Xã hội

Ký hay không ký - Câu hỏi gây chia rẽ

02/02/2018, 15:23

Cần sự tỉnh táo trong việc kêu gọi áp dụng án tử hình cho nghi phạm giết hại bé Nhật Linh tại Nhật Bản.

gia dinh be Nhat Linh keu goi chu ky de ap dung an

Bố bé Nhật Linh đeo biển kêu gọi thu thập chữ ký ủng hộ đề nghị áp dụng án tử hình cho nghi phạm 

Gia đình bé gái Nhật Linh (8 tuổi) bị sát hại ở Nhật đề nghị mọi người ký ủng hộ lời đề nghị tuyên án tử hình với nghi phạm. Chỉ riêng việc ký hay không ký đã gây chia rẽ cộng đồng mạng trong những ngày qua. Một trường học đề nghị học sinh không ký ủng hộ việc làm này đã nhận được những chỉ trích vô cùng gay gắt.

Sự việc này có hai góc nhìn

Góc nhìn từ tình cảm con người. Với góc nhìn này, việc ký là nên làm để thể hiện sự chia sẻ với đồng bào của mình.

Góc nhìn thứ 2 là từ góc độ pháp luật, bởi đây là việc liên quan đến luật pháp một quốc gia có chủ quyền - một quốc gia có hệ thống pháp luật đầy đủ và tinh thần thượng tôn pháp luật cao. Mọi động thái của gia đình nạn nhận đều có ảnh hưởng tới quá trình tố tụng của vụ án. Ảnh hưởng đó có thể là tích cực nhưng cũng có thể là tiêu cực. Và đương nhiên những ảnh hưởng tiêu cực sẽ đưa gia đình nạn nhân vào thế bất lợi. Việc này cần hết sức tránh.

Từ góc độ pháp luật nên lưu ý rằng án tử hình ở Nhật rất hiếm, nói cách khác Nhật không coi án tử hình là biện pháp để loại trừ phần tử xấu khỏi xã hội. Nếu tra cứu trên internet sẽ thấy số án tử hình được thực hiện ở Nhật trong 15 năm qua là cực ít. Ở Nhật, để áp dụng án tử hình thì tội phạm phải hội đủ 9 yếu tố trong đó có "Gây phẫn nộ trong dư luận".

Quay trở lại vụ án này: Việc gia đình bé Nhật Linh đang làm là thu thập chữ ký để bầy tỏ sự bức xúc của xã hội nhằm lên án hành vi của nghi phạm qua đó nếu bị buộc tội tòa án sẽ dùng nó làm tình tiết tăng nặng trong quá trình lựa chọn hình phạt. Vấn đề nằm ở chỗ một số tờ báo tại Việt Nam cũng như dân cư mạng đang kêu gọi ký lại viết là "Để gây sức ép cho tòa án Nhật đưa vụ án ra xét xử đồng thời áp dụng hình phạt tử hình đối với nghi phạm". Cái sai nằm ở chỗ này.

1. Pháp luật chỉ có chuyện Đúng hay Sai. Việc quyết định Đúng hay Sai, có tội hay không có tội, đáng hình phạt tử hình hay chung thân là việc của Tòa thông qua phiên xử, không phải việc của chúng ta. Nếu kẻ thủ ác đáng bị tử hình, tòa sẽ tuyên vậy, không cần chúng ta lên tiếng. Đây là việc nằm trong khuôn khổ pháp luật Nhật.

2. Việc ký tên vào một yêu cầu tước đi mạng sống của bất kỳ ai không khác gì việc thực hiện hành vi giết người đó dù gián tiếp hay trực tiếp. Như nói ở điểm 1 thì đó là việc của tòa, không phải việc của ta và nên nhớ nghi phạm trên lý thuyết vẫn đang là người vô tội.

3. Mỗi quốc gia có hệ thống pháp luật riêng và quyền thực hiện pháp luật tại nước họ là quyền tối cao, bất khả xâm phạm của quốc gia đó. Đừng nghĩ có thể gây sức ép buộc họ phải tuyên án tử hình. Kể cả việc gây sức ép ở mức chính phủ chứ đừng nói đây là mức công chúng. Nên nhớ, Thủ tướng Úc xin Thái Lan tha chết cho công dân họ bị lừa mang mang túy vào Thái còn không được.

4. Việc lấy chữ ký để nhằm mục đích thể hiện sự lên án hành vi man rợ của kẻ thủ ác và chỉ dừng lại ở đó sẽ đúng và hiệu quả hơn là việc kêu gọi áp dụng án tử hình.

5. Chúng ta không biết rõ nội tình câu chuyện này, càng không biết những việc đã đang và sẽ được làm bởi cơ quan công tố Nhật. Việc nghi phạm nhất quyết im lặng không khai là quyền được luật pháp Nhật chấp nhận. Việc của cơ quan công tố là chứng minh hắn có tội bằng chứng cớ thuyết phục. Một năm qua rất có thể là thời gian cơ quan công tố thu thập và củng cố chứng cứ và họ sẽ không đưa ra xử khi chưa chắc chắn các chứng cớ họ có đủ mạnh để buộc tội.

Vậy việc ký hay không ký có ảnh hưởng thế nào tới gia đình nạn nhân?

Đối với chúng ta, nếu không ký sẽ có cảm giác mình là người thờ ơ với nỗi đau của gia đình bé Nhật Linh nên nếu ký sẽ khiến chúng ta cảm thấy nhẽ nhõm hơn.

Ngược lại, với gia đình nạn nhân, việc ký đó nếu làm đúng mục đích sẽ giúp họ trong việc kêu gọi tòa án cân nhắc áp dụng mức án cao nhất cho nghi phạm khi hắn bị kết tội. Xin nhắc lại là chữ ký đó chỉ được xem xét sau khi tòa án đã buộc tội thành công nghi phạm và hắn lúc đó chuyển từ nghi phạm sang tội phạm và chữ ký cũng chỉ có tác dụng để tòa xem xét mức án mà thôi.

Vấn đề là sự việc này hiện đang được chia sẻ để kêu gọi chữ ký sai mục đích. Chúng ta không ý thức được tác hại của việc làm này lên quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản và đây là một việc làm rất bất lợi cho quan hệ hai quốc gia nói chung và phần nào tới gia đình nạn nhân nói riêng.

Vậy chúng ta nên làm gì?

Chúng ta nên ủng hộ gia đình nạn nhân nhưng trên hết chúng ta phải làm đúng. Thay vì kêu gọi lấy chữ ký một cách thiếu cân nhắc hãy góp ý gia đình bé nên nói rõ mục đích lấy chữ ký là để thể hiện sự phẫn nộ của dư luận đối với tội ác sát hại bé gái 8 tuổi. Đó mới là cách giúp được gia đình nạn nhân. Ký để kêu gọi tòa án đưa ra xét xử không để chìm xuống hay ký để gây sức ép đòi tòa án Nhật tuyên án tử hình với nghi phạm là hành vi đẩy gia đình nạn nhân vào thế bất lợi.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.