Thị trường

Kinh tế đang có xu hướng phục hồi

21/05/2014, 09:11

Lạm phát đang được kiểm soát, kim ngạch xuất khẩu tăng, cán cân thương mại từ nhập siêu sang xuất siêu cùng nhiều chỉ tiêu năm 2013 đạt cao.

Thủy sản là lĩnh vực đóng góp đáng kể trong việc cán cân thương mại xuất siêu năm thứ hai liên tiếp
Thủy sản là lĩnh vực đóng góp đáng kể trong việc cán cân thương mại xuất siêu năm thứ hai liên tiếp


Đây là một số đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2013 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2014. 

Nhiều tín hiệu mừng


Tại phiên khai mạc (20/5) Kỳ họp thứ 7 QH khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với số liệu đã báo cáo tại kỳ họp trước. Trong đó, tăng trưởng kinh tế xấp xỉ đạt kế hoạch khi đạt 5,42%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,04% (số đã báo cáo khoảng 7%) - thấp nhất trong 10 năm qua. 


Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng, cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm thứ hai liên tiếp) so với báo cáo ước tính trước đó. Trong khi đó, về tình hình 4 tháng đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, GDP quý I tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. “Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Sau 4 tháng, Chính phủ cho biết đã xuất siêu khoảng 684 triệu USD, thu - chi ngân sách Nhà nước lần lượt đạt 36,9% và 32,9% dự toán.


“Kết quả trên cho thấy, một số chỉ tiêu KT-XH năm 2013 đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội, khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế”, báo cáo của Chính phủ khẳng định.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu xử lý còn chậm. “Tổng cầu nội địa còn yếu, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng trong khi nợ xấu chưa được giải quyết, tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt...”, ông Giàu dẫn chứng và đề nghị cần đánh giá thực chất hơn thực trạng của nền kinh tế qua diễn biến sản xuất và đời sống. 


Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất


Liên quan đến những nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra là tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; phân bổ hợp lý trong năm và phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 12-14%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường, theo lộ trình gắn với hỗ trợ hộ nghèo, bảo đảm công khai, minh bạch yếu tố hình thành giá và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội. 


Một yêu cầu khác cũng được đưa ra là tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước; phấn đấu giữ bội chi ngân sách theo kế hoạch. Tập trung các giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế. Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước; kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện cả khoản chi chưa thực sự cần thiết; tiết giảm tối đa chi phí điện,  nước, văn phòng phẩm, xăng dầu, hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi công tác trong nước và nước ngoài. Thêm vào đó, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; điều chuyển vốn của các dự án, công trình chậm tiến độ cho các công trình quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2014, tạo điều kiện tăng năng lực sản xuất, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế...

 

Chi hành chính lại tăng đột biến

 

Trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp (tăng 1,9%) thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán (tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng), trong khi một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được QH quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH và gây lãng phí nguồn lực Ngân sách Nhà nước. 


Cụ thể, chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 93,5% dự toán, chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt 96,4% dự toán, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 82,7% dự toán, chi sự nghiệp kinh tế đạt 97,1% dự toán, chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 88% dự toán. (Trích báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012)

 

Minh Tiến
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.