Đường bộ

Kiến nghị phê duyệt gần 5.900 tỷ đồng đầu tư cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

22/06/2022, 12:14

Tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đề xuất đầu tư giai đoạn 1 quy mô phân kỳ 4 làn xe, tổng mức đầu tư gần 5.900 tỷ đồng.

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

img

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đề xuất với tổng mức đầu tư sơ bộ gần 5.900 tỷ đồng - Ảnh minh họa

Tờ trình do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký cho biết, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Bộ GTVT đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 1461 ngày 16/2/2022.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ KH&ĐT về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ GTVT đã tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình 5239 ngày 26/5/2022.

Tiếp theo đó, Bộ GTVT đã gửi kèm theo dự thảo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Theo đề xuất, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài 27,43 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp là 18,2 km và tỉnh Tiền Giang là 9,23 km.

Điểm đầu của dự án giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ về ưu, nhược điểm của từng phương án, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền 17m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục, bảo đảm tốc độ khai thác 80 km/h. Công tác GPMB được thực hiện theo quy mô quy hoạch được duyệt.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 5.886 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là hơn 4.000 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 856 tỷ đồng.

Nếu được phê duyệt, dự án dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.