Xã hội

Kiên quyết loại bỏ người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và HĐND

19/03/2021, 11:14

Cơ quan thẩm tra và cử tri sẽ thực hiện quy trình thẩm tra, đánh giá, lựa chọn những nhân sự xứng đáng để ứng cử đại biểu Quốc hội.

img

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Lấy ý kiến cả những nơi vợ, con ứng cử viên có ảnh hưởng

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào ngày 23/5/2021. Hiện tại nhiều nơi đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

Để chuẩn bị tiến tới cuộc bầu cử này, Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 36 về công tác nhân sự ĐBQH khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu rõ, không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, HĐND các cấp.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hiệp thương lần thứ 2 là quá trình hiệp thương danh sách người giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

Nhiệm vụ của các tổ chức là lấy ý kiến cử tri ở nơi người ứng cử công tác, cư trú. Việc lấy ý kiến cử tri là hết sức quan trọng. Ở kỳ bầu cử này, chúng ta làm rất chặt chẽ ở khâu này.

"Kỳ này chúng ta làm chặt chẽ hơn, đó là không chỉ lấy ý kiến ở nơi ứng cử viên đang công tác và sinh sống mà lấy ý kiến cả những nơi vợ, con họ có ảnh hưởng. Điều này thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của chúng ta. Bởi tài sản của những người tham nhũng thường cũng chỉ mang về cho vợ, cho con, cho người thân", ông Túc nói.

Theo ông Túc, không chỉ lấy ý kiến của nhân dân, qua kinh nghiệm thì thấy rằng cần phải gắn bó giữa cơ quan tham mưu của Nhà nước với ý kiến của nhân dân. Vì có những vấn đề bề nổi thì dân có thể nhìn thấy được nhưng mặt chìm thì cần phải có cơ quan hữu quan vào cuộc.

"Ví dụ như vừa rồi có trường hợp một đại biểu có quốc tịch nước ngoài, dân khó mà biết, lúc đó thì cơ quan quản lý chuyên trách họ đã phát hiện và nhìn ra. Thứ hai là tài sản của những người tham nhũng ở trong ngân hàng thì làm sao nhân dân biết được. Ngoài thì có thể cuộc sống bình thường, nhưng "của chìm, của nổi" thì rất nhiều", ông Túc nêu quan điểm.

Mặt trận thẩm tra tiêu chuẩn ứng cử viên

Ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, để lựa chọn được những ĐBQH chất lượng và đủ về số lượng thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hết sức quan trọng.

"Chúng ta thấy trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rất rõ: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội là nòng cốt trong vấn đề phát huy dân chủ. Bầu cử HĐND các cấp và ĐBQH là thực hiện quyền làm chủ của dân, vì vậy Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam phải làm sao để việc hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người thực sự xứng đáng tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất", ông Túc cho hay.

Theo ông Túc, để chọn người thực sự xứng đáng trong bối cảnh hiện nay là việc làm không phải là dễ. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói "rất dễ nhìn gà hóa quốc, thấy đỏ tưởng chín".

"Chính vì vậy, Mặt trận Tổ quốc phải thẩm định những tiêu chuẩn mà những người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử”, ông Túc cho hay.

Ông Túc thông tin, thực tế ở những kỳ vừa qua, có trường hợp Trung ương đưa ra nhưng sau khi Mặt trận thẩm tra thấy không đủ tiêu chuẩn rồi báo cáo lại Trung ương đề nghị rút khỏi danh sách, trong đó có trường hợp đã phải rút khỏi danh sách.

Tiếp xúc và lắng nghe ý kiến cử tri

Nêu quan điểm về vấn đề này ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, một điều rất quan trọng đó chính là công tác tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến cử tri. Công tác này rất quan trọng. Bởi một nhân sự bao giờ cũng gắn với nơi công tác, nơi ở.

"Cử tri sẽ là những người đánh giá đúng và chuẩn nhất về những nhân sự được giới thiệu. Nếu có biểu hiện tiêu cực, dù có giấu kín tới đâu, che giấu điều gì thì cũng sẽ có thể bị bộc lộ dưới con mắt của cử tri, của nhân dân. Do đó, việc tiếp thu ý kiến của cử tri trong cuộc tiếp xúc là điều rất quan trọng, từ đó phát hiện ra những điều tốt hoặc không tốt của nhân sự được giới thiệu. Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân”, ông Sinh nhấn mạnh.

Đối với vấn đề kiên quyết không để lọt những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, HĐND các cấp, ông Đỗ Văn Sinh dẫn lại ví dụ về việc khoanh vùng, truy vết trong dịch Covid-19 đang thực hiện rất tốt và nếu trong phòng, chống tham nhũng chúng ta thực hiện được việc “truy vết” như vậy thì sẽ hạn chế được tình trạng này rất nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.