Âm nhạc

Kpop chuyển hướng, kiếm bộn tiền giữa mùa dịch Covid-19

02/02/2021, 06:20

Kpop đã nỗ lực thay đổi và mở ra những hướng đi mới cho ngành công nghiệp âm nhạc, mang về doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

img

Ngoài tổ chức concert online, phía BTS còn ứng dụng công nghệ để mang tới sự kết nối trực tuyến, tăng trải nghiệm cho người dùng

Dù không nằm ngoài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng Kpop đã nỗ lực thay đổi và mở ra những hướng đi mới cho ngành công nghiệp âm nhạc, mang về doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Kiếm bộn tiền nhờ… hòa nhạc online

Sau một năm phải hủy hàng loạt sự kiện ra mắt sản phẩm mới, những chương trình hòa nhạc, trình diễn... vì dịch Covid-19, BTS đã lập nên kỷ lục ấn tượng khi tổ chức hai đêm hòa nhạc trực tuyến “BTS map of the soul on: e” vào tháng 10/2020, thu hút hơn 970.000 lượt xem trên ứng dụng riêng WeVerse.

Concert này trở thành buổi hòa nhạc trực tuyến có lượng người xem cao nhất từ ​​trước đến nay. Số lượt xem gần bằng 62 buổi diễn của “Love Yourself World Tour” trong hai năm 2018 - 2019 (2 triệu khán giả).

Theo Big Hit Entertainment, công ty quản lý của BTS, các lượt đăng nhập có ID tới từ 191 quốc gia. Buổi hòa nhạc từng được lên kế hoạch tổ chức trực tiếp và phát trực tiếp nhưng đã phải hủy diễn vì tình hình dịch bệnh khó lường.

Dù chỉ tổ chức online nhưng doanh thu vẫn ở mức khổng lồ. Dù Big hit không tiết lộ cụ thể doanh thu nhưng theo giới chuyên môn, doanh thu từ concert trực tuyến này dao động từ 43 - 62,1 triệu USD.

Trước đó, nhóm đã hoàn thành concert online đầu tiên “Bang Bang Con: The Live” vào tháng 6/2020, thu hút khoảng 756.000 khán giả đến từ 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về 26 triệu USD.

Để có được thành quả này, phải nói đến sự chịu đầu tư của Big Hit. Concert dù được tổ chức online nhưng sân khấu vẫn được đầu tư hoành tráng với âm thanh, ánh sáng hiện đại.

Ngoài ra, công ty của BTS còn đầu tư hệ thống kết nối, nhận diện khuôn mặt của người hâm mộ đang đăng nhập để phát trực tiếp trên màn hình được lắp đặt tại sân khấu, để BTS có thể kết nối với người hâm mộ và nghe giọng nói của khán giả. Cùng đó, người xem có thể thưởng thức concert ở 6 góc độ khác nhau.

Buổi hòa nhạc được phát trực tiếp với chất lượng 4K và HD. Những phần trình diễn solo của các thành viên sử dụng công nghệ hiển thị hình ảnh lớn của các ca sĩ.

Tờ Time cho rằng, đây là một tầm nhìn xa của một công ty quản lý trong bối cảnh những thách thức từ đại dịch bủa vây.

“Điều này dạy cho nhiều công ty khác rằng, đa dạng hóa sẽ giúp ích khi lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng. Trong khi các công ty giải trí khác chủ yếu chỉ tập trung vào giải trí, thì Big Hit lại có động thái tạo ra công nghệ cạnh tranh với những “gã khổng lồ” về ứng dụng và tìm kiếm trên internet như Naver và Kakao. Họ sử dụng phạm vi tiếp cận rộng lớn của nghệ sĩ để thúc đẩy việc sử dụng các ứng dụng công nghệ của riêng họ”, Time nhận định.

Tận dụng tối đa công nghệ

img

Concert online của BTS mang về doanh thu hàng chục triệu USD. Ảnh: Teen Vogue

Covid-19 đến nay đã phát hiện chủng mới và có thể gây trở ngại một thời gian dài nữa. Điều này đẩy ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu lâm vào cảnh khó khăn khi không thể tổ chức những buổi hòa nhạc trực tiếp.

Tuy nhiên, vấn đề đó không thể ngăn các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc tìm cách sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển và mang lại lợi nhuận.

John Han, Giám đốc dự án tại nhóm kinh doanh lễ hội toàn cầu của CJ ENM nhận định trên Insider: “Một năm khó khăn với ngành công nghiệp giải trí trực tiếp, nhất là với Kpop vì Kpop chủ yếu là sự tương tác giữa người hâm mộ và nghệ sĩ. Nhưng đó là cơ hội để đưa ra những ý tưởng mới và sáng tạo, kết nối người hâm mộ và nghệ sĩ thông qua thế giới ảo”.

Quả thực, bên cạnh tổ chức concert online, một số nhà sản xuất bắt đầu tìm cách kiếm tiền thông qua các ứng dụng internet. NCSoft ra mắt ứng dụng “K-pop Universe” tại 134 quốc gia.

Nền tảng này cho phép người dùng truy cập được những nội dung độc quyền như video ca nhạc, chương trình giải trí của các nhóm nhạc Kpop như: Iz*One, Kang Daniel, Monsta X, AB6IX, (G) I-dle… Họ cũng có thể tương tác trực tiếp với nghệ sĩ mình yêu mến. Đặc biệt, chức năng gọi và nhắn tin được hỗ trợ bởi hệ thống AI, tái tạo giọng nói của các nghệ sĩ, để người hâm mộ trò chuyện qua điện thoại với thần tượng dưới dạng AI.

Mới ra mắt từ tháng 11/2020 nhưng ứng dụng này đã thu hút hơn 4 triệu lượt đăng ký. NCSoft còn dự định tổ chức một buổi hòa nhạc trực tuyến “Uni-kon” vào ngày 14/2 kết hợp công nghệ thực tế ảo.

Big Hit Entertainment và Naver cũng có kế hoạch hợp nhất các nền tảng là V Live và Weverse để tạo ra một nền tảng lớn hơn. SM Entertainment cũng đang hợp tác với “gã khổng lồ viễn thông” SK tạo ra những trải nghiệm một buổi hòa nhạc trực tuyến cho người hâm mộ.

Làn sóng Hallyu vẫn phát triển

Tờ CNA Insider đánh giá, đại dịch có thể ngăn cản hoạt động du lịch, hòa nhạc trực tiếp và fan meeting… nhưng không ngăn cản được sự nổi tiếng ngày càng tăng của làn sóng Hallyu. Nhiều MV của các nghệ sĩ đạt được kỷ lục về lượt xem, số lượng album bán ra tăng vọt. Các sự kiện trực tuyến, bán album, mua bán album mang lại lợi nhuận ròng hàng quý 54 triệu USD.

Theo thống kê của bảng xếp hạng Gaon, có 400 album của các nhóm nhạc đã bán được 18,08 triệu bản trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 40% so với 12,33 triệu bản năm 2019.

Riêng các album của BTS, Seventeen, Baekhyun, NCT 127, NCT Dream, TWICE, Iz*One, Blackpink... đã bán hơn 10 triệu bản. Còn số liệu từ Hiệp hội Nội dung âm nhạc Hàn Quốc (Korean Association of Music Contents) cho thấy, doanh số bán album vật lý của Kpop trong năm 2020 đạt 40,2 triệu bản (tính đến ngày 12/12), tăng 64% so với 24,59 triệu bản album của năm ngoái. Mặc dù, việc bán album không thể bù lại hoàn toàn lỗ hổng doanh thu do dịch bệnh gây ra nhưng phần nào giúp vực dậy nền giải trí Kpop.

Tuy nhiên, chỉ những tên tuổi nổi tiếng mới dễ kiếm ra tiền. Các tên tuổi mới và những nghệ sĩ khác vẫn loay hoay tìm cách vượt khó. “Các thực tập sinh không có sân khấu trình diễn và rất khó để tổ chức các buổi hòa nhạc trực tuyến nếu khán giả không biết họ là ai. Một số công ty đã bắt đầu trộn họ với các nhóm nổi tiếng hơn nhưng vẫn khó khăn”, nhà phê bình nhạc Pop Kim Hun Sik chia sẻ trên CNA Insider.

Đề cập về ứng dụng hợp tác giữa SM Entertainment với “gã khổng lồ viễn thông” SK tạo ra những trải nghiệm một buổi hòa nhạc trực tuyến cho người hâm mộ, Jeon Jin Soo - người đứng đầu nhóm Kinh doanh dịch vụ tại SK cho hay: “Cả khi người hâm mộ không có ở đó, họ vẫn có cảm giác thần tượng đang đứng trước mặt mình và cả hai đang gặp gỡ trực tiếp”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.