Doanh nghiệp

“Kinh nghiệm CPH ở Bộ GTVT là bài học cần nhân rộng”

14/12/2015, 06:55

Quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN ở Bộ GTVT cần đúc kết thành bài học kinh nghiệm để nhân rộng...

10
Ông Phạm Viết Muôn - Ảnh: Khánh Linh

Đây là chia sẻ của ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) khi trao đổi với Báo Giao thông xung quanh câu chuyện tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) ở Bộ GTVT. Ông Muôn cho rằng, quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN ở Bộ GTVT cần đúc kết thành bài học kinh nghiệm để nhân rộng. 

Bốn yếu tố quyết định thành công

Khi đâu đấy vẫn có người cho rằng, thực hiện CPH chính là “từ bỏ lợi ích” thì Bộ GTVT không những thực hiện đúng kế hoạch CPH được Thủ tướng phê duyệt mà còn xin thực hiện thêm và đã cơ bản hoàn thành. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Tôi không ngần ngại cho rằng, những thành tựu vượt trội trong công tác sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước tại Bộ GTVT cần tiếp tục làm rõ, phổ biến để các Bộ, ngành khác học tập. Theo tôi, có mấy nguyên nhân dẫn đến sự thành công đó. Đầu tiên là vai trò của người đứng đầu. Trong công tác này, nếu nghĩ lệch lạc đi sẽ nghĩ ngay đến việc bị mất “quyền” và “lợi”. Đấy là cách nghĩ thiếu lành mạnh, bởi các Bộ chủ quản sinh ra không phải để làm chủ sở hữu DN.

"Là người phụ trách mảng đổi mới DN, tôi đọc Báo Giao thông hàng ngày và thấy thường xuyên đề cập đến vấn đề đổi mới DN trong ngành. Theo tôi, để làm cho xã hội hiểu được vấn đề, trước hết phải làm cho chính cán bộ, nhân viên của ngành mình hiểu để từ đó lan tỏa ra toàn xã hội. Tất cả những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng và tình hình thực hiện CPH tại các đơn vị trong ngành đã được Báo Giao thông làm rất tốt, hơn các báo ngành khác. Nếu không truyền thông tốt, làm sao người dân hiểu và các cổ đông muốn vào đầu tư”.

Ông Phạm Viết Muôn

Từ năm 1999 đến nay, theo dõi công tác đổi mới DN, tôi nhận thấy rõ vai trò, sự quan tâm của từng người đứng đầu ở các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác này như thế nào. Để có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, có hiệu quả như Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thì không có ai. Hiếm có Bộ trưởng nào tham dự đầy đủ các cuộc họp của Chính phủ về công tác đổi mới DN như Bộ trưởng Thăng. Các Bộ, ngành khác thường chỉ cử Thứ trưởng, nhưng Bộ GTVT luôn có mặt Bộ trưởng cùng một Thứ trưởng. Điều đó giúp cho việc truyền đạt các chủ trương, đường lối chính sách của Chính phủ được chuyển hóa đầy đủ, chính xác nhất.

Bộ GTVT cũng là Bộ đầu tiên có bộ phận riêng làm công tác tổng hợp, tham mưu về công tác đổi mới DN. Khi chưa có nghị định của Chính phủ về công tác này, Bộ GTVT đã có Ban Quản lý DN là tiền thân của Vụ Quản lý DN hiện nay, trong khi lâu nay các Bộ khác đều chưa có bộ phận chuyên trách. Đến nay, cũng mới thêm Bộ NN&PTNT có một vụ tương tự như Bộ GTVT. Dù tinh giản biên chế, rút gọn đầu mối nhưng khi thấy cần thiết, Bộ GTVT đã dám làm và cho thấy hiệu quả.

Một yếu tố quan trọng là Bộ GTVT đã có sự phối hợp, quan hệ rất tốt với các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề. Điều này rất quan trọng vì thực tế cơ chế bàn hành là chung nhưng đi vào vấn đề cụ thể, có nhiều phát sinh cần xử lý chuyên biệt. Nếu không phối hợp tốt, cứ phát công văn đi rồi nhận công văn về thì chưa chắc đạt được mục đích. Nhiều khi cũng không phải các Bộ, ngành khác không ủng hộ mà là ở chỗ mình chưa làm cho người ta hiểu.

Một yếu tố rất quan trọng mà trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới DN của Bộ GTVT vừa qua chưa nói đầy đủ, sâu sắc, đó là vai trò của truyền thông. Sự nghiệp đổi mới DN không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, cán bộ quản lý mà còn tác động đến một bộ phận rất lớn người dân và hàng triệu người lao động. Ở Việt Nam hiện có hơn 600 cơ quan báo chí, nhưng do vấn đề đổi mới DN chỉ là một phần nên các báo chưa phản ánh sâu sắc. Thế nhưng, Báo Giao thông đã làm rất tốt điều này đối với ngành GTVT.

Theo ông, ngoài sự quyết liệt của Bộ GTVT trong việc CPH các DNNN còn có nguyên nhân khách quan nào để Bộ GTVT có nhiều DN thực hiện CPH đến vậy?

Ngoài bốn nguyên nhân nêu trên, còn có lý do khác. Đấy là tất cả các DN của Bộ GTVT đều thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ. Đặc biệt, các DN trong lĩnh vực giao thông có tính đại chúng và độ “mở” rất lớn, tác động trực tiếp đến xã hội. Tuy nhiên, như tôi đã nói, cái quan trọng nhất vẫn là các yếu tố: Người đứng đầu - cơ quan tham mưu - phối hợp và làm truyền thông tốt.

11

Các doanh nghiệp sau khi CPH đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh và tăng sức cạnh tranh (Trong ảnh: VNA mua máy bay Airbus A350-900 phục vụ hành khách) - Ảnh: VNA

Đổi mới tư duy là quan trọng nhất

Thực tế cho thấy, để có những hành động và giải pháp quyết liệt như vậy, trước hết cần đến yếu tố thay đổi về mặt tư duy, ông có cho là như vậy?

Đương nhiên đó là điều đầu tiên. Muốn đổi mới kinh tế, phải bắt đầu từ đổi mới tư duy. Điều này luôn chiếm vị trí số một. Thế nhưng, cho đến nay, nhận thức, tư duy mới ấy dù đã khá hơn nhưng cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của Đảng. Vẫn có nơi này, nơi khác muốn duy trì DNNN, duy trì tỷ lệ lớn tại DNNN để có sự quản lý mà chưa thực sự theo cải cách, là chỉ quản lý hành chính Nhà nước chứ không quản lý chủ sở hữu DNNN. Thực tế cho thấy, ở đâu có nhận thức tốt, ở đó có hành động tốt. Điều này đã thể hiện rõ tại Bộ GTVT.

Tại cuộc họp tổng kết công tác tái cơ cấu, CPH tại Bộ GTVT vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, nhiều cơ chế, chính sách của Chính phủ xuất phát từ những ý kiến, đề xuất của Bộ GTVT. Ông có thể nói rõ hơn về điều đó?

Cái thứ nhất là bán cổ phần theo lô. Trước kia chưa có quy định này nên khi bán đấu giá, nhà đầu tư toàn mua lẻ, mua 1-3%, để gom được 40 - 50% thì lâu lắm. Lúc đó, Bộ GTVT đề xuất ý tưởng bán theo lô nhưng chưa được đồng ý. Sau khi thoái vốn hàng loạt tại các tổng công ty, Bộ GTVT lại quyết liệt đề nghị và Chính phủ đã đưa vấn đề này ra bàn, sau đó ra nghị quyết cho thực hiện và nay thành cơ chế chung.

Về vấn đề xử lý nợ của các DN, Bộ GTVT có rất nhiều đề nghị. Như việc xử lý nợ tại CIENCO 5. Hay việc thực hiện CPH các cảng biển, Bộ GTVT đề xuất chỉ giữ tối đa 20% mới bán được. Rồi việc CPH các bệnh viện, Bộ GTVT cũng thí điểm thực hiện, tổng kết để có cơ chế chung… Tất nhiên, cũng cần thấy là bất cứ cơ chế nào cũng xuất phát từ thực tiễn. Vì Bộ GTVT thực hiện nhiều nên cũng phát sinh nhiều và từ thực tiễn đó sẽ rút kinh nghiệm để tìm ra cơ chế phù hợp nhất.

Đến lúc nâng tầm các DN giao thông

Đến nay, công tác sắp xếp, đổi mới DN của Bộ GTVT cơ bản hoàn thành, theo ông, thời gian tới Bộ cần tiếp tục làm gì?

Bộ GTVT cần tập trung vào 3 nhiệm vụ. Về ngắn hạn, cần tiếp tục thực hiện kế hoạch đã đặt ra là thoái vốn tại các đơn vị mới bán được ít. Như Vietnam Arlines hiện vẫn còn đến 85% vốn Nhà nước, ACV vừa mới IPO bán được hơn 3%... Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới quản trị DN. Thông thường, sau khi hoàn thành CPH, các Bộ thường “buông”, không chú trọng lắm đến vấn đề này vì coi đấy là trách nhiệm của HĐQT và DN.

Về trung hạn, cần thực hiện việc quản lý ngành, không phân biệt thành phần kinh tế. Bộ cần thực sự là quản lý Nhà nước, quản lý tất cả các DN hoạt động giao thông trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện, Bộ GTVT mới sắp xếp các DNNN của Bộ chứ chưa làm của ngành. Cái này Bộ GTVT đặt ra và có đề xuất với Chính phủ, cần tiếp tục đẩy mạnh.

Về dài hạn, cần tập trung phát triển DN. Đến nay, nhìn lại các DN của Bộ GTVT, chưa thấy DN nào có tầm cỡ thế giới. Không chừng khi chúng ta CPH, sắp xếp mà các nhân tố để phát triển DN lại mai một đi. Các cổ đông có khi lại hài lòng với việc mỗi năm hưởng lợi tức 15 - 20% mà không tiếp tục đầu tư phát triển. Liệu các DN, tập đoàn sau khi CPH có phát triển không, phát triển như thế nào, đấy là bài toán rất lớn, nếu không khi hội nhập sâu hơn rất thua thiệt.

Nhưng để tiếp tục phát triển các DN sau CPH, theo ông, Nhà nước sẽ sử dụng nguồn lực nào để thúc đẩy sự phát triển đó?

Chúng ta nói phát triển DN ở đây không có nghĩa là Nhà nước sẽ bỏ tiền để đầu tư phát triển hay kinh doanh nữa. Khi chúng ta phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, phát triển kinh tế tư nhân, công nhận đầu tư nước ngoài, chúng ta đã rút dần việc đầu tư của Nhà nước vào DNNN. Từ hơn 12 nghìn DNNN năm 1992, đến năm 2013 còn 1.169 DNNN và đến bây giờ còn khoảng 600 DNNN, đến năm 2020 chỉ còn khoảng 300 DN.

DN muốn đầu tư phải huy động vốn từ các ngân hàng và từ các nhà đầu tư. Cái quan trọng nhất là phải tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhà nước đầu tư vào hạ tầng, vùng sâu, vùng xa, đầu tư công ích để phát triển, nâng cao mặt bằng KT-XH. Khi đó, các DN có thể sử dụng nguồn lực ấy nếu thắng thầu. Các DN phải tự nâng cao năng lực, trình độ để có năng suất lao động, giảm được giá thành và có chi phí sản xuất thấp hơn với mức trung bình của thế giới, khu vực mới cạnh tranh được.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.