Thị trường

Kiến nghị gỡ lợi nhuận định mức 15% xây nhà cho công nhân

01/07/2016, 19:23

Ông Kenichi Hashimoto, Trưởng đoàn nghiên cứu Jica về cải thiện điều kiện sống cho công nhân các KCN tại Việt Nam kiến nghị.

Kien-ngh-go-quy-dinh-loi-nhuan-dinh-muc-15-nha-o-c

Kiến nghị gỡ lợi nhuận định mức 15% xây nhà cho công nhân thuê. Ảnh minh họa

Trong báo cáo Nghiên cứu cải thiện điều kiện sống cho công nhân các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam, được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) công bố sáng nay (1/7). Ông Kenichi Hashimoto cho biết, từ 2010, việc đầu tư vào các nhà máy quy mô lớn suy giảm dẫn tới nhu cầu xây dựng và nâng cấp môi trường sống cho công nhân cũng suy giảm theo.

Do đó, công nhân sống trong các KCN chất lượng thấp, vị trí không phù hợp, quy mô vượt quá khả năng chi trả của công nhân và nội quy sinh hoạt quá khắt khe. Ông Kenichi cho rằng, sự đình trệ trong vấn đề cải thiện môi trường sống khiến công nhân thường xuyên bỏ việc có thể ảnh hưởng tới thị trường việc làm và việc đào tạo lực lượng lo động lành nghề, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các nước láng giềng.

Quy hoạch không gian và thiết kế công trình được Jica đưa ra và dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại xã Phùng Chí Kiên (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội là căn hộ có diện tích sàn 25-75m2, chiều cao từ 2,7m, chiều rộng từ 2,4m và diện tích sàn từ 4,5m2/người. Căn hộ có bếp, phòng tắm và vệ sinh khép kín…

Ông Ngô Chí Hùng, Phó ban quản lý KCN, Khu chế xuất Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 140 ngàn công nhân, trong đó có 70% công nhân ngoại tỉnh và cần nhà ở. “Nhu cầu nhà ở rất bức xúc, TP. cũng giao chúng tôi tìm kiếm đất gần KCN để xây dựng nhà ở cho công nhân ba năm nay", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, hiện Hà Nội có ba mô hình xây nhà ở cho công nhân là nhà nước đầu tư xây dựng, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư và doanh nghiệp FDI đầu tư xây dựng. Nhưng đến nay, tại KCN Thăng Long nhà ở cho công nhân có thể đáp ứng cho 23 ngàn lao động nhưng mới chỉ 5-6 ngàn lao động vào ở do không thể trả đủ tiền thuê.

Mức hỗ trợ của doanh nghiệp cho công nhân thuê nhà hiện cao nhất là 150 ngàn đồng. Nên ông Hùng cho rằng, nếu theo mô hình Jica đưa ra là công nhân bỏ ra hơn 400 ngàn và doanh nghiệp hỗ trợ 500 ngàn để công nhân vào ở tại những khu nhà ở theo mô hình mới mà Jica đưa ra là không khả thi.

Tuy nhiên, theo ông Kenichi, các mức tiền đưa ra ở trên là đã được Jica điều tra thu thập từ chính công nhân nên người lao động hoàn toàn có thể thu xếp được 400-600 ngàn đồng/tháng để thuê nhà.

Bên cạnh đưa ra mô hình nhà ở mới cho công nhân, ông Kenichi cũng kiến nghị gỡ bỏ quy định về lợi nhuận định mức 10% (đối với nhà để bán) và 15% (đối với nhà cho thuê) trên tổng mức đầu tư được nêu trong Nghị định 100 về xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư bất động sản vào các dự án nhà ở xã hội.

Ông Kenichi cũng kiến nghị cải thiện quy định, cho phép xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, cần nới lỏng quy định về tỷ lệ diện tích xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong dự án xây dựng nhà ở xã hội và mở rộng nội dung của tiểu dự án là thêm các công trình công cộng như dạy nghề…

Còn theo ông Dương Văn Hùng (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần luật hóa quy định doanh nghiệp FDI vào Việt Nam phải đầu tư nhà ở cho công nhân như mô hình của Samsung. “Các doanh nghiệp này không thể chỉ vào khai thác nhân công một chiều mà cũng phải đáp ứng các quyền tối thiểu của công nhân”, ông Hùng cho hay.

Ông Hùng gợi ý, dựa trên tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp để quy định doanh nghiệp trích ra một phần để đầu tư vào hạ tầng nhà ở cho công nhân. “Nghị định về KCN và Khu chế suất sắp ban hành nhất thiết phải quy định về việc này”, ông Hùng đề nghị.

Cục Quản lý nhà và phát triển thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng. Đang tiếp tục triển khai 64 dự án nhà ở cho công nhân KCN với quy mô khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng.Theo quy hoạch phát tiển các KCN đến 2015 tầm nhìn và định hương tới 2020 đã được TTg phê duyệt, đến 2020 số công nhân tạ KCN đạt 7,2 triệu lao động, trong đó 4,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở tương đương diện tích 33,6 triệu m2 nhà ở.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.