Hạ tầng

Kỳ 6: Dân thông... đường thoáng

17/09/2014, 13:26

Nhờ biết phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và các tổ chức đoàn thể nên công tác GPMB ở huyện Kỳ Anh được triển khai một cách nhanh chóng.

Phần nhà còn lại của gia đình ông Trần Xuân Liệu
Phần nhà còn lại của gia đình ông Trần Xuân Liệu


Xá chi lợi ích cá nhân


Gia đình ông Trần Xuân Liệu (54 tuổi, thôn Hoa Thắng, xã Kỳ Hoa) là một trong số những hộ dân trong thôn có diện tích đất bị giải tỏa nhiều nhất xã, nhưng ông Liệu cũng là người tiên phong tự đập nhà mình để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Chỉ tay ra tim đường, ông Liệu cho biết: “Chỗ này bữa đầu năm 2013 đã cắt cho vợ chồng thằng cả. Chúng nó vừa bỏ móng ít ngày, tính xây nhà đón bố mẹ ra ở cùng thì xã báo tin dự án QL1 đi qua. Thế là gia đình đành hoãn lại, đến khi có thông báo là gia đình di dời luôn”.


Dự án này nhà ông Liệu bị ảnh hưởng gần 800 m2 đất bao gồm: Một phần nhà, sân vườn và căn bếp… Không hề mảy may suy tính, ông Liệu đã vận động vợ con di dời tài sản, huy động anh em trong gia đình tháo dỡ bếp để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Ông Liệu cho biết: “Có đường rộng đi lại sướng, mai này nhà mình ngay sát đường có khi con cái buôn bán được cũng nên”. 


Cách đó chừng 300m, là căn nhà khang trang mới xây của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Dần. Chị Dần cho biết, năm 1997, hai vợ chồng di cư lên đây làm kinh tế mới, sau hơn ba năm làm lụng chắt bóp, cũng dựng được một căn nhà ngói ba gian. Tuy nhà không khang trang nhưng cũng là nơi cư ngụ của cả gia đình. Vừa rồi Nhà nước triển khai mở rộng QL1, nhà và bếp nằm chính giữa tim đường, giếng nước và sân vườn đều nằm trong diện tích phải GPMB. 


“Ban đầu cũng lo không biết lấy nhà rồi thì mình làm gì, tiền đền bù có đủ xây nhà mới nữa không, nhưng được chính quyền xã động viên, vợ chồng mình cũng đã chủ động bàn giao đất cho thi công đường”, chị Dần cho hay.


Ngày nhà thầu triển khai thiết bị thi công, cũng là ngày gia đình anh chị động thổ xây dựng ngôi nhà mới. Đến nay, đường sắp hoàn thành, căn nhà ba gian của anh Thanh, chị Dần cũng vừa hoàn thiện, lại nằm ngay sát mặt đường. Chưa biết đường mới như thế nào, nhưng chị Dần cũng dự tính, khi đường xong sẽ dựng thêm cái ki -ốt nhỏ làm nơi nghỉ chân cho khách đi đường.


Ở xã Kỳ Hoa, ngoài gia đình ông Liệu, chị Dần còn có 18 hộ dân khác thuộc diện tái định cư. Khi có chủ trương mở rộng QL1, cả 18 hộ dân đều đồng lòng nhất trí, hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ lợi ích quốc gia. Giờ con đường mới đã thành hình, người dân địa phương ai nấy đều vui mừng phấn khởi.


“Cán bộ di dời trước để dân theo”


Trong câu chuyện GPMB ở huyện Kỳ Anh không thể không nhắc đến tấm gương Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ, Dương Đình Hới. Gia đình ông Hới có 17 m mặt tiền nằm trong phạm vi GPMB. Bản thân là cán bộ xã, lại là thành viên Ban chỉ đạo GPMB nên ngay từ đầu ông Hới đã vận động vợ con tự nguyện chặt bỏ cây lưu niên và phá dỡ toàn bộ tường rào bao quanh để bàn giao mặt bằng cho dự án. Ông Hới cho biết: “Mình là cán bộ, không gương mẫu, không đi đầu thì sao nhân dân nghe theo. Chủ trương của xã là cán bộ, đảng viên phải đi trước làm gương cho quần chúng”. 


Ngoài ra, tại xã Kỳ Thọ, công tác GPMB được thực hiện một cách nhất quán, công khai minh bạch theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Với sự giúp sức của các tổ chức đoàn thể như chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi… chỉ sau một tháng tuyên truyền vận động, đã có trên 50% số hộ đồng ý nhận tiền bồi thường và tự nguyện giao đất, di dời tài sản. Số hộ còn tồn đọng, Ban chỉ đạo GPMB xã họp phân loại từng trường hợp, diện được bồi thường để tiếp tục tuyên truyền vận động. Đồng thời, phân công mỗi Thường vụ Đảng ủy xã phụ trách một hộ gia đình, trực tiếp tới vận động, giải thích về chính sách bồi thường GPMB cho người dân hiểu, đồng thuận. Nhờ đó, đến đầu tháng 3, dù toàn xã vẫn còn 18 hộ chưa chấp nhận phương án bồi thường của địa phương nhưng cũng đã bàn giao đất cho nhà thầu thi công.


Còn tại xã Kỳ Khang, công tác GPMB phục vụ Dự án QL1 được xem như một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của năm 2014, được cả hệ thống chính trị, các cấp đoàn hội cùng vào cuộc. Đặc biệt nhất, phải kể đến vai trò của giáo xứ địa phương. Theo thống kê của UBND xã Kỳ Khang, trong số hơn 100 hộ dân thuộc diện bị ảnh hưởng, có đến 60 hộ là giáo dân, chỉ quen với con trâu, cái cuốc mà chưa hiểu rõ quy định chính sách liên quan đến bồi thường GPMB. Ban đầu chính quyền xã cũng tìm nhiều cách giải thích, vận động nhưng do người dân chưa thông nên công tác GPMB gặp nhiều trở ngại. Chỉ đến khi có sự hợp lực của xứ đạo Dụ Thành, công tác GPMB ở Kỳ Khang mới suôn sẻ. 


Linh mục Nguyễn Ngọc Nga - Quản xứ đạo Dụ Thành, người đã đồng hành cùng chính quyền xã Kỳ Khang trong suốt thời gian thực hiện công tác GPMB cho biết, nâng cấp, mở rộng QL1 là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, được Đảng, Chính phủ và người dân cả nước quan tâm, chính vì vậy chúng tôi với vai trò là những người truyền giáo, cũng mong muốn góp một phần công sức vào dự án. Được sự tin tưởng của chính quyền xã, xứ đạo Dụ Thành đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền giải thích cho giáo dân hiểu về chính sách bồi thường GPMB, thường xuyên lồng ghép nội dung GPMB QL1 và công tác đảm bảo ATGT vào bài giảng trong ngày lễ chủ nhật để bà con giáo dân hiểu, đồng thuận cùng chính quyền.


Kết quả, đến nửa đầu tháng 3 năm 2014, 100% hộ dân ở Kỳ Khang đồng ý nhận tiền đền bù, tự nguyện giao đất cho nhà thầu. Kỳ Khang trở thành một trong ba xã đầu tiên của huyện Kỳ Anh hoàn thành công tác GPMB, vượt tiến độ huyện giao gần 1 tháng.

Văn Thanh - Trần Lộc
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.