Thị trường

Kinh doanh bết bát, giá cổ phần Sông Hồng vẫn "trên trời"

01/12/2020, 19:08

Mặc dù kinh doanh bết bát nhưng trong dự kiến bán ra tới đây, cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng vẫn khởi điểm ở mức giá "trên trời".

img
Kinh doanh bết bát, giá cổ phần Sông Hồng vẫn "trên trời" (Hình ảnh minh hoạ).

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng (Sông Hồng) luôn trong tình trạng thua lỗ. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 cho thấy, Sông Hồng lỗ sau thuế 38,6 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2020, nâng khoản lỗ lũy kế tới 1.011 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2020, nợ phải trả của Sông Hồng lên tới 2.071 tỷ đồng; Trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 1.534 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ có 886,5 tỷ đồng. Số liệu cho thấy nợ ngắn hạn cao gần gấp đôi tài sản ngắn hạn. Cùng với đó, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Hồng âm tới 705 tỷ đồng.

Ghi nhận trên sàn chứng khoán, mã SHG của Sông Hồng hiện tại là 2.000 đồng, chưa bằng cốc trà đá, giao dịch trong mức giá rất thấp.

Thế nhưng, trong thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoản Hà Nội (HNX) mới đây, Sông Hồng dự kiến tổ chức bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần (49% vốn) do Bộ Xây dựng sở hữu vào ngày 25/12. Đáng chú ý, giá khởi điểm được đưa ra là 10.000đ/cổ phần, cao gấp 5 lần giá trị đang giao dịch.

Đây được đánh giá là bài toán khó đối với các nhà đầu tư.

Một chuyên gia về lĩnh vực này cho biết, theo quy định, giá bán cổ phần không làm giảm giá trị sở hữu của nhà nước, do vậy giá bán ra khởi điểm là 10.000đ/cổ phần. Nhìn qua có thể thấy rất ít ai dám đầu tư vào một doanh nghiệp thua lỗ và giá cổ phần đẩy lên cao. Tuy nhiên trong thực tế, cũng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài xác định đầu tư, phát triển dài hạn mua lại. Do vậy phải chờ kết quả mới biết chính xác.

PV đã liên hệ với đại diện Tổng công ty Sông Hồng nhưng vị đại diện từ chối bình luận.

Được biết, Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, ngành nghề ban đầu là xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp. Sông Hồng đã xây dựng công trình như: Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy Đường, Điện, Nhà máy Giấy, Hoá chất, Mỳ chính...; Nay là một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Dịch vụ, xây dựng, đầu tư, sản xuất..

Sông Hồng đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM từ 2015, hiện nay Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ 49% vốn.

Tổng công ty Sông Hồng nằm trong danh mục những tổng công ty có khối tài sản lớn, diện tích đất rộng. Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.