Điều tra

Kỳ 3: Sẽ họp báo công khai về biệt thự công vụ của ông Nghiên

05/12/2014, 06:59

"Về nguyên tắc, khi ông Nghiên thuê nhà thì cho ai ở đó là quyền của ông ấy. Tuy nhiên, đây là đặc quyền cá nhân nếu không ở nữa thì thôi, chứ không nên như thế"...

Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà ông Hoàng Văn Nghiên không chịu trả suốt 8 năm qua Ảnh: Văn Huế
Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà ông Hoàng Văn Nghiên không chịu trả suốt 8 năm qua

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông liên quan đến việc cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên suốt 8 năm không chịu trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, một lãnh đạo của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “UBND TP Hà Nội đang có chỉ đạo rất quyết liệt trong chuyện này. Theo chỉ đạo của thành phố, dự kiến trong cuối tuần này hoặc tuần sau sẽ tổ chức họp báo để thông tin chi tiết về vụ việc liên quan đến căn nhà công vụ của ông Hoàng Văn Nghiên”.

Sẽ sớm giải quyết

Vị lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội còn cho biết thêm, căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa đã có quyết định không được mua bán. Vì vậy, trong suốt những năm qua, gia đình ông Nghiên vẫn ở đây dưới hình thức thuê nhà. 

Khi phóng viên đặt vấn đề về việc ông Hoàng Văn Nghiên để cho gia đình con trai ở căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, còn ông hiện đang ở một biệt thự bề thế khác trong khu đô thị sang trọng bậc nhất Thủ đô, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói: “Về nguyên tắc, khi ông Nghiên thuê nhà thì cho ai ở là quyền của ông ấy. Tuy nhiên, đây là đặc quyền cá nhân nếu không ở nữa thì thôi, chứ không nên như thế”.

Vị này cũng thông tin, trong những năm qua, UBND thành phố cũng đã có những văn bản chỉ đạo đôn đốc về việc giải quyết căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Tuy nhiên, do chưa tìm được căn nhà nào thích hợp nên gia đình ông Nghiên vẫn ở tại đó. “Còn nguyên nhân vì sao trong gần chục năm mà chưa tìm được nhà cho ông Nghiên thì chúng tôi không thể giải thích ngay được. Chắc chắn rằng việc này sẽ rất sớm được giải quyết thôi”, vị cán bộ này cho hay.

Biệt thự cho thuê giá bèo

Theo tìm hiểu của phóng viên, Hợp đồng thuê nhà ở số 12631 ký ngày 20/7/2001 của Công ty Kinh doanh nhà số 2 (nay là Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) với ông Hoàng Văn Nghiên đã hết hạn từ 20/7/2007.  

Liên quan đến việc ông Hoàng Văn Nghiên không chịu trả lại biệt thự công vụ, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay ông cũng chưa nắm rõ được sự việc cụ thể nên đang phải chờ các văn bản báo cáo từ phía Hà Nội.

Ban đầu, ông Nghiên được thành phố cho thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa trong thời hạn 3 năm (20/7/2001 - 20/7/2004). Sau đó gia hạn đến năm 2007. Diện tích nhà được thuê là 185,6 m2 nhà/410,9m2 đất. Trong hợp đồng quy định rõ, ông Nghiên chỉ phải trả tiền thuê nhà, không phải trả tiền thuê đất, với giá thuê ưu đãi là: 2.476 đồng/m2/tháng. Tổng số tiền ông Nghiên phải trả để thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa chỉ có 459.688 đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, tuy hết hạn từ năm 2007 nhưng hiện tại căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà gia đình con trai ông Nghiên ở vẫn đang theo hình thức thuê hợp đồng, giá cả theo quy định của Nhà nước.

Thành phố đã không cương quyết

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc để ông Nghiên nhùng nhằng suốt 8 năm không trả lại biệt thự công vụ là do thành phố đã không cương quyết. “Tôi nghĩ ở đây có lẽ là do nể nang và không hiểu còn lý do nào khác nữa không mà lại khó khăn trong việc thu hồi như thế. Giả sử nếu thu hồi lại, thì có thể thành phố thay thế cho ông Nghiên căn nhà khác. Nhưng không hiểu vì sao cứ nhùng nhằng mãi như vậy, còn đâu là kỷ cương phép nước?”, ông Tiến nói và cho rằng, vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, rồi Bộ Xây dựng đã công bố danh tính của từng người đối với khu vực nhà công vụ phố Hoàng Cầu. 

“Theo tôi, UBND TP Hà Nội phải có thái độ dứt khoát như vậy, còn không thì phải nói rõ lý do như thế nào để dư luận xã hội biết”, ông Tiến đề xuất.

Hoài Thu - Văn Huế  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.