Giao thông

Kỳ 3: Làm thật, chuyển biến thật

14/11/2014, 07:12

Muốn đăng kiểm xe nhanh chỉ cần kẹp một vài trăm nghìn vào sổ đăng kiểm là xong. ​Ít người dám tin có thể thay đổi được thực tế khá phổ biến này.

Các hạng mục kỹ thuật trong quy trình kiểm định đều được đăng kiểm viên rà soát kỹ lưỡng Ảnh: Huy Lộc
Các hạng mục kỹ thuật trong quy trình kiểm định đều được đăng kiểm viên rà soát kỹ lưỡng

Không chống được tiêu cực, Cục trưởng phải rời ghế

Mở màn cho cuộc chiến chống tiêu cực trong đăng kiểm xuất phát từ một cuộc họp hồi đầu năm 2014, khi đó ông Trần Kỳ Hình mới nhậm chức Cục trưởng. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố: “Cuối năm nay mà vẫn còn tiêu cực tràn lan, dứt khoát tất cả các đồng chí lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN chuyển việc khác”. Không chỉ nói suông, những ngày sau đó, Bộ trưởng Thăng thể hiện quyết tâm “chống tiêu cực” bằng việc tăng cường thêm một Cục phó là Đại tá an ninh Nguyễn Minh Cương. Ông Cương được giao trọng trách chuyên bắt lỗi tại các trung tâm đăng kiểm.

Tính từ đầu năm tới nay, ông Cương đã bắt không dưới 10 vụ. Nào là đăng kiểm viên bỏ qua quy trình, xe còn khiếm khuyết kỹ thuật vẫn được đăng kiểm cho qua, thậm chí phát hiện cả việc đăng kiểm viên nhận tiền. Những vụ ấy đều được công bố tức thì trên Báo Giao thông. Có nhiều vụ ông Cương rủ phóng viên báo đi cùng. Mọi thứ đều công khai minh bạch. Rồi những vụ đình chỉ đăng kiểm viên, thậm chí có trung tâm còn bị đình chỉ hoạt động... Hiệu ứng lan truyền, nhiều đăng kiểm viên rỉ tai nhau “làm thật à?”.

Thời điểm quyết liệt nhất hồi giữa năm, bản thân ông Trần Kỳ Hình cũng bị không ít sức ép, chỉ thời gian ngắn ông sút mấy cân thịt. Bởi cuộc chiến chống tiêu cực còn chưa biết thắng thua thế nào. Các trung tâm đăng kiểm quá tải trầm trọng. Hầu hết các trung tâm đăng kiểm tại các thành phố lớn từ Hà Nội đến TP HCM đều bị dồn ứ, xe xếp hàng chờ cả cây số. Vì làm thật nên trước đây đăng kiểm một xe chỉ mất nhiều nhất là 30 phút thì nay cả tiếng, thậm chí vài ngày vì xe thiếu đủ thứ phải bổ sung, thay thế hai, ba lần mới được đăng kiểm. Tất cả những điều đó lại khiến dân bức xúc vì phải hẹn hò, đi lại nhiều lần mới đăng kiểm xong. Bản thân đăng kiểm viên vừa mất “thu nhập ngoài luồng”, vừa sợ bị những lái xe côn đồ dọa đánh.

Lý giải về điều này, ông Đàm Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 23-01S Hà Giang cho biết, quy trình kiểm định hiện nay chẳng khác trước là bao. Mỗi xe vẫn phải trải qua kiểm tra 56 hạng mục kỹ thuật. Chỉ khác là giờ chẳng trung tâm hay đăng kiểm viên nào dám làm qua quýt, tất cả các khâu đều được rà đi, rà lại kỹ lưỡng.

"Thời gian qua, Cục Đăng kiểm VN đã thể hiện sự không khoan nhượng đối với tiêu cực trong ngành mình. Minh chứng là hàng loạt vụ tiêu cực, kỷ luật đã được phát hiện, công khai”.

Ông Thân Văn Thanh Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Chia sẻ với chúng tôi, anh Trịnh Văn Tuấn, chủ xe khách tuyến Thanh Hóa - Hà Nội thẳng thắn nói: “Đăng kiểm thay đổi chóng mặt quá. Chỉ năm trước thôi, cánh lái xe khi đi đăng kiểm rất sướng. Các lỗi mắt thường cũng thấy như: Đèn pha không đáp ứng tiêu chuẩn, đèn lùi không sáng, thiếu dây đai an toàn, chế cốp chở hàng… chỉ cần quen biết là dễ dàng xin qua. Nếu quá khó khăn, lái xe lại “dúi” vài trăm nghìn, hoặc thuê “cò” giải quyết là xong. Nhưng giờ cách mấy cũng không làm được. Dù lỗi nhỏ nhất cũng phải sửa chữa, khắc phục đủ”.

Anh Nguyễn Huy Hồng (phường Vạn Phúc, Hà Đông), có chiếc xe bốn chỗ thường xuyên phải mang đi đăng kiểm cũng “bật mí”, trước đây chỉ cần đưa xe vào bất kỳ trạm nào ở Hà Nội, “kẹp” 3-5 “lít” là khoảng 30 phút sau có giấy đăng kiểm. Giờ đăng kiểm chống tiêu cực, chẳng đăng kiểm viên nào dám nhận, đèn pha mờ, cửa xe mở khó, hay bất kỳ lỗi gì cũng phải sửa bằng hết mới qua được.

Chỉ có điều cho dù ai cũng thấy rõ hiệu quả của việc siết chặt kiểm định xe, nâng cao chất lượng phương tiện là yếu tố hàng đầu đảm bảo lưu thông an toàn, giảm TNGT, nhưng không phải lái xe nào cũng dễ dàng chấp nhận điều đó. Nhiều lái xe do không xin xỏ được, cố tình chửi bới, dọa nạt, thậm chí hành hung đăng kiểm viên. Mới đây nhất ngày 7/11, đăng kiểm viên và bảo vệ Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới 29-01V (Hà Nội) chỉ vì kiên quyết yêu cầu chủ phương tiện thay kính chắn gió bị vỡ để đảm bảo an toàn đã bị khách hành hung, chảy máu mắt và phải nhập viện.

Nói về việc thẳng tay loại bỏ tiêu cực trong đăng kiểm, ông Trần Kỳ Hình cho rằng đó là điều không thể khác. Không dễ để đưa ra những quyết định kỷ luật, thậm chí là buộc thôi việc chính những cán bộ của mình, nhưng vì việc chung, buộc phải làm. Và với việc huy động tổng lực trong cuộc chiến chống tiêu cực trong đăng kiểm, chỉ từ đầu năm 2014 đến nay đã có gần 50 cán bộ lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm VN bị kỷ luật. Nhiều người trong đó bị mất chức, không được bổ nhiệm lại. Hàng chục đơn vị đăng kiểm như: Bình Thuận, Long An, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… đã bị phát hiện sai phạm, tiêu cực sau những chuyến vi hành “mật phục” của Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Cương. Đây là con số kỷ lục, chưa từng có với lĩnh vực vốn được coi là nhiều “nhạy cảm” này.

Giảm chậm, hủy chuyến và những giải pháp chưa có tiền lệ

Câu chuyện xử lý tình trạng chậm, hủy chuyến trong lĩnh vực hàng không trong 6 tháng đầu năm nay cũng là chuyện xưa nay hiếm. Còn nhớ, trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm khi ông Lại Xuân Thanh,  Cục trưởng Hàng không VN nêu ý kiến “so với thế giới, tỷ lệ hủy chuyến của Việt Nam ở mức trung bình và thấp”, người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói ngay: “Bản thân mình không khá lên, không so sánh với chính mình mà lại đi so sánh với các nước, như thế thì sao tiến bộ được. Phải thấy được nguyên nhân đầu tiên của chậm, hủy chuyến là do mình chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, còn đổ lỗi cho nhau, chưa vì lợi ích khách hàng, vì lợi ích của người dân mới có thể cải thiện được”.

Trước khi người đứng đầu ngành GTVT đưa vấn đề chậm, hủy chuyến ra “mổ xẻ”, trong ngành Hàng không gần như chưa từng đề cập tới vấn đề này một cách tổng thể, toàn diện và công khai. Cuộc “đại phẫu” về cung cách làm việc, sự phối hợp giữa các bên, từ hãng hàng không, cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị quản lý bay, hay các đơn vị dịch vụ mặt đất… nhằm giảm thiểu tỷ lệ chậm, hủy  chuyến mà Bộ trưởng Thăng yêu cầu đã thực sự mang đến những đổi thay lớn.

Ngay sau cuộc họp này, ông Lại Xuân Thanh đã ký ban hành chỉ thị “chưa từng có” trong ngành Hàng không: “Hàng ngày, trước 16h, Cảng vụ hàng không phải báo cáo về tình hình chậm, hủy chuyến bay của từng hãng hàng không, nêu chi tiết nguyên nhân”. Trong khoảng thời gian sau đó, ông Thanh cũng là một trong những người chịu rất nhiều sức ép, phải xoay xở đủ đường, tìm mọi giải pháp để giảm tới mức thấp nhất tình trạng chậm, hủy chuyến theo yêu cầu của Bộ trưởng. Và để đưa tỷ lệ chậm chuyến chỉ còn 14% so với mức cao ngất khoảng 25% như bốn tháng trước đó, bản thân ông Thanh cũng sụt nhiều cân.

Nói về vấn đề này, cựu Chủ tịch HĐQT Hãng Hàng không Jetstar Pacific Phạm Vũ Hiến cho rằng việc số liệu chậm, hủy chuyến giảm mạnh như báo cáo của Cục Hàng không VN thực sự là một “kỳ tích”. “Bản thân các hãng hàng không chẳng ai muốn chậm, hủy chuyến cả. Phía các cơ quan quản lý Nhà nước cũng vậy. Các cơ quan liên quan như quản lý bay, dịch vụ mặt đất lại càng không, nhưng chậm, hủy chuyến vẫn cao. Chỉ đến khi lãnh đạo Bộ GTVT “ngó đến”, siết chặt việc thực hiện các quy định, bộ máy mới được vận hành trơn tru, các cơ quan phối hợp nhịp nhàng với nhau hơn”, ông Hiến nói.

Cũng như chậm, hủy chuyến, chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay cũng chỉ thực sự được quan tâm đúng mực khi lãnh đạo Bộ cho vào “tầm ngắm”. Phó Cục trưởng Hàng không VN Võ Huy Cường thừa nhận: “Sự quyết liệt của lãnh đạo Bộ, trực tiếp là Bộ trưởng đã lan toả đến anh em”. Hai lần cùng đi kiểm tra chất lượng, dịch vụ cảng hàng không cùng ông Cường tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tôi đã tận mắt chứng kiến vị quan chức hàng không này “xộc” thẳng vào khu vệ sinh để kiểm tra “có giấy không, còn mùi không, nước nôi thế nào”.

Và thực tế, chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không dù chưa được như kỳ vọng, còn xếp ở nhóm rất thấp so với các nước trên thế giới, nhưng đã chuyển biến nhiều. Các khu vực bị tắc nghẽn cục bộ tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài đã được cải thiện một bước nhờ bố trí dải phân cách mềm, nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa hàng không với các đơn vị hải quan, xuất nhập cảnh; chủng loại mặt hàng khá đa dạng, giá cả được niêm yết công khai…

Là một khách hàng thường xuyên của Vietnam Airlines, Thượng tá, TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng phòng Khoa học quân sự, Viện Quân y 108 chia sẻ: “Nhìn một cách khách quan, các Sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng hay Nội Bài đều tiến bộ hơn rất nhiều. Tất nhiên là so với chính những sân bay này trước đó chứ không thể so với các sân bay quốc tế hiện đại khác. Mình không thể so một nhà cấp 4 mới được nâng cấp thành 2 - 3 tầng với một toà nhà cả chục tầng khác được”.

Nhóm PV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.