70 năm truyền thống ngành GTVT

Kỳ cuối: Con đường rạng ngời sức sống Việt Nam

06/08/2014, 15:54

Họ đã toàn tâm, toàn ý, để lại một phần năm tháng cuộc đời mình góp phần hình thành đường Hồ Chí Minh - "Con đường rạng ngời sức sống Việt Nam" trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Cầu Năm Căn nối thị trấn Năm Căn với Đất mũi Cà Mau
Cầu Năm Căn nối thị trấn Năm Căn với Đất mũi Cà Mau


Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển


Một trong những kỷ niệm khó quên là việc lựa chọn phương án xây dựng đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Đoạn tuyến dài khoảng 8 km nhưng đã cho chúng tôi những bài học lớn về phương pháp tư duy, giải trình, tiếp thu khoa học, hướng tới mục tiêu kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.


Theo hướng tuyến quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đoạn tuyến này có chiều dài 8km (về sau chính xác là 7,47km từ phía Nam cầu Ân Nghĩa Km 92+424 đến phía Bắc cầu Sông Ngang Km 99+907). Nhiều người nói tắt là đoạn đường “qua Vườn quốc gia Cúc Phương”, nhưng thực chất đây là khu vực lõi của rừng quốc gia Cúc Phương hiện được bảo tồn nghiêm ngặt, được bao quanh bởi dãy núi đá vôi trùng điệp. Dưới chân dãy núi ở phía Tây là dòng sông Bưởi được hình thành do một đứt gãy tự nhiên với thềm sông là cánh đồng hẹp bề rộng trung bình từ 200m đến 500m, trên đó có Tỉnh lộ 437, lúc đó là đường đất bề rộng nền từ 3m đến 5m. Từ thềm sông này trở về phía Tây là vùng đồi núi hoang sơ với các khu rừng tái sinh, thảm thực vật nghèo nàn, nhiều chỗ đã bị bà con của ba thôn: Biện, Đồi và Ngang đang sinh sống dọc theo tỉnh lộ khai phá, canh tác. 


Tuy nhiên, khu vực này lại được xác định là khu đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, cần bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Môi trường. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phương án đoạn tuyến này phải được Hội đồng thẩm định Nhà nước về môi trường đường Hồ Chí Minh và Hội đồng phản biện của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam xem xét đặc biệt, có ý kiến trước khi phê duyệt. 
 

"Đoạn đường Hồ Chí Minh qua khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương bây giờ như một điểm tham quan, du lịch nổi bật trên đường Hồ Chí Minh mà mỗi khi có dịp đi ngang qua chúng tôi đều dừng lại ngắm bức tranh tuyệt đẹp, phối hợp hài hòa với thiên nhiên do con người làm nên”.

 

TS.Nguyễn Ngọc Long

Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN

Cơ quan tư vấn là TEDI đã phải nghiên cứu thêm hai phương án vòng tránh toàn bộ khu vực này về phía Đông đi ngang cửa rừng Cúc Phương và nằm trong khu vực ngập lụt hàng năm của sông Hoàng Long (Ninh Bình) và sông Bưởi (Thanh Hóa), và về phía Tây bám theo Quốc lộ 15 qua Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lạc. Những phương án này đều không phù hợp với hướng tuyến chính của đường Hồ Chí Minh và không đáp ứng được các yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, vòng tránh xa làm đường dài và đắt hơn nhiều nên không được các bên chấp thuận. Chỉ còn một phương án là nếu xây dựng đoạn tuyến bám theo Tỉnh lộ 437 thì giải pháp kỹ thuật nào sẽ được áp dụng để kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển?

Có thể nói, không có đoạn tuyến nào trên đường Hồ Chí Minh lại được “soi” kỹ như đoạn tuyến này. Trong các năm 2000, 2001, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và TEDI mà trực tiếp là anh Hà Đình Cẩn và tôi đã tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, từ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên, Văn phòng Quốc hội, các bộ, ngành liên quan và các đoàn công tác của hai Hội đồng thẩm định và phản biện đến thị sát, xem xét phương án tại hiện trường. Đây thưc sự là một mối quan tâm to lớn của những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự thượng tôn pháp luật, cân nhắc thận trọng khi quyết định giải pháp hài hòa cho sự kết hợp giữa bảo tồn di sản tài nguyên quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. 


Tuy còn những ý kiến trái ngược nhưng tại phiên họp thứ ba của Hội đồng thẩm định Nhà nước về môi trường vào tháng 9/2001, Hội đồng đã thông qua phương án đề xuất của Bộ GTVT về việc xây dựng trên đoạn tuyến sáu cầu cạn tổng chiều dài 1022,3m, sau này có hai cầu liên tiếp được nối liền nên còn năm cầu với chiều dài tăng thêm thành 1.219,45m cùng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt môi trường xung quanh, trong đó nổi bật là các quy định về vận chuyển, tập kết vật liệu, thiết bị và thanh thải thu dọn công trường. Những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới như rọ đá Maccaferri cho các đoạn đường đầu cầu chiều cao 9m đến 11m hoặc kỹ thuật vi nổ phá đá do Bộ Quốc phòng thực hiện để bảo vệ cảnh quan môi trường và đường dây điện 500KV trên hai đoạn ngắn có chiều dài tổng cộng chỉ hơn 100m đã được áp dụng ở đây.


Rõ ràng đây là một quyết định hết sức khó khăn song đã thể hiện ý chí quyết tâm của các nhà lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý trên các lĩnh vực khác nhau vì mục đích chung là phát triển bền vững. 

Cùng nhau đi nốt chặng đường cuối


Đến tháng 6/2003, tôi được điều về nhận nhiệm vụ ở Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, lại được tiếp tục tham gia đường Hồ Chí Minh với vai “nhà quản lý”. 


Từ tháng 10/2008, tôi được điều về làm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm ngành GTVT, thế là lại có dịp “hành quân” cùng Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đi nốt chặng đường cuối từ Năm Căn về Đất Mũi. Đây là đoạn tuyến mới hoàn toàn, tuy chiều dài chỉ có 50 km nhưng nằm trên một vùng đất sình lầy rất yếu đang trong quá trình cố kết. Các đơn vị tham gia mà trực tiếp là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Tư vấn TEDI, TEDI South, Vụ Khoa học & Công nghệ, Cục Quản lý xây dựng đã có công lớn trong việc đề xuất chủ trương thiết kế tuyến đường trên nền đất đang cố kết theo phương pháp “hình thành đường từng bước theo thời gian, qua nhiều giai đoạn” được Bộ GTVT chấp thuận, phê duyệt một số quy định đặc biệt trong các quyết định “khung tiêu chuẩn”. Đề xuất này có giá trị khoa học, thực tiễn cao và tiết kiệm lớn kinh phí trong tổng mức đầu tư.


Khoảng cuối năm 2008, Bộ tổ chức đoàn công tác do Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức làm Trưởng đoàn vào làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau về hướng tuyến đoạn Năm Căn - Đất Mũi. Tối hôm trước ngày diễn ra Hội nghị, chúng tôi vừa ngồi ăn cơm vừa trao đổi về phương án tuyến. Tư vấn và địa phương đều muốn đi theo phương án tuyến mới vòng tránh thị trấn Năm Căn về phía Tây để tạo cơ hội phát triển, mở rộng thị trấn sau này. Tôi và anh Phạm Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trao đổi ý kiến nhanh, thống nhất đề xuất với Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cà Mau về việc cần thiết phải ưu tiên hướng tuyến đi thẳng vào trung tâm thị trấn. Chúng tôi lập luận một cách hăng hái rằng, thị trấn Năm Căn là một trong hai điểm cuối cùng của dự án. Vì vậy, đường Hồ Chí Minh phải “đi đến” chứ không phải là “đi tránh” Năm Căn.


Mặt khác, tuyến đường xuyên qua Năm Căn lúc đó còn rất nghèo nàn sẽ tạo nên bước đột phá cho sự phát triển của thị trấn. Cách lập luận này đã thuyết phục được lãnh đạo tỉnh. Ngay hôm sau tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã nhanh chóng có kết luận thống nhất phương án hướng tuyến xuyên qua thị trấn tạo nên một đường trục đô thị với bốn làn xe làm cho Năm Căn trở thành điểm đến xứng đáng trên hành trình về đích của đường Hồ Chí Minh.


Những kỷ niệm về đường Hồ Chí Minh luôn đầy ắp trong tâm trí của những người được tham gia dự án này. Nhớ lại những kỷ niệm từ những ngày đầu tiên đi làm báo cáo quy hoạch dự án đến nay đã gần 20 năm. Trước mắt tôi lại hiện lên rõ nét hình ảnh của những người anh em, bạn bè đồng nghiệp đã cùng nhau đồng cam cộng khổ, luồn rừng lội suối để có được công trình hùng vĩ như hôm nay. Không thể kể hết tên người vì có bao lớp người đã đóng góp công sức cho dự án xuyên thế kỷ này. Họ đều là những người đã toàn tâm, toàn ý, để lại một phần lớn những năm tháng cuộc đời mình để hình thành đường Hồ Chí Minh - “Con đường rạng ngời sức sống Việt Nam” trong quá khứ, hiện tại và tương lai.


 

TS.Nguyễn Ngọc Long

Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.