Chuyện dọc đường

Kiện tụng bản quyền và chuyện bức tranh con gà

23/03/2019, 06:15

“Quyền tác giả có từ trong bức tranh con gà đầu tiên mà một đứa trẻ từng vẽ và gắn suốt đời với mỗi cá nhân trong quá trình sống và sáng tạo”.

img
Theo phán quyết ngày 20/3 của TAND TP Hà Nội, đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn “Ngày xưa” (còn gọi là “Thủa ấy xứ Đoài”), còn Công ty CP Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản

Đó là lời dẫn của một trong hàng chục video giảng dạy về bản quyền cho trẻ em bằng tiếng Anh rất phổ biến ở nước ngoài.

Clip đưa tới bài học trực quan cho bọn trẻ về quyền sáng tạo và được tôn trọng dù là sản phẩm vụng về của đứa trẻ hay kiệt tác của danh nhân. Thiếu vắng sự truyền đạt khái niệm từ nhỏ, nhiều người sẽ bỏ qua quyền của mình như từng quên đi “bức tranh con gà” đầu tiên và cho phép mình ngang nhiên xâm phạm quyền của người khác như nghe, nhìn, đọc, sao chép… các tác phẩm được cảnh báo có bản quyền.

Việc kiện tụng bản quyền “Tinh hoa Bắc Bộ” giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú hay vụ “Thần đồng đất Việt” của Phan Thị với họa sĩ Lê Linh… đang gây xôn xao báo chí và mạng xã hội là cơ hội tốt để mọi người hiểu và tuân thủ luật bản quyền một cách nghiêm túc.

Ở Việt Nam, vô số vụ tranh chấp bản quyền phơi bày trên mặt báo, tiếc thay, lại rất hời hợt, báo chí vừa đưa tin vừa phán xử nhưng ít khi làm rõ được các khái niệm cũng như kiểm chứng thông tin hoặc phân tích pháp lý.

Gần đây, mỗi năm tòa án ở ta thụ lý khoảng 20 vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ (SHTT), góp phần khiến Việt Nam thoát khỏi tốp các nước có nạn xâm phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới những năm 2005, và hiện ở tốp 20 theo một thống kê tính đến năm 2018.

Các tác phẩm tranh chấp vừa được Tòa án xét xử đã làm rõ các khái niệm căn bản như tác giả, đồng tác giả, phái sinh, đạo văn, quyền nhân thân, quyền tài sản và phân chia các quyền đó về từng bên bằng một phán quyết có sức nặng át mọi ý kiến tự phát ồn ào trên mạng xã hội.

img
Đạo diễn Việt Tú

Phán quyết của Tòa chứng minh rằng, một tác phẩm được tạo ra ngay cả khi chất lượng chỉ tương đương với “bức tranh con gà” thời thơ ấu thì tác giả cũng có quyền được ứng xử tôn trọng và được trả tiền. Một tác giả khác, dựa trên đó để tạo ra một con gà mới, dù lộng lẫy hơn cũng không được quên dẫn chiếu tác giả của tác phẩm gốc.

Phần lớn con người không mưu sinh bằng cách vẽ “các con gà” ngoại trừ nhóm người sống bằng sáng tạo nghệ thuật. Khó khăn thay, những Van Gogh, Balzac hay Rembrant dù tài năng nhưng đều đã chết trong nghèo khó, trước khi những nhà bảo trợ tới và vinh danh tác phẩm của họ.

Nên các nhà đầu tư sẽ vào cuộc trước tác phẩm, bằng số tiền thỏa thuận, họ sẽ đổi lấy quyền khai thác thương mại các sáng tạo ra đời ở thì tương lai, thậm chí sở hữu luôn cả quyền nhân thân nếu nghệ sỹ đồng ý bán.

Các quyền này được đặt trong một thỏa thuận mà ranh giới quyền sở hữu và quyền nhân thân được phân định và các bên cam kết không xâm lấn.

Mức giá tiền tỷ trong các vụ việc đã từng được tiết lộ và sáng tạo ngày nay không còn là “con gà nhỏ” ngây ngô mà đã hóa ra “con gà đẻ trứng vàng”. Quyền tác giả bị quên lãng bỗng chốc trở thành vương quyền hứa hẹn vật chất và danh lợi.

Không thể phủ nhận, các tranh chấp càng gay gắt thì dân trí càng được nâng cao. Các phán quyết có thể sai hoặc đúng, nhưng nếu động cơ và mục đích của các bên thỏa mãn, họ sẽ ra về hài lòng. Vụ việc đã khép lại nhưng một cánh cửa sẽ mở ra cho cộng đồng nhìn thấu quyền năng của sáng tạo và sức hấp dẫn của vật chất có được từ sáng tạo ấy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.