉ là một trong ví dụ điển hình về tình trạng giao nhà chậm tiến độ. Ngoài ra còn nhiều dự án khác Báo Giao thông từng phản ánh như: Tòa nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân (Dự án Athena Complex Pháp Vân) tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, TP. Hà Nội của Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần công nghiệp hàn Việt Nam và Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379; hay toà nhà 8B Lê Trực, phường Điện Biên do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư...
Bổ sung bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 9/3, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc góp ý Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Theo đó, HoREA kiến nghị, bổ sung quy định về “bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà, công trình xây dựng theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng khi bán, cho thuê mua BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai”.
Văn bản HoREA nêu rõ, trong thị trường BĐS, khách hàng thường là “bên yếu thế”, nhất là các khách hàng là người tiêu dùng mua nhà để ở, hoặc là nhà đầu tư nhỏ lẻ so với chủ đầu tư dự án BĐS thường là “bên có lợi thế”.
Trong khi đó, hiện tại, khoản 1 Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định “chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.
Đây là quy định bắt buộc “chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.
HoREA cho rằng, chỉ quy định một biện pháp “bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng” thì đúng nhưng chưa đủ.
Chính vì vậy, cần bổ sung thêm biện pháp “bảo hiểm rủi ro” thông qua cơ chế hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm “bảo hiểm rủi ro” cho khách hàng mua, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. Việc mua này thông qua hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm “chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm” là chủ đầu tư trong trường hợp “không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng".
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu đề nghị bổ sung trở lại quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào các doanh nghiệp khác, được kinh doanh BĐS theo quy định của Chính phủ, như đã quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận