Góc nhìn

Kofi Annan - Người phấn đấu cả đời vì hòa bình thế giới

21/08/2018, 08:28

Cuối tuần qua, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) - ông Kofi Annan, người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình...

33

Ông Kofi Annan nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2001

Cuối tuần qua, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) - ông Kofi Annan, người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình đã qua đời ở tuổi 80. Ông để lại cho thế giới hình ảnh một chính khách đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp đấu tranh vì một thế giới hòa bình và công bằng.

“Ký ức đau lòng”

Di sản to lớn trong suốt hơn 50 năm hoạt động xã hội của người đàn ông Ghana đã để lại cho nhân loại được định nghĩa bởi cả những thất bại lẫn thành công, báo Atlantic của Mỹ nhân sự kiện này đã gợi nhớ tới dư luận về điều làm thay đổi thế giới quan của ông Annan.

Một trong những thất bại mà ông Kofi Annan đã từng trải qua đó là kịp thời nhận ra hậu quả của nạn diệt chủng nhằm vào hơn 800.000 người Rwanda năm 1994 khi ông đang là Phó tổng thư ký LHQ phụ trách các lực lượng giữ gìn hòa bình. Một năm sau, 8.000 người Hồi giáo Bosnia bị lực lượng Serbia sát hại tại Srebrenica.

Như bà Samantha Power, người sau này trở thành Đại sứ Mỹ tại LHQ, viết trong cuốn “Chasing the Flame”: “Tên của ông Annan sẽ xuất hiện trong các cuốn sách lịch sử bên cạnh sự kiện liên quan đến các biến cố diệt chủng nửa sau thế kỷ XX”. Ông Annan cũng là người từng bị chỉ trích nặng nề với cáo buộc đã quá chủ quan trước những thông tin cảnh báo từ cộng đồng quốc tế.

Một cuộc điều tra độc lập vào năm 1999 về cuộc diệt chủng năm 1994 cho thấy LHQ đã thất bại tại Rwanda. Ông Kofi Annan, vào thời điểm đó đã trở thành Tổng thư ký LHQ, gọi những vụ trên là “ký ức đau đớn” và nói rằng: “Tất cả chúng ta phải hối tiếc vì đã không làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn điều đó”.

Cựu Tổng thư ký của tổ chức lớn nhất hành tinh cũng nói rằng, lực lượng LHQ tại Rwanda vào thời điểm đó không được ủy nhiệm và cũng không được phép hành động để ngăn chặn cuộc diệt chủng kéo dài 100 ngày. Nhưng nhà ngoại giao hàng đầu LHQ nói thêm: “Những sự việc đau lòng tại Rwanda, Bosnia-Herzegovina đã ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ cũng như hành động của tôi, khi đảm nhận vị trí Tổng thư ký LHQ”.

Hết mình vì hòa bình thế giới

Quả vậy, những thất bại đau đớn nêu trên đã giúp thay đổi thế giới quan của ông Kofi Annan và những thay đổi của ông Annan sau đó đã được nhiều người ghi nhận đồng thời đánh giá ông là một vị Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử LHQ.

Ở tuổi 59, ông Annan được bầu làm Tổng thư ký LHQ năm 1997 - vào lúc tổ chức toàn cầu đang trên bờ vực sụp đổ. Vị Tổng thư ký da màu đầu tiên đã cải cách tổ chức, cắt giảm 1.000 việc làm trong số 6.000 vị trí tại trụ sở New York, đồng thời cố gắng thuyết phục các nước thành viên hành động để phản ứng trước nhiều bi kịch của thế giới. Ông cũng thúc giục được Chính phủ Mỹ trả những khoản nợ tồn đọng với LHQ.

Cố Tổng thư ký Annan đã vạch ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng để giảm nghèo đói toàn cầu và thiết lập một quỹ toàn cầu chống lại HIV/AIDS. Thêm vào đó, kinh nghiệm tại Rwanda và Srebrenica đã thúc giục ông Annan vào năm 1999 kêu gọi vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ dân chúng.

Năm 2001, ông Annan tái đắc cử Tổng thư ký LHQ nhiệm kỳ thứ 2. Cùng năm này, ông vinh dự được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực hồi sinh LHQ, luôn gìn giữ hòa bình, đấu tranh vì quyền con người, cũng như dũng cảm đương đầu thách thức của chủ nghĩa khủng bố và đại dịch HIV/AIDS.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu nhận giải, ông khiêm tốn nói: “Giải thưởng không chỉ thuộc về tôi. Tôi không đứng đây một mình. Đại diện cho mọi đồng nghiệp ở LHQ, ở mọi nơi trên thế giới, những người cống hiến và mạo hiểm mạng sống vì hòa bình. Tôi chân thành cảm ơn Ủy ban Nobel vì vinh dự to lớn này”.

Sau khi rời vị trí Tổng thư ký LHQ năm 2006, ông Annan tiếp tục công cuộc hoạt động vì quyền con người thông qua việc thành lập một quỹ mang tên mình, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững toàn cầu, an ninh và hòa bình cho toàn thế giới.

Ông cũng trở thành thành viên của The Elders, nhóm các lãnh đạo toàn cầu làm việc vì vấn đề nhân quyền do nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela sáng lập. Thành tựu lớn của ông trong giai đoạn này là việc chấm dứt bạo lực sau cuộc bầu cử của Kenya năm 2008. Năm 2012, ông trở thành Chủ tịch của The Elders.

Ông Kofi Annan cũng được bổ nhiệm làm Đại diện chung đặc biệt về vấn đề Syria, nhưng ông đã từ chức năm 2012 vì những nỗ lực không đủ của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông.

Trên một số phương diện, cách Hội đồng Bảo an LHQ giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu, ngay cả trong thời kỳ ông Annan điều hành, đã có những thời điểm thất bại hay hành động chưa đủ mạnh mẽ, nhưng ông Annan là người vẫn luôn giữ vững hy vọng.

Như trong cuộc phỏng vấn của BBC hồi tháng 4, cựu quan chức LHQ nói rằng: “LHQ có thể được cải thiện, tổ chức này không hoàn hảo nhưng chúng ta rất cần nó. Tôi là một người lạc quan bướng bỉnh. Tôi sinh ra đã lạc quan và vẫn sẽ luôn là người lạc quan”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.