Vận tải

Kon Tum: Trạm cân chốt chặt, xe quá tải hết đường trốn tránh

08/05/2015, 05:39

Chỉ trong hai đêm, PV đã phát hiện hàng đoàn xe gỗ chạy ầm ầm trên QL14 hướng Kon Tum - Gia Lai.

DSC00326
Các xe tải lần lượt vào trạm cân, chứ không còn tìm cách chống đối như trước.

Nếu như năm 2014, Kon Tum có hai trạm cân lưu động, đầu năm 2015, tỉnh Kon Tum quyết định cho Đội liên ngành thực hiện thêm một trạm cân cơ động tại huyện Ngọc Hồi, tạo thành “gọng kìm”, xe quá tải hết đường trốn thoát.

Năm 2014, tỉnh Kon Tum có hai trạm cân lưu động, được phối hợp chặt chẽ giữa Sở GTVT và lực lượng công an. Một trạm nằm ngay khu vực cửa khẩu Bờ Y, chặn xe chở gỗ quá tải nhập khẩu vào nước ta. Một trạm trên QL14 giáp với tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, trong năm 2014, tuyến QL14 từ huyện Ngọc Hồi đi Đà Nẵng không có trạm cân, nên khó có thể kiểm soát được xe quá tải lưu thông theo hướng này. Chính vì vậy, năm 2015, tỉnh Kon Tum quyết định cho đặt một trạm cân lưu động ngay huyện Ngọc Hồi để kiểm soát xe quá tải, bảo đảm trên mọi tuyến đường đều được kiểm soát chặt chẽ.

Trong tháng 4/2015, PV Báo Giao thông đã theo dõi những xe chở gỗ trên QL14 qua Kon Tum. Chỉ trong hai đêm 14 và 15/4, PV đã phát hiện hàng đoàn xe gỗ chạy ầm ầm trên QL14 hướng Kon Tum - Gia Lai. Qua “mật phục” trạm cân cơ động đặt tại đầu TP Kon Tum, chúng tôi thấy tất cả các xe đều được đưa vào trạm cân tải trọng.

Trả lời Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chánh TTGT, Sở GTVT Kon Tum cho biết: Thời gian gần đây xe gỗ từ Lào về rất nhiều, do vậy ngay gần Cửa khẩu Bờ Y, TTGT đã đặt trạm cân cho nên các xe gỗ đều phải hạ tải trước khi qua cửa khẩu. Trong 2 đêm, chúng tôi phát hiện và cân tải trọng cho 125 xe chở gỗ.

Tuy nhiên chỉ có hai xe chở quá tải, nhưng cũng chỉ quá tải hơn 10%.Không chỉ ban đêm, vào ban ngày, PV thường xuyên qua trạm cân Sao Mai, thường thấy các xe này chở đủ loại, có xe chở vật liệu xây dựng, container chở hàng kín bên trong, xe chở gỗ tạp, xe chở vật liệu xây dựng… với nhiều loại biển số các địa phương, xếp hàng lần lượt vào trạm cân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, trong năm 2014, cũng có nhiều chủ xe, lái xe có những hàng động chống đối, tìm cách vượt trạm cân hoặc ngồi đợi gần trạm cân để chờ trạm cân sơ hở là vượt trạm. Trước tình trạng đó, lãnh đạo TTGT và Phòng CSGT đã liên hệ với tất cả các chủ xe, chủ doanh  nghiệp vận tải để thuyết phục họ hạ tải, đồng thời báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh và Sở GTVT chỉ đạo các doanh nghiệp, chủ xe thực hiện đúng yêu cầu hạ tải theo quy định.

Chính vì vậy, trong 4 tháng đầu năm 2015, tổ liên ngành đã kiểm tra 9.334 trường hợp; Xử lý vi phạm 280 trường hợp (CSGT lập biên bản 257 trường hợp, TTGT lập biên bản 23 trường hợp), ngoài ra còn yêu cầu tự hạ tải 2.040 xe tại tổ kiểm tra huyện Ngọc Hồi (khối lượng hạ tải là 11.665 tấn). Tổng số tiền do Thanh tra Sở xử phạt 23 trường hợp là 178,3 triệu đồng (có 17 trường hợp, với 130,7 triệu đồng đã nộp); Tổng số tiền do CSGT xử phạt 258 trường hợp là 339,9 triệu đồng (chưa tính số tiền phạt chủ phương tiện); Tổng số GPLX bị tước là 69 trường hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.