Hạ tầng

Kon Tum: Khát vốn sửa chữa đường nông thôn

04/03/2022, 13:25

Ngân sách ít ỏi là bài toán lớn cho bảo trì đường xuống cấp ở vùng nông thôn, nhất là hạ tầng, đường sá cầu cống xuống cấp...

Nhiều địa phương ở Kon Tum đường sá xuống cấp sau thiên tai bão lũ, tuy nhiên, ngân sách có hạn nên địa phương "rất khát vốn", mòn mỏi chờ ngân sách...

img

Con đường sạt lở sau 2 năm mới được bố trí vốn làm đường giúp dân tại xã Kon Pne (Kon Rẫy).

Đường xuống cấp, huyện nghèo không đảm đương nổi!

Năm 2013, UBND huyện Đăk Glei (Kon Tum) bố trí kinh phí khoảng 68 tỉ đồng để thực hiện việc sửa chữa tuyến đường ĐH 83 từ thị trấn Đăk Glei đi xã Đăk Nhoong. Con đường mới làm như một luồng sinh khí mới giúp thông thương hàng hoá, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm được sửa chữa, con đường dần xuống cấp nghiêm trọng. Lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa, lưu thông lớn kết hợp với thiệt hại do mưa lũ trong những năm qua. Nhất là cơn bão số 9 năm 2020 và các con bão số 6,7 và 8 năm 2021 đã gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí, gây úng ngập phá vỡ kết cấu nền mặt đường, dẫn đến xuất hiện nhiều ổ gà lớn nhỏ dọc trên tuyến tại những vị trí có độ dốc dọc nhỏ thoát nước kém. Đến nay tuyến đường ĐH 83 tiếp tục xuống cấp và chưa bố trí được kinh phí sửa chữa lại hoàn thiện.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đăk Glei trả lời Báo Giao thông, cho biết: “Ngoài tuyến ĐH.84 vừa được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn nông thôn mới, thì hầu như tất cả các tuyến đường huyện lộ còn lại đều xuống cấp trầm trọng, gây nhiều khó khăn cho lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân”.

Đăk Glei chỉ là một trong số những vùng khó của các tỉnh Tây Nguyên. Nơi đây có một điểm chung là nguồn thu ngân sách địa phương ít ỏi. Diện tích đất địa phương rộng lớn, dân cư thưa thớt, địa hình đồi núi dốc. Trong khi đó, ngân sách sửa đường xử lý ATGT chủ yếu từ cấp huyện. Theo phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện này, trên địa bàn huyện có 70 km đường huyện lộ; 13 km đường trong đô thị và 51 km đường xã gồm đường nội thôn xóm, đường đi khu sản xuất và đường nội đồng.

“Hàng năm UBND huyện cân đối, phân bổ nguồn kinh phí chi thường xuyên khoảng 300 triệu đồng cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng và các xã, thị trấn để thực hiện sửa chữa nhỏ các hư hỏng nền mặt đường. Do nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp nên việc sửa chữa chỉ mang tính tạm thời, không đảm bảo cho các hoạt động giao thông lâu dài”, ông Tứ thông tin đồng thời cho biết thêm, “Nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa thể bổ sung kinh phí sửa chữa nâng cấp các tuyến đường nói trên được”.

2 năm sau bão lũ mới bố trí được đường giúp dân

Còn tại huyện Kon Rẫy, (Kon Tum), thời gian qua, người dân tại thôn 2 (xã Đăk Pne,) phản ánh tình trạng tuyến đường dân sinh bị sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.

Con đường dân sinh nối thôn 2 (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) và trục đường chính vào trụ sở xã nằm sát bên con suối Đăk Nâm bị hư hỏng nghiêm trọng.

Khoảng tháng 10/2020, do ảnh hưởng mưa lũ của con bão số 9, tuyến đường này bị lũ quét tan hoang. Con đường duy nhất vào thôn 2 bị sạt lở gần như hoàn toàn nhất là ở đoạn suối Đăk Nâm. Hơn 200m đường bê tông bị cơn lũ cuốn trôi.

Bà Nguyễn Thị Sơn (thôn 2) chỉ vào lòng suối lởm chởm đá và nói với chúng tôi: "Đường vào thôn chúng tôi đó". Bà Sơn cho biết, sau khi con đường bê tông bị sạt lở, người dân trong thôn phải đi đường đất xuyên qua vườn cà phê của 1 hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, do việc đi lại ảnh hưởng đến vườn cây nên chủ nhà nhiều lần ngăn cấm người dân không được đi xuyên qua vườn.

Không chỉ riêng bà Sơn mà cả 60 nóc nhà và gần 200 nhân khẩu của thôn 2 cuộc sống càng vất vả hơn. “Mùa khô thì còn đỡ chứ mùa mưa khổ lắm. Không có đường nên người dân phải đi qua lòng suối, bên dưới đá lổn nhổn nên mọi người rất hay bị ngã. Năm ngoái xe ô tô chở 5 người đi qua bất ngờ lật xuống đoạn suối này, may mà không có ai bị thương. Để đi lại thuận tiện, người dân trong thôn rủ nhau xuống suối xếp lại đá để lấy đường đi. Vào mùa mưa bão thì chúng tôi không thể qua lại.” bà Sơn nói.

Còn ông Lê Văn Thận người hàng xóm của bà Sơn chỉ biết than thở: "2 năm con đường bị tàn phá, người dân không chỉ gặp khó trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, việc học hành của con em cũng gặp nhiều cản trở" ông Thận nói và cho biết: “Trong thôn có hơn chục cháu học sinh hàng ngày phải qua lại trên tuyến đường này để đi học. Vào mùa mưa nước suối dâng cao, không còn đường đi thì các cháu phải nghỉ học ở nhà. Mong rằng chính quyền địa phương sớm có phương án xây dựng lại tuyến đường để giao thông thuận lợi, phát triển kinh tế.” ông Thận nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: "Sau khi con đường vào thôn 2, xã Kon Pne bị sạt lở hư hỏng chúng tôi đi kiểm tra thấy bà con rất vất vả. Nhưng hai năm liên tiếp 2020, 2021 mưa bão dồn dập, nhiều công trình dân sinh khác ở huyện cũng hư hỏng nhiều, trong khi đó ngân sách huyện có hạn.

Cũng theo ông Lương, "Đây là tuyến đường hư hại lớn, vì vậy phải sử dụng kinh phí lớn. Hai năm qua vẫn chưa bố trí được nên năm nay (2022), huyện đã thống nhất bố trí kinh phí để làm đường giúp bà con thuận tiện hơn để đi lại", ông Lương cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.