70 năm truyền thống ngành GTVT

Kỳ 1 : "Gã khùng" dốc tiền mua "cục nợ" chờ phá sản

29/09/2014, 10:12

Chẳng ai ngờ, "con tàu" Vinawaco với đầy tàn tích dai dẳng của nợ đọng, đơn thư, tố cáo nặc danh, công trình phơi sương phơi nắng và đang nằm chờ đắm ngày nào lại có thể cổ phần hóa...


Kỳ 1 : ”Gã khùng” dốc tiền mua “cục nợ” chờ phá sản


Vinawaco - một doanh nghiệp bê bết nhất của ngành Giao thông, Thủ tướng từng hai lần yêu cầu làm thủ tục phá sản do nợ đọng, thua lỗ triền miên, vừa được Bộ GTVT cổ phần hóa thành công. Người dám bỏ ra hơn 200 tỷ mua 61% cổ phần để trở thành ông chủ của doanh nghiệp này là ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng. Sau thương vụ này, ông Tuấn được mọi người gán cho biệt danh là "gã khùng".
 

Vinawaco hiện đang sở hữu nhiều máy móc, thiết bị đặc chủng để thi công các công trình đường thủy
Vinawaco hiện đang sở hữu nhiều máy móc, thiết bị đặc chủng để thi công các công trình đường thủy


Ngập trong nợ đọng, thua lỗ


Nhớ lại quãng thời gian cách nay nửa năm, khi chuẩn bị “dốc” hơn 200 tỷ đồng mua cổ phần của Vinawaco, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng - đơn vị hiện đang nắm giữ 61% cổ phần của Vinawaco vẫn nói: “Đó là quyết định nhanh như điện giật". 


Ông Tuấn kể, một buổi tối đầu năm 2014, khi nghe người bạn nói Vinawaco sẽ được tái cơ cấu, cổ phần hóa và IPO rộng rãi, ngay lập tức tôi quyết định đầu tư. “Cầm máy gọi ngay cho lãnh đạo Vinawaco, được thông báo, Tổng công ty đã có hai cổ đông chiến lược tiềm năng, nhưng tôi không nản. Dù chưa hề nghiên cứu nội tình, năng lực thực của Tổng công ty Xây dựng đường thủy và không rõ đơn vị này làm ăn ra sao, tôi vẫn quyết nộp hồ sơ “dự tuyển”.
 

Sau khi chào bán cổ phần ra công chúng thành công vào tháng 3/2014, ông Lưu Đình Tiến, Tổng Giám đốc Vinawaco cho biết, sau cổ phần hóa sẽ thay đổi hoàn toàn số phận của đơn vị này. Vinawaco sẽ thật sự “lên đời” và bỏ lại sau lưng khoảng thời gian chục năm bết bát, chìm ngập trong thua lỗ, nợ nần, đơn từ, kiện tụng kéo dài. Vinawaco sẽ chính thức bước sang một trang mới, tài chính sẽ minh bạch hơn.

“Lúc đó nhiều người nói tôi là “gã khùng”, dở hơi, bởi có hàng loạt tổng công ty xây lắp khác của ngành GTVT phát triển ổn định cũng tiến hành cổ phần hóa đồng thời với Vinawaco, tôi lại đâm đầu vào một đơn vị tai tiếng, nợ đọng, thua lỗ triền miên, đơn thư, kiện cáo kéo dài. Minh chứng là trong nhiều năm liền, Vinawaco luôn được xếp vào diện giám sát đặc biệt của Bộ Tài chính và là một trong những tổng công ty có tỷ lệ lỗ trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong số các đơn vị xây lắp của Bộ GTVT. Từ chỗ là một doanh nghiệp thuộc hàng “đại gia” trong ngành GTVT, nhưng sau hàng loạt sai lầm trong đầu tư, quản lý... Vinawaco đã lâm vào cảnh thua lỗ nặng và đứng bên bờ vực phá sản”, ông Tuấn chia sẻ.

Nói về vấn đề thua lỗ và nợ đọng của Vinawaco, ông Nguyễn Huy Hiền, Chủ tịch của đơn vị này là người rõ hơn ai hết. “Đã hai lần trực tiếp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải giải tán, tiến hành làm thủ tục phá sản Vinawaco. Nếu Vinawaco phá sản khi đó, không những Nhà nước mất hết vốn tại doanh nghiệp, phải bỏ thêm không biết bao nhiêu tiền để trả nợ, mà đời sống, việc làm của hàng nghìn người bị ảnh hưởng. Rất may điều đó không xảy ra, lãnh đạo Bộ GTVT đã quyết tâm tháo gỡ, tái cơ cấu thành công”, ông Hiền nói.


Lãnh đạo Vinawaco cũng cho biết, nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do đầu tư ba tàu của Mỹ lên đến hơn 200 tỷ đồng gồm lãi vay ngân hàng, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, khấu hao. Thua lỗ còn do đầu tư tàu Thái Bình Dương tại Công ty Nạo vét và xây dựng đường thủy 1 bằng vốn ODA của Đức lên đến 182 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các nguyên nhân do trượt giá vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư chậm thanh toán, quản lý điều hành sản xuất tại một số đơn vị chưa phù hợp dẫn tới khai thác thiết bị không hợp lý làm tăng chi phí, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đơn thư, tố cáo nặc danh chất cao hơn… núi


Nói về chuyện kiện tụng, hiếm có đơn vị nào phức tạp và có lý lịch ly kỳ, huyền bí như Vinawaco. Suốt hàng chục năm trời, những đơn thư nặc danh cứ đều đặn được gửi tới gần như tất cả các cơ quan chức năng, từ trung ương đến địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng. Sự xuống dốc của một “đại gia” lừng danh đã kéo theo tình trạng mất đoàn kết nội bộ. Đơn thư, kiện cáo triền miên như một thứ thuốc cực độc hủy hoại dần cơ thể cường tráng của Vinawaco.


Ông Nguyễn Huy Hiền nhớ lại: “Ở trên bàn làm việc của tôi có thời kỳ số đơn kiện lên đến hàng trăm, chất cao như... núi. Nếu đem ra cân để bán giấy vụn có khi nặng đến hàng chục ký”. 


Cũng theo ông Hiền, khoảng thời gian đó, chẳng ai muốn đến trụ sở làm việc của Vinawaco. Lý do chỉ vì sợ… kiện. Hễ có lãnh đạo nào xuống làm việc là ngay hôm sau, người đó nhận được đơn thư nặc danh tố cáo ngay. Điều này khiến không ít người có tâm lý chùn, không muốn dây dưa vào cái “ung nhọt” Vinawaco. Thậm chí, có nhà báo viết bài phản ánh hoàn toàn chân thực về tiến trình tái cơ cấu của Vinawaco, theo đúng chủ trương của Bộ GTVT và Chính phủ, số liệu đều lấy từ cuộc họp tổng kết của Tổng công ty, ấy vậy mà mấy hôm sau cũng nhận được đơn thư nặc danh. Tất cả điều đó ngăn cản tiến trình tái cơ cấu và phát triển của Tổng công ty, làm cho Vinawaco ngày càng lụi bại, lún sâu vào thua lỗ”.


Theo lãnh đạo Vinawaco, trước tình trạng trên, Vinawaco đã phải nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các quan thông tấn báo chí đề nghị không xem xét các đơn thư nặc danh, mạo danh, sai sự thật và có âm mưu phá hoại, để Tổng công ty tập trung sản xuất và thực hiện tái cơ cấu.


Ngay thời điểm này, khi Vinawaco đã cổ phần hóa thành công, đang tập trung tháo gỡ khó khăn để sản xuất, đơn thư nặc danh vẫn chưa phải hết. Ông Ngô Văn Tuấn chia sẻ, từ khi “tiếp quản” Vinawaco chỉ vài tháng đã có hơn 40 đơn thư nặc danh, mạo danh các loại gửi đến ông. “Sau cuộc họp toàn thể cán bộ công nhân viên, tôi cam kết tất cả những vấn đề vướng mắc, kiện tụng, dù ai đúng, ai sai thế nào tôi cũng giải quyết hết. Tôi tuyên bố, ở Vinawaco không có ai là không thể đụng đến, ai sai đều bị xử lý theo đúng pháp luật, chỉ có ông “đúng” là to nhất. Vì thế cán bộ, nhân viên bắt đầu có lòng tin, các đơn thư nặc danh chấm dứt hẳn”, ông Tuấn nói.

“Con tàu” Vinawaco sẽ lột xác 


Khi được hỏi về lý do lao đầu vào... đá, khi lựa chọn mua cổ phần của một đơn vị đang bên bờ vực thẳm và có lý lịch rất phức tạp, ông Ngô Văn Tuấn cho biết: “Tôi đi khắp thế giới, hơn 140 nước không thấy ở đâu có nhiều sông ngòi như Việt Nam. Sông Sài Gòn, sông Hồng rất dài. Bờ biển cũng trải dọc khắp chiều dài đất nước. Con sông Đáy quê tôi cũng vậy, chỉ cần nghe bài hát “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa…”  là đã mê rồi. Nhưng thực tế khi đến trực tiếp các con sông này thì khó có thể mê được nữa, vì chẳng được đầu tư nạo vét, xây dựng gì cả”. 


Chính vì thế khát vọng của ông là đem công sức đóng góp phần nào để phát triển giao thông đường thủy. Làm sao duy trì và xây dựng được một đơn vị chuyên về đường thủy có tiềm lực, đủ khả năng đảm nhiệm những công trình lớn trên khắp mọi miền đất nước. 


“Giờ không chỉ bỏ ra hơn 200 tỷ đồng mua cổ phần mà còn chi thêm hơn 100 tỷ đồng nữa đầu tư sửa chữa tàu, thiết bị máy móc, trả lương và chưa thu lại xu nào, tôi vẫn không hề hối. Với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Vinawaco thành thương hiệu mạnh, đầu tư có chiều sâu mà chúng tôi đang tiến hành với sự nỗ lực của toàn thể CBCNV và nếu được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng, chắc chắn ba năm nữa, “con tàu” Vinawaco sẽ lột xác”, ông Tuấn chia sẻ.

Hà Thanh - Ngọc Anh

(Còn nữa)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.