Xã hội

Kiến nghị không để 3 Bộ cùng quản lý một sợi bún

05/06/2017, 14:42

ĐBQH cho rằng còn sự chồng chéo, chẳng hạn như quản lý chất lượng bún có đến 3 bộ cùng chịu trách nhiệm.

DB Pham-Trong-Nhan

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng quản lý vệ sinh ATTP còn chồng chéo khi quản lý chất lượng bún có đến 3 Bộ cùng chịu trách nhiệm

Hôm nay (5/6), Quốc hội dành một ngày trên hội trường để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá, những gì chúng ta biết và xử lý về vệ sinh ATTP vừa qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, trong khi mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, hàng loạt vụ bắt giữ thực phẩm quá hạn không nguồn gốc, nội tạng hôi thối.

ĐB dẫn chứng vụ việc gần đây nhất vào 21/5, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 45 tấn tóp mỡ bốc mùi đang trên đường tiêu thụ. Trước đó là hàng loạt thông tin về chế biến nem chua bằng các chất tẩy trắng, làm giá đỗ bằng hoá chất, rồi những hoá chất xử lý thịt lợn, thịt bò hôi thối thành khô bò, chà bông...

"Có thể nói hoá chất độc hại, chất cấm và thực phẩm bẩn đội lốt không trừ sản phẩm nào. Câu hỏi đặt ra hoá chất từ đâu?", ông Nhân băn khoăn.

Dẫn ra số liệu từ Ngân hàng chính sách, ông Nhân cho biết, mỗi năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 loại khác nhau. Trong đó, 90% được nhập từ Trung Quốc, trong khi nước này chỉ có 630 loại thuốc bảo vệ thực vật đang lưu hành.

Chỉ tính 2 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 129 triệu USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

"Đây là con số được cấp phép, còn con số qua đường tiểu ngạch, nhập lậu thì không thể kiểm soát. Đây là cái gốc của nguyên nhân. Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình? Chúng ta nghĩ gì khi báo cáo đoàn giám sát cho rằng có trên 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới mỗi năm, trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn?", ông Nhân đặt vấn đề.

Theo phân tích của ông Nhân, Luật An toàn thực phẩm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý ATTP sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm thay vì quản lý theo phân khúc, kinh doanh nhằm khắc phục chồng chéo, xác định rõ hơn trách nhiệm của các bộ ngành, nhưng còn nhiều một số ngành hàng còn đan xen.

Ví dụ như quản lý chất lượng bún, 3 Bộ cùng chịu trách nhiệm: bột gạo, nguyên liệu làm bún thuộc Bộ NN-PTNT, sản phẩm tinh bột thuộc Bộ Công thương, sản phẩm bún bán trên thị trường, nếu chứa chất tinopal gây hậu quả đối với người tiêu dùng thì thuộc Bộ Y tế.

"Dẫn chứng trên để thấy an toàn thực phẩm đang nhức nhối toàn xã hội nhưng chưa có giải pháp căn cơ triệt để bởi từ khâu nhập, mua bán, sản xuất kinh doanh đến chính sách quản lý còn quá nhiều bất cập", ông Nhân khẳng định.

Về vấn đề ông Nhân vừa nêu, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị không nên để 3 Bộ cùng quản lý mà nên thu về một đầu mối duy nhất. "Việc xử lý vi phạm chưa được 20% là quá ít, chưa đảm bảo tính răn đe, Chính phủ cần xử lý quyết liệt hơn", bà Yến đề xuất.

ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm, trách nhiệm chính là của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Dù đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan khi thực hiện trách nhiệm trong bảo đảm vệ sinh ATTP, nhưng vị ĐBQH này cho rằng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, trong đó việc thực hiện quản lý còn cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, dẫn đến thực phẩm không an toàn, người dân chịu hậu quả.

"Phòng chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng để điều hành, phối hợp với các cơ quan có liên quan. Lực lượng thanh tra chuyên ngành còn thiếu, hạn chế chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu công việc, kinh phí còn hạn chế và phân tán", ông Mai nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.