Hồ sơ tài liệu

(Kỳ 2) Iraq: Trong, ngoài đổ thêm dầu vào lửa

05/10/2014, 12:53

Khi Thủ tướng Nouri al-Maliki và đồng minh trong Liên minh Nhà nước pháp quyền nắm giữ hầu hết các vị trí quan trọng, người ta đã dự đoán rằng tình hình Iraq sẽ còn trở nên phức tạp hơn.

Phụ nữ Shiite sẵn sàng tham gia lực lượng an ninh Iraq để chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi Giáo hiện đang tấn công nhiều tỉnh Iraq
Phụ nữ Shiite sẵn sàng tham gia lực lượng an ninh để chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo hiện đang tấn công nhiều tỉnh Iraq

Nouri al-Maliki và Liên minh Nhà nước pháp quyền

Từ khi lên nắm quyền năm 2006, ông Maliki thuộc cộng đồng người Shiite đảm nhiệm cương vị Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh quân đội, đồng thời điều hành cả Bộ Nội vụ và Bộ An ninh Quốc gia. Ông ta đã thực hiện chính sách quản lí độc đoán, không tin tưởng vào sự tư vấn của các đảng phái khác hay thể hiện sự tôn trọng đối với những quan điểm đối lập.

Hậu quả là khoảng cách chính trị ngày càng tăng không chỉ giữa Thủ tướng và các chính trị gia người Sunni mà thậm chí đối với cả người Shiite. Nếu không có sự tham mưu cố vấn của Tehran thông qua hai lãnh tụ tôn giáo người Shiite đầy quyền uy là Muqtada al-Sadr và Ammar al-Hakim thì ông này không thể nắm giữ quyền hành trong nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, Maliki tiếp tục đường lối độc tài của mình.

Chính sách mà Maliki áp dụng đối với các vùng miền người Sunni chiếm đa số thậm chí còn tồi tệ hơn. Những người liên quan đến đảng Baath, họ hàng của cố Tổng thống Saddam và các nhóm Sunni khác, sau khi bị gạt sang bên lề trong cấu trúc quyền lực ở Iraq, ngày càng nung nấu lòng hận thù sâu sắc với người Shiite nói chung và Maliki nói riêng. Và không có gì ngạc nhiên khi những cựu binh trong quân đội Saddam và thành viên đảng Baath phối hợp với nhau trong lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL, nay là IS); thùng thuốc súng đã bùng nổ với các tia lửa đầu tiên.

8 năm lãnh đạo Iraq của ông Maliki đã kết thúc đau đớn vào ngày 11/8/2014 khi chính Liên minh Shiite của ông từ chối bầu ông làm Thủ tướng nhiệm kỳ 3. Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Phó Chủ tịch Quốc hội Haider al-Abadi làm Thủ tướng mới của Iraq, một động thái rất phù hợp với thói quen “thay ngựa gữa dòng” của Mỹ trong những trường hợp “hạn” của kẻ tay sai đã điểm.

Saudi Arabia và hệ tư tưởng cực đoan Salafi

Hệ tư tưởng Salafi (và Wahhabi) đều tiềm ẩn cao khả năng khuyến khích bạo lực và chủ nghĩa cực đoan. Được Saudi Arabia nuôi dưỡng, hệ tư tưởng này đã tìm thấy cơ sở nền tảng vững mạnh trong các nhóm Hồi giáo Sunni ở Trung Đông, đặc biệt ở những vùng miền, khu vực nơi người Sunni đang bất mãn với chính phủ của họ. Sau sự sụp đổ của Saddam Hussein, phương trình quyền lực khu vực đã chuyển sang hướng có lợi cho Iran. Hơn ai hết, Saudi Arabia lo ngại sự hình thành “trục Hồi giáo Shiite” từ Iran kéo qua Iraq sang Syria nối với các nhóm vũ trang Shiite đang nổi lên như Hezbollah và Hamas. Do vậy, điều tất yếu là Saudi Arabia phải tìm cách thay đổi cục diện này.

Thông qua quấy rối Iraq, Saudi Arabia muốn hủy hoại ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Iran cũng như việc bình thường hóa quan hệ Iran-Mỹ. Chính quyền Riyadh đã đưa ra và kiểm nghiệm các phương án khác nhau, không tiếc công sức, tiền bạc hậu thuẫn cho các phe nhóm chống đối Chính quyền trung ương Iraq cũng như bản thân Maliki. Saudi Arabi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp trang thiết bị quân sự cho tổ chức khủng bố cực đoan Hồi giáo ISIL. Nếu không có sự hỗ trợ này, ISIL sẽ không thể phát triển lực lượng và khả năng tác chiến như hiện nay.

Bàn tay Thổ Nhĩ Kỳ

Có lẽ, chính sách kỳ quặc nhất được áp dụng đối với diễn biến tình hình phức tạp hiện nay ở Iraq là từ phía quốc gia láng giềng phía Bắc, Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp thực tế rằng trong một thời gian dài trước đây, Ankara đã từng hết sức lo ngại về sự nổi lên của khu tự trị người Kurd ở Iraq, nhưng hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ sự độc lập của người Kurd ở Iraq. Nhằm duy trì và củng cố quyền lực, Thủ tướng (nay là Tổng thống) Tayyip Erdogan đã đi một nước cờ đầy rủi ro, nguy hiểm.

Bằng cách cố chứng tỏ mình là người ủng hộ tích cực cho Massoud Barzani (nhà lãnh đạo khu tự trị người Kurd) và người Kurd ở Iraq, Erdogan đã thu hút được đa số phiếu bầu của cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Mặt khác, Erdogan cho rằng bằng việc ủng hộ thành lập Nhà nước độc lập của người Kurd ở Iraq, ông ta sẽ tạo dựng được hình ảnh đối với khu tự trị có rất nhiều dầu thô này.

Dường như Erdogan đã thành công cho riêng ông ta, nhưng nguy cơ đất nước Iraq bị chia tách thành Nhà nước người Kurd ở miền Bắc, Nhà nước Sunni ở miền Trung và Nhà nước Shiite ở miền Nam là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguyễn Đăng Song

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.