Hạ tầng

Kiến nghị xây đường hầm tại ngã tư Thủ Đức

25/09/2014, 07:57

Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TPHCM vừa có văn bản kiến nghị được thực hiện đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao ngã tư Thủ Đức (Q.9).

Trả lời PV Báo Giao thông, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi kiến nghị được đầu tư đường hầm tại ngã tư Thủ Đức (nút giao xa lộ Hà Nội – Lê Văn Việt, Q.9).

CII kiến nghị xây dựng đường hầm thay vì xây thêm một cầu vượt song song tại ngã tư Thủ Đức
CII kiến nghị xây dựng đường hầm thay vì xây thêm một cầu vượt song song tại ngã tư Thủ Đức

Ông Bình cho biết mặc dù tại ngã tư này đã được xây dựng cầu vượt thép nhưng vẫn diễn ra ùn tắc giao thông. Đặc biệt đoạn đầu cầu (phía Đồng Nai đi vào) thường hay xảy ra tai nạn. Theo ông Bình, trước mắt đơn vị chỉ kiến nghị xây dựng đường hầm phía bên phải (hướng Đồng Nai vào) với 4 làn xe. Về lâu dài sẽ xây thêm một đường hầm song song thay vì xây thêm một cầu vượt dọc XLHN.

Tổng mức đầu tư xây hai hầm chui khoảng 1.415 tỷ đồng. Đây là hạng mục bổ sung trong tổng thể dự án mở rộng XLHN mà CII đang triển khai. Trả lời câu hỏi liệu việc đầu tư hầm chui này có tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thu phí của trạm thu phí XLHN? Ông Lê Quốc Bình cho biết là nguồn vốn đầu tư hầm chui là từ nguồn vốn dư của dự án mở rộng XLHN nên không kéo dài thời gian thu phí.

Theo thiết kế trước đây thì ngã tư Thủ Đức sẽ được xây dựng hai hầm chui dọc XLHN cho 8 làn xe. Đồng thời với đó là xây dựng cầu vượt từ Võ Văn Ngân sang Lê Văn Việt với 4 làn xe. Nút giao này cũng có vòng xoay ở giữa và các nhánh rẽ trái, rẽ phải. Tuy nhiên năm 2012 do ở đây thường hay xảy ra ùn tắc giao thông nên Thành phố quyết định cho xây cầu vượt thép với số vốn 300 tỷ đồng.

Ngoài ra cũng có một phương án khác là xây thêm một cầu vượt song song cầu vượt thép dọc XLHN hiện hữu và xây hầm chui nối Võ Văn Ngân – Lê Văn Việt. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng phương án này khó khả thi vì ảnh hưởng tuyến ống cấp nước lớn từ Đồng Nai đi vào, không phù hợp với địa hình dốc tại đây và tổng mức đầu tư cũng cao hơn phương án trước (1.560 tỷ đồng).

Phan Tư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.