70 năm truyền thống ngành GTVT

Kỳ 2: Kết nối những địa danh huyền thoại

21/08/2014, 18:04

Bây giờ, đường chúng tôi đi có tênTL562, nhưng người dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn quen gọi là đường 20.

TIN LIÊN QUAN


 

Di tích Hang Tám cô trên đường 20 Quyết Thắng
Di tích Hang Tám cô trên đường 20 Quyết Thắng


Khát vọng thiêng liêng: Hòa bình - Thống nhất


Xe băng qua những cung đường có nhiều kỷ vật của thời chiến tranh như: Cổng chào bằng đá vào vườn Quốc gia, những khúc cua gấp chữ A ở km số 13, 14, cầu Cơn Siêu, ngã tư Trạ Ang, nơi giao nhau giữa nhánh Tây đường Hồ Chí Minh với trục đường 562, tức là đường 20, cầu Trạ Ang…

Riêng ngã tư và cầu Trạ Ang, trong chiến tranh là một trọng điểm bom đạn của máy bay Mỹ cày xới suốt ngày đêm. Nơi đây có hai đại đội pháo cao xạ, đại đội 263 thanh niên xung phong bảo vệ cung đường này và hàng trăm chiến sĩ thuộc sáu đơn vị bộ đội thanh niên xung phong tham gia vận chuyển hàng hóa ở trọng điểm Trạ Ang. 


Nhưng bây giờ, tại Trạ Ang núi đã trải một màu xanh của cây rừng. Lòng đường ở đây tuy không rộng lắm, nhưng không gian thoáng đãng, với một bên là vách đá, một bên là sông Chày, nước róc rách hòa cùng với tiếng lá cây xào xạc.


Từ nơi này, theo biển chỉ dẫn, đi thẳng theo tuyến đường 20 là tới biên giới Việt - Lào. Đứng ở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, nhìn sang bên trái là đường đến hang động Sơn Đoòng và tới đường 9 - Khe Sanh. Nhìn theo hướng bên phải, qua cầu Trạ Ang, đi chừng dăm cây số là lối rẽ vào động Thiên Đường. Cuối cùng là nút giao với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tại ngã ba Khe Gát và cũng là đầu tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
 

Trong hành trình, chúng tôi còn đi tiếp tới động Thiên Đường tại đường Hồ Chí Minh, nhánh Tây, và từ đó lại theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh đi về Phong Nha qua ngã ba Khe Gát.

Chúng tôi đi thẳng chừng 3 km đến đền tưởng niệm ngay tại cửa hang Tám Cô. Hang Tám Cô nằm trong quần thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nơi đây, giữa núi tiếp núi, rừng tiếp rừng, cao vút trập trùng, được coi là một trong những dãy núi cao nhất của dải Trường Sơn.

Đứng ở điểm cao này, đi lên phía trước là đồn biên phòng Cà Roòn, biên giới Việt Lào. Nhìn về phía Đông Nam dưới những ngọn núi xanh rờn, là khu vực của hang động Sơn Đoòng, kỳ vĩ và dài nhất thế giới, còn ở phía Tây Bắc, cách đó không xa, nơi đó có động Thiên Đường, đẹp như tên gọi.

Những địa danh như: Động Phong Nha, hang động Thiên Đường và Sơn Đoòng, hang Tám Cô… đã là điểm đến của bao thế hệ người Việt.

Cũng như tôi, ai đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này, mọi người còn có dịp tri ân những người đã hy sinh anh dũng vì một khát vọng thiêng liêng: Hòa bình - thống nhất. Đến đây, ai cũng có thể được nghe những câu chuyện cảm động về “hang Tám Cô” và con số 8 linh thiêng.


Tỉnh Quảng Bình đã xây cất một ngôi đền khang trang, bên cạnh hang Tám Cô để hương khói, thờ cúng các anh hùng liệt sĩ trên tuyến đường 20 - Quyết Thắng. Ở đó có 8 cựu thanh niên xung phong, những người đã chứng kiến những câu chuyện cảm động về sự hy sinh của 8 chiến sĩ thanh niên xung phong ngày ấy. Họ tình nguyện làm nhân viên của Ban Quản lý khu di tích đảm nhận việc hương khói, dọn dẹp, hướng dẫn khách tham quan, thuyết minh di tích. Nhờ đó mà đền tưởng niệm, cũng như hang Tám Cô không bao giờ nguội lạnh. 

“Thanh niên xung phong trên đất thép Quảng Bình”


Năm 2009, nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 liệt sĩ TNXP ở hang Tám Cô. Trong ngôi đền trưng bày nhiều kỷ vật của những người đã khuất và một số chứng tích chiến tranh như chiếc kẻng được làm từ quả bom.

Nơi đây còn có một bài phú được khắc trên đá của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu như một lời truy niệm, tri ân của dân tộc với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong đó có những câu chứa đầy khí phách hào hùng: “Thanh niên xung phong trên đất thép Quảng Bình; Bộ đội Trường Sơn dưới trời thiêng Đại Việt; Bạt đồi, xẻ núi, rộng đường cho thiết giáp xông lên; Lội suối bắc cầu, mở tuyến cho pháo binh chuyển tiếp; Dù cho máu chảy, xương rơi, chẳng kể bom gầm đạn thét…”.


Tại khu di tích này, năm nay người ta mới xây thêm bức phù điêu ca ngợi những chiến công của bộ đội và TNXP đã dũng cảm, thông minh sáng tạo, bất chấp gian khổ, không ngại hy sinh, ra sức bảo vệ tuyến đường, để tiếp sức cho những đoàn xe vượt núi, băng đèo tiến về phía Nam. 


Trong hành trình đến với con đường huyền thoại: đường 20 - Quyết Thắng, chúng tôi đã qua phà Xuân Sơn, động Phong Nha, ngã tư Trạ Ang và bây giờ là hang Tám Cô…

Từ hang Tám Cô nếu đi tiếp cung đường 20, đến biên giới Việt Lào tại cửa khẩu Cà Roòn, chúng ta sẽ còn được thấy nhiều di tích của cuộc chiến tranh như: Ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích, cua chữ A... và còn nhiều nữa những địa danh như thế. Nhưng xúc động nhất vẫn là câu chuyện bên đền thờ 8 TNXP. Tôi đã nghe kể, nhiều người đã từng nghe kể và từng thấy dấu tích về sự hy sinh của các chị và mỗi lần nghe lại, mọi người vẫn thấy bồi hồi xúc động.


Đoàn xe chúng tôi đi trên cung đường 20 trong nắng vàng rực rỡ và gió mát của rừng đại ngàn trập trùng xanh ngắt giữa mây trời của núi rừng Trường Sơn. Trong mỗi chúng tôi, từ người già cho đến các bạn trẻ, ai cũng trào dâng những cung bậc cảm xúc giữa quá khứ xen với hiện tại. Chuyện về quá khứ trên các tuyến đường vô Nam, đặc biệt là đường Trường Sơn rất đỗi hào hùng.


Với mỗi chúng tôi, đường Trường Sơn nói chung, đường 20 - Quyết Thắng nói riêng như chất men say của tình yêu quê hương đất nước, của thế hệ trẻ lứa tuổi 20 của 55 năm trước. Chất men đó giờ đây càng nồng nàn hơn và đó cũng chính là thông điệp hùng hồn, đã và đang làm nức lòng thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay, với tinh thần luôn hướng ra biển lớn.

Chu Đức Soàn

Nguyên phóng viên Đài PT - TH Hà Nội 
 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.