Hàng không

Kiến nghị Thủ tướng đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng nâng cấp sân bay Điện Biên

13/03/2021, 08:35

Bộ KH&ĐT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

img

Sân bay Điện Biên hiện chỉ khai thác được dòng máy bay phản lực cánh quạt ATR72

34 tháng nâng cấp sân bay Điện Biên, đón tàu bay lớn

Sân bay Điện Biên (hay còn gọi là sân bay Mường Thanh) được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Năm 1984 đường bay Hà Nội - Điện Biên chính thức được khai thác, các hạng mục công trình sân bay được khôi phục cơ bản cho phép tiếp nhận an toàn các loại máy bay AN24, AK40. Sau gần 1 năm khai thác do điều kiện kỹ thuật vẫn chưa đảm bảo nên sân bay lại ngừng hoạt động.

Năm 2004, sân bay Điện Biên được cấp thêm kinh phí để tu bổ và sửa chữa lại. Đến nay, sân bay chỉ khai thác được dòng máy bay phản lực cánh quạt ATR72.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên do ACV là nhà đầu tư tại Tp. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Cụ thể, Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, công suất 0,5 triệu hành khách/năm, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung.

Tiến độ thực hiện Dự án là 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư, thời hạn hoạt động của Dự án là 70 năm.

Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục và bố trí đủ vốn bảo đảm đủ điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục Dự án, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh việc lãng phí tài nguyên.

Tỉnh này cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của ACV theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của ACV theo tiến độ thực hiện Dự án.

Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, bảo đảm phương thức bay an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư Dự án.

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo ACV tiếp tục thực hiện đánh giá chi tiết hiệu quả tài chính tổng thể các cảng hàng không (trong đó có Cảng hàng không Điện Biên) được giao quản lý, khai thác bảo đảm hiệu quả đầu tư và nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Rõ phương án xử lý tài sản khu bay sau khi dự án hoàn thành

Trước đó, trong quá trình lấy ý kiến về dự án, vẫn còn một số băn khoăn về phương án xử lý tài sản khu bay hiện hữu, sự phù hợp với quy hoạch về quy mô nhà ga là 0,5 triệu khách (theo quy hoạch là 2 triệu khách/năm), sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh Điện Biên cũng như nguồn vốn và năng lực tài chính của nhà đầu tư, hiệu quả đầu tư…

Được biết, ngày 23/2/2021, Bộ GTVT đã có văn bản khẳng định cấp sân bay trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là cấp 3C với chiều dài đường cất hạ cánh thực tế là 2.400m là phù hợp với quy hoạch tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành hàng không.

Đối với việc xử lý tài sản khu bay, trên cơ sở đánh giá cụ thể về giá trị, công năng, nhu cầu sử dụng đối với các tài sản Nhà nước thuộc khu bay hiện hữu, sau khi Dự án hoàn thành, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên và các cơ quan có liên quan nghiên cứu để triển khai thực hiện xử lý tài sản theo quy định.

Phía UBND tỉnh Điện Biên cũng khẳng định Dự án đã được đăng ký nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; đồng thời, tỉnh Điện Biên sẽ cập nhật chỉ tiêu sử dụng đất của Dự án vào Quy hoạch tinh Điện Biên giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 tỉnh Điện Biên.

“Dự án không có đất lâm nghiệp, do đó không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích rừng theo quy định”, lãnh đạo tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.

Đối với sự khác biệt về sản lượng giữa quy hoạch và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lãnh đạo TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho hay, con số 2 triệu khách đến năm 2030 theo quy hoạch CHK Điện Biên là phù hợp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh về quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Điều này dẫn đến việc dự báo sản lượng hành khách đến năm 2030 theo báo cáo Pre-FS thay đổi.

“Việc dự báo lại sản lượng hành khách đến năm 2030 theo báo cáo Pre-FS là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại”, lãnh đạo ACV nói và khẳng định: Sản lượng hành khách khi thực hiện đầu tư xây dựng đều phải tính toán, dự báo lại để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại. Trong trường hợp sản lượng dự báo để phục vụ đầu tư lớn hơn quy hoạch được duyệt, cần phải điều chỉnh quy hoạch.

Lãnh đạo ACV cũng khẳng định đã tính toán việc phân kỳ đầu tư với sân bay này. Cụ thể, trước mắt ACV sẽ đầu tư ngay khu bay, xây dựng đường cất/hạ cánh mới kích thước 2.400m x 45m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Sân đỗ máy bay sẽ được xây dựng đảm bảo một vị trí đỗ ATR72 và hai vị trí đỗ A320/A321.

Tại khu hàng không dân dụng, để đảm bảo hiệu quả vốn chủ sở hữu, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác, chất lượng dịch vụ, ACV đề xuất trước mắt chưa xây mới nhà ga theo quy hoạch mà chỉ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500 nghìn khách/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.