Hạ tầng

Kịp thời khắc phục những tồn tại trong bảo trì đường bộ ở Vĩnh Phúc

04/02/2023, 11:48

Ngay khi Cục Đường bộ VN ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ một số tồn tại trong bảo trì đường bộ, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã chỉ đạo khắc phục ngay.

Chú trọng tuần đường, quản lý hạ tầng

Ngày 30/12/2022 Cục Đường bộ Việt Nam ban hành Văn bản số 2384/KL-CĐBVN về việc Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ được giao quản lý đối với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc.

img

Ảnh minh họa. Nguồn: KTĐT.

Ngay sau khi có Kết luận thanh tra trên, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã niêm yết công khai Kết luận thanh tra theo quy định; tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với từng tập thể, cá nhân có liên quan. Nhận thức sâu sắc những hạn chế, khuyết điểm và với tinh thần chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Sở GTVT Vĩnh Phúc, sự triển khai nghiêm túc của các phòng, ban, đơn vị có liên quan, đến nay đã khắc phục được một số nội dung liên quan.

Trong đó, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã chỉ đạo nhà thầu quản lý, bảo trì là Công ty Cổ phần quản lý & sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên.

Đồng thời thực hiện một số nội dung như: Công tác tuần đường phải rà soát nội dung ghi chép trong sổ nhật ký tuần đường thể hiện việc xử lý các tồn tại đã nêu của ngày hôm trước. Công tác quản lý cầu: Rà soát lại toàn bộ các cầu trên tuyến QL.2C để thống nhất lý trình giữa thực tế và biểu thống kê cầu.

Cập nhật đầy đủ các thông tin vào hồ sơ lý lịch cầu như: Lịch sử xây dựng, sửa chữa, năm khai thác… Bổ sung phiếu dán kiểm tra vết nứt của cầu; bổ sung báo cáo cầu trước và sau mùa mưa bão và báo cáo cuối năm.

img

Nhiều hòm phiếu kiểm tra cầu được lắp đặt tại Vĩnh Phúc.

Thực hiện nghiêm túc công tác đếm xe; bổ sung sổ tổng hợp, theo dõi và báo cáo các nội dung như tai nạn giao thông đường bộ tháng/năm; xử lý vi phạm hành chính; kết quả xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ; báo cáo vi phạm và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ tháng/năm.

Tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong công tác giải tỏa các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

Khắc phục tồn tại, hạn chế

Theo Sở GTVT Vĩnh Phúc, năm 2008 Sở đã tiến hành bàn giao cọc mốc lộ giới (MLG) cho chính quyền cấp xã quản lý theo quy định. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa dọc hai bên tuyến QL.2C rất nhanh kết hợp với công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc hiện nay số cọc MLG trên tuyến không còn nguyên trạng như lúc bàn giao. Sở đã chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo trì trong thời gian tới rà soát, làm việc với từng địa phương đã tiếp nhận, bàn giao hệ thống cọc MLG để có kế hoạch bổ sung, thay thế.

Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã chỉ đạo Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Thanh tra Sở, Ban QLDA CTQL BT ĐB nguồn vốn Trung ương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các nội dung đã nêu trong Kết luận thanh tra. Yêu cầu tiếp tục tham mưu cho Sở có văn bản đề nghị chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường bộ như: Lấn chiếm vỉa hè để vật liệu xây dựng, biển báo, bán hàng, tập kết rác thải…

Tham mưu cho Sở tiếp tục có văn bản gửi UBND huyện Tam Dương và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện nghiêm túc các quy định trong quản lý hạ tầng đường bộ.

Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát để tham mưu cho Sở kiến nghị với Cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí để bổ sung, thay thế hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên tuyến QL.2C đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Thanh tra Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các vi phạm hành lang an toàn đường bộ mới phát sinh, đồng thời xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các vi phạm hành lang an toàn đường bộ còn tồn tại.

Ban QLDA CTQL BTĐB nguồn vốn Trung ương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng các công trình sửa chữa định kỳ đã được nêu trong Kết luận thanh tra. Cụ thể như: Chấp thuận biện pháp tổ chức thi công của nhà thầu, chấp thuận đề cương giám sát, thông báo khởi công theo mẫu quy định.

Chỉ đạo các đơn vị tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công nghiêm túc, khẩn trương khắc phục các tồn tại đã được nêu trong Kết luận thanh tra. Thường xuyên kiểm tra, có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời các hư hỏng (nếu có) tại các công trình, dự án đang trong thời gian bảo hành, đảm bảo tuổi thọ công trình, giao thông an toàn, thông suốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.