Đi ++

Kon Tum tổ chức cuộc hội ngộ để lưu truyền văn hoá Tây Nguyên

19/03/2016, 10:02

Chuỗi sự kiện Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa- Du lịch Kon Tum lần thứ 3.

IMG_7545
Quang cảnh lễ khai mạc Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: T.V.Y

Nhằm gìn giữ bản sắc văn hoá của các dân tộc tại Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum đã tổ chức chuỗi sự kiện Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch Kon Tum lần thứ 3, năm 2016 tại nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum).

Cuộc “hội ngộ” bản sắc đặc sắc văn hoá của các dân tộc tại Tây Nguyên được tổ chức từ ngày 18-20/3 với các hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú và đặc sắc, như: trưng bày các sản phẩm văn hóa; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng; giao lưu trình diễn cồng chiêng; tổ chức các trò chơi dân gian... của các nghệ nhân đến từ các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và đơn vị chủ trì Kon Tum. Cuộc hội ngộ văn hoá Tây Nguyên này còn diễn ra nhiều hoạt động như trưng bày tượng gỗ dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ truyền thống, di sản văn hóa Tây Nguyên, triển lãm ảnh "Không gian văn hóa Tây Nguyên”; lễ hội ẩm thực, lễ hội đường phố. Suốt hành trình sắc màu Tây Nguyên xuống phố, du khách sẽ cảm nhận sự nhạy cảm của người Tây Nguyên với nhịp điệu, sự hài hòa với cái chung, và họ là nhạc sĩ trong di sản âm nhạc dân tộc mình. Đây là một trong sự kiện lớn trong ngành văn hoá, là cuộc hội ngộ đầy sắc màu của hơn 500 nghệ nhân ở các buôn làng Ê Đê, MNông, Jarai, Bahnar, Xê Đăng… đến từ các tỉnh Tây Nguyên. 

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum cho rằng hiện nay văn hoá của đại đa số người đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên đang chịu nhiều áp lực của sự phát triển của xã hội. Nhiều đổi thay trước cuộc sống hiện đại khiến cho nhiều lễ nghi phong tục đẹp của cộng đồng người đồng bào dân tộc bị mai một. Số nghệ nhân và những người am hiểu sâu về văn hoá của chính dân tộc mình dân mai một. Vậy nên một trong những mục tiêu hướng tới của liên hoan là nhằm quảng bá, lưu giữ những bản sắc văn hoá độc đáo đang lưu truyền trong các buôn làng.

IMG_7599
Các nghệ sĩ tái hiện các điệu múa cồng chiêng tại buổi khai mạc. ảnh: T.V.Y

Trong kho tàng văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh giá trị của âm nhạc cồng chiêng đã được công nhận là "di sản văn hoá phi vật thể" của UNESCO, còn phải kể đến giá trị độc đáo khác như nghề dệt thổ cầm, nghề rèn... đặc biệt là kho tàng sử thi được lưu truyền bằng miệng vẫn tồn tại trong các khối óc của những nghệ nhân của buôn làng. Đó là những áng anh hùng ca mà tuỳ theo ngôn ngữ mỗi dân tộc, được gọi là Khan (theo tiếng Êđê), là Hơ mom (đồng bào Bana), là Hri (đồng bào Giarai), là Ot nrông (đồng bào Mnông)… Sử thi không chỉ là đặc trưng, nét độc đáo duy nhất của vùng văn hoá Tây Nguyên, mà vùng này còn thể hiện qua nhiều giá trị văn hoá tiêu biểu khác như nghệ thuật tạc tượng nhà mồ, nhà Rông và các loại luật tục khác…

Trong năm ngày diễn ra liên hoan, nhiều hoạt động đặc sắc khác cũng sẽ phục vụ du khách muốn tìm hiểu về con người và văn hoá Tây nguyên như triển lãm văn hoá Tây Nguyên; liên hoan tạc tượng gỗ dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, hội thảo tổng kết 10 năm chương trình hành động quốc gia bảo vệ không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.