Tài chính

Kinh tế năm 2021 tăng trưởng theo kịch bản nào?

20/02/2021, 07:21

Với dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế năm 2021 chắc chắn vẫn sẽ chịu tác động lớn.

img

TS. Nguyễn Đức Kiên

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Tuy nhiên, đó là với giả thiết dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Còn trong điều kiện dịch vẫn diễn biến phức tạp, những kịch bản tăng trưởng nào được đặt ra, cả trong ngắn và dài hạn? Báo Giao thông có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng xung quanh vấn đề này.

Kịch bản tăng trưởng phụ thuộc vào kiểm soát dịch

Ông dự đoán nền kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tăng trưởng như thế nào, khi mà diễn biến dịch có phần phức tạp trong hai tháng đầu năm?

Năm 2020, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, GDP năm 2020 của Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm qua đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, nhập khẩu 262,4 tỷ USD, xuất siêu 19,1 tỷ USD, đây là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp.

Bước sáng năm 2021, thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Với dịch bệnh diễn biến phức tạp như vậy thì kinh tế chắc chắn vẫn sẽ chịu tác động lớn. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sẽ có những kịch bản phát triển khác nhau.

Xu hướng thứ nhất, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục với những biến thể chủng mới và như vậy tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó khăn, kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hiện nay, với tốc độ sản xuất vaccine như của Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc thì đến tháng 6 chắc chỉ có được khoảng 200 triệu người được tiêm vaccine, so với 7 tỷ người thì nó chưa đủ để tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Xu hướng thứ 2, dự kiến hết quý I/2021, cơ bản các nước trên thế giới đều có vaccine, cùng với đó bước sang thời tiết của mùa hè thì chúng ta hy vọng kinh tế thế giới sẽ chuyển sang trạng thái mới, khởi sắc hơn.

Nhưng cũng cần thấy rằng, trong vòng 6 tháng đầu năm 2021 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung cũng sẽ khó được như kỳ vọng. Bởi các chủng Covid-19 mới từ Anh, Nam Phi xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp.

Việc khống chế dịch Covid-19 quyết định như thế nào đến phát triển kinh tế nói chung, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói riêng? Và đó có phải là điểm mạnh của chúng ta so với các nước khác trong năm 2020?

Việc phòng dịch Covid-19 và giữ không lan rộng trong cộng đồng chỉ là một trong các điểm cộng để thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Việc phát triển kinh tế dài hơi còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài khi quyết định rút vốn đầu tư khỏi một quốc gia này để đi vào một quốc gia khác, thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là lợi nhuận.

Quyết định đầu tư vào một quốc gia nào đó của doanh nghiệp là một chặng đường dài ít nhất là 5 - 10 năm chứ không chỉ là “một sớm một chiều” trong một năm đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, kiểm soát được dịch là một điểm cộng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài yếu tố này, thu hút được đầu tư được hay không còn phụ thuộc vào thể chế, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

img

Các kịnh bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch Covid-19 (Trong ảnh: Từ ngày 16/2, toàn tỉnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội. Các phương tiện ra/vào tình được kiểm soát chặt chẽ)

Vậy theo ông chúng ta cần làm gì để tiếp tục thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ trong năm 2021 mà còn ở các năm tiếp theo?

Hiện nay, điều quan trọng nhất mà chúng ta thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài chính là sự hiểu biết, thông cảm, chia sẻ với doanh nghiệp. Những gì khiếm khuyết, chưa đáp ứng được thì cần phải ngồi cùng với nhà đầu tư rồi chủ động khắc phục.

Ngoài những thuận lợi chúng ta đang có thì cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng kỳ vọng rất lớn vào các giải pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ.

Để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, cần chú trọng quan tâm đến các khía cạnh khác như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản…

Chính sách ưu đãi đầu tư cũng cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với hiện tại. Những ưu đãi truyền thống như ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu cần được điều chỉnh theo hướng áp dụng chủ yếu đối với các địa phương có trình độ phát triển thấp.

Đối với các địa phương đã phát triển, đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại thì cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện, đồng thời quan tâm đến quy định ưu đãi về tài chính.

Theo ông thời gian tới Nhà nước cần phải kiến tạo thêm những gì, có thêm những cơ chế chính sách gì để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, trong bối cảnh chúng ta càng cần phải phát huy nội lực khi dịch phức tạp?

Chúng ta đã có rất nhiều các văn bản nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Đảng đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Hiện tại mỗi năm có hàng trăm nghìn doanh nghiệp mới được thành lập và phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô nhỏ. Do đó, cần phải tạo điều kiện cho họ mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn hơn. Thực tế, hiện đã có những doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn có đủ tiềm lực nhưng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy, để có nhiều doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn tư nhân lớn thì kinh tế vĩ mô phải ổn định để kiểm soát được lạm phát, kiểm soát được lãi suất.

Hiện, Chính phủ đang rất nỗ lực để có môi trường đầu tư thuận lợi nhất, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu... song vẫn còn những điểm nghẽn, trong đó có hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, còn là các chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh...

Do đó, tôi cho rằng, cần phải thúc đẩy giải quyết những vấn đề này thì doanh nghiệp tư nhân mới có điều kiện đầu tư phát triển. Ngoài ra, vấn đề đất sạch cho doanh nghiệp sản xuất cũng cần phải quan tâm hơn.

Cảm ơn ông!

Ông Phan Đức Hiếu (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM):
Khắc phục ngay những chồng chéo

img

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã nêu rõ 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Do đó, khắc phục ngay những điểm chồng chéo của quản lý nhà nước đã được Chính phủ xác định là mục tiêu tập trung trong năm nay.

Trên thực tế, đây cũng là những chồng chéo ảnh hưởng chính đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như chồng chéo về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở dẫn đến sự khác nhau về phân loại dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh…

Năm nay, Chính phủ cũng tính đến năng lực phản ứng thể chế trong tình huống bất định, bất ngờ như thiên tai… chứ không riêng dịch Covid-19. Bên cạnh đó là thúc đẩy Chính phủ điện tử và Chính phủ số. Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để hưởng lợi từ hoạt động trên của Chính phủ. Từ đó, những cơ hội, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới có điều kiện được ra đời như thiết kế phần mềm, cung cấp dịch vụ nền tảng...

Năm 2020, ngoài dịch Covid-19, nền kinh tế còn chịu tác động của thiên tai. Chính phủ cũng tính đến những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để thích ứng với bối cảnh mới “sống chung với dịch” thay vì chỉ hỗ trợ mang tính cầm cự và chia sẻ khó khăn như năm vừa qua. Theo tôi, gói hỗ trợ nếu được ban hành phải có tầm nhìn dài hạn hơn.

Còn về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm nay vẫn phải thực thi. Muốn cải cách muốn thành công cần hai điều kiện là nội dung chương trình cải cách tốt và việc thực thi cũng phải tốt. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì hoạt động cải cách không hiệu quả.

L. Thủy (Ghi)

ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Sớm hoàn thiện pháp luật về đất đai

img

Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021. Dự báo này dựa trên giả định khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát; kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.

Cùng với đó, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, với những quyết sách, định hướng lớn về kinh tế cũng sẽ tạo những bứt phá về tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo trong tương lai.

Việt Nam cũng có ổn định về mặt chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Kết thúc năm 2020, chúng ta có vị thế rất cao trên trường quốc tế. Điều đó tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư trong nước cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Vấn đề thứ ba là ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa linh hoạt cũng là thời cơ để huy động nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.

Cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những rào cản trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là những vấn đề được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh. Và nếu chúng ta thực hiện tốt việc này sẽ tạo được nhiều dư địa trong phát triển kinh tế của năm 2021.

Từ năm 2021, có nhiều luật gốc ảnh hưởng tác động tới kinh tế - xã hội như: Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng… đã được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực ngay từ đầu năm 2021. Tuy nhiên, có một đạo luật rất quan trọng, đó là Luật Đất đai hiện nay còn nhiều tồn tại vướng mắc. Do đó ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai...P. Đô (Ghi)

TS. Nguyễn Đình Cung (Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng):
Đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế

img

Hiện nay, ngoài cải cách thì cần ưu tiên, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế hơn nữa. Để làm được điều này, chính sách tài khóa, tiền tệ cần mở hơn nữa, tất nhiên cần phải thận trọng. Trong đó, có thể nâng bội chi ngân sách, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, các dự án chống ngập, chống mặn, dự án hồ chứa nước…

Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ. Cần khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không chỉ “cứu” những doanh nghiệp đã “chết”. Với các doanh nghiệp chuyển đổi số và những mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo… cần có chương trình miễn, giảm thuế để kích thích.

Đối với cải cách môi trường kinh doanh, những thứ lâu nay chúng ta đã làm thì phải làm nhanh hơn, mạnh hơn, rộng hơn. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì tăng trưởng như mục tiêu Chính phủ đặt ra hoàn toàn đạt được, thậm chí là 8 - 9%.

L. Thủy (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.