Thế giới

Kỳ 3: Mỹ và những toan tính thực dụng ở Trung Đông

06/10/2014, 06:49

Với chủ trương lật đổ chế độ Saddam Hussein để thiết lập lại trật tự Trung Đông, Mỹ đã phạm nhiều sai lầm chiến lược.

Người tị nạn Syria chạy trốn phiến quân IS tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ
Người tị nạn Syria chạy trốn phiến quân IS tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ

“Gậy ông đập lưng ông”

Mỹ đã không hiểu hoặc cố tình xem nhẹ mối quan hệ phức tạp giữa các giáo phái ở Iraq và Trung Đông. Không lường hết hệ quả của việc lật đổ Saddam sẽ dẫn tới lực lượng Hồi giáo dòng Shiite (thân Iran, chiếm 60% dân số Iraq) sẽ thay người Hồi giáo Sunni (chiếm 20%) lên nắm quyền cai trị Iraq. Không hiểu hết mức độ mâu thuẫn giữa người Sunni và người Shiite sâu sắc tới mức không thể điều hòa, cũng không hiểu dòng Hồi giáo Sunni đang cai trị ở hầu hết các nước Hồi giáo (trừ Iran có tới 90% theo dòng Shiite). Chống người Hồi giáo Sunni ở Iraq có nghĩa là chống lại lực lượng Hồi giáo Sunni chiếm ưu thế trên khắp thế giới; Ủng hộ người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq là ủng hộ kẻ thù của đa số các nước Hồi giáo.

Hôm qua, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện xin lỗi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì những bình luận ngụ ý Thổ Nhĩ Kỳ đã tài trợ và vũ trang cho các tổ chức thánh chiến ở Syria. Trước đó, ông Erdogan có phản ứng tức giận trước những bình luận của ông Biden rằng Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Ả rập hậu thuẫn các nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni ở Syria như Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với Al-Qaeda.

Mặt khác, với chính sách lợi dụng mối oán hận của người Shiite để tìm kiếm đồng minh chống Saddam, chính Mỹ đã kích động thêm mâu thuẫn dẫn đến cuộc chiến phe phái giữa hai cộng đồng người Hồi giáo. Mâu thuẫn này càng gia tăng khi Mỹ cùng các đồng minh Saudi Arabia và Qatar đã ủng hộ các chi nhánh khác nhau của al-Qaeda, trong đó có ISIL như một đội quân xung kích hòng làm sụp đổ chế độ Bashar al-Assad tại nước láng giềng Syria của Iraq.

Kết quả là trong khi vẫn chống lại các lực lượng liên quan đến al-Qaeda ở Iraq (bị coi là khủng bố), Mỹ lại ủng hộ các lực lượng này ở phía bên kia biên giới, tức là ở Syria, và coi các lực lượng này là các chiến binh vì “nền dân chủ” và “tự do”. Kết quả là chính ISIL đang chống lại những lợi ích của Mỹ trong khu vực, trong đó có Chính phủ Iraq do Mỹ dựng lên và tài trợ.

Thực tế, Mỹ đã bị bất ngờ khi IS thay đổi mục tiêu, chưa đánh vội vào Chính quyền Assad mà tập trung tấn công chính quyền Shiite thân Mỹ ở Iraq. Bất ngờ, bởi IS từng nhận được sự ủng hộ bí mật từ phương Tây: Các cơ quan tình báo Mỹ, Anh, Pháp không chỉ dính líu đến việc tuyển dụng mà còn huấn luyện, tài trợ kinh phí cho lực lượng cảm tử của IS hoạt động cả ở Iraq và Syria. Nay thì “gậy ông lại đập lưng ông”.

Một xã hội bị tàn phá

Dường như chính sách đối ngoại của Mỹ không dựa vào những nguyên tắc nhất quán mà dựa vào những toan tính thực dụng trong việc theo đuổi những lợi ích trước mắt. Để cho lực lượng vũ trang Hồi giáo phát triển mạnh cả ở Iraq và Syria. Hậu quả là có vẻ như Washington không thu được lợi lộc gì, nay đang buộc phải đưa ra những lựa chọn mới và một cuộc can thiệp mới vào Iraq không bị loại trừ để Mỹ “làm lại từ đầu”.

Tiến hành không kích vào các lực lượng IS, Mỹ ra điều kiện Iraq phải cho phép Mỹ đặt lại căn cứ quân sự ở Iraq - điều đã bị Iraq bác bỏ hai năm rưỡi trước đây. Nói đến những lợi ích của Mỹ ở Iraq, Tổng thống Obama tuyên bố nước Mỹ đã phải đầu tư và hy sinh to lớn để mang lại cho người dân Iraq “cơ hội có được vận mệnh tốt đẹp” cho đất nước họ. Tuy vậy, ai cũng biết, cuộc chiến Iraq được tiến hành để Mỹ khẳng định vai trò tại Trung Đông và vì nguồn năng lượng khổng lồ tại đây. Khoan hãy nói đến “vận mệnh tốt đẹp” cho người dân Iraq; Trước mắt, cuộc chiến này đã tàn phá hoàn toàn một xã hội, làm hàng trăm nghìn người Iraq bị giết hại, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, kinh tế suy sụp, xã hội bị hỗn loạn dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.

Những gì đang diễn ra hiện nay ở Iraq là hậu quả của toàn bộ chính sách của Mỹ từ hơn 10 năm nay ở Iraq. Cuộc khủng hoảng lần này đe dọa nhấn chìm Iraq trong một cuộc nội chiến phe phái có quy mô như cuộc nội chiến đang diễn ra tại nước Syria láng giềng và nhấn chìm toàn bộ khu vực này vào một cuộc xung đột đẫm máu mới.

Đăng Song

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.