Xã hội

Kỳ họp ABAC III đóng góp gì cho Hội nghị Đối thoại với lãnh đạo APEC?

29/07/2022, 15:00

Ban tổ chức Kỳ họp ABAC III đã công bố nhiều đóng góp cho Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo APEC với ABAC diễn ra tại Thái Lan vào tháng 11 tới

Ngày 29/7, tại TP Hạ Long, Ban Tổ chức Kỳ họp III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) với chủ đề “Nắm bắt, Tham gia, Kiến tạo” đã họp báo để thông báo kết quả Kỳ họp kéo dài 4 ngày (26-29/7).

Kỳ họp đã thảo luận, thống nhất nhiều nội dung, đóng góp quan trọng vào báo cáo khuyến nghị chuẩn bị cho Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo APEC với ABAC, dự kiến được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 11/2022.

img

Quang cảnh buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đã thông tin nhanh kết quả các phiên họp nhóm, phiên soạn thảo các nhóm chuyên trách.

Đặc biệt, bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc đã đánh giá cao việc ABAC tổ chức Kỳ họp III năm nay tại TP Hạ Long để thúc đẩy hợp tác trong khối doanh nghiệp tư nhân APEC, cùng nhau tìm cách phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối lại các chuỗi cung ứng, hướng tới phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm trong khu vực.

img

Chủ tịch VCCI phát biểu tại cuộc họp báo.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: ABAC đã tập trung thảo luận và khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ để ứng phó với thách thức trong việc duy trì quỹ đạo tăng trưởng của khu vực trước tình hình biến chuyển ngày càng phức tạp, có độ mở lớn và thay đổi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu.

Các biện pháp để tăng cường hội nhập kinh tế sau đại dịch Covid-19 thông qua việc ủng hộ hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do Thái Bình Dương (FTAAP), đề xuất lên các bộ trưởng APEC các mục tiêu cần sớm thực hiện thông qua các chương trình hành động và ưu tiên trong 5 lĩnh vực: Chuyển đổi số; phát triển bao trùm; bền vững; thương mại và đầu tư; ứng phó với đại dịch.

Các trọng tâm của ABAC đã và sẽ tiếp tục theo đuổi là các ưu tiên trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) trong khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19; ủng hộ chương trình nghị sự toàn cầu về tính bền vững, nền kinh tế Net Zero và thúc đẩy các lộ trình phục hồi xanh, đảm bảo an ninh và an toàn lương thực.

img

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Bùi Văn Khắng phát biểu tại buổi họp báo.

Thông tin tại cuộc họp báo, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã khái quát kết quả Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2022 và Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông với sự tham gia của nhiều lãnh đạo ban, ngành Trung ương, gần 300 đại biểu là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Cụ thể, trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ Ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Khu công nghiệp Deep C với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,5 tỷ USD và lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án trị giá gần 60 triệu USD.

Quảng Ninh đã truyền tải thông điệp đến cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung và đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC nói riêng về sự chân thành mời gọi, sẵn sàng trao đổi, cởi mở tất cả các nội dung, hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển...

img

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký thoả thuận trong khuôn khổ hội nghị

Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 4 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên, mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh, 8 lần so với Đà Nẵng và quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng.

Bốn địa phương có lợi thế lớn về kết nối về hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, có trục cao tốc phía Đông nối một đầu là Thủ đô Hà Nội, một đầu là cửa khẩu Móng Cái thông với thị trường Trung Quốc khổng lồ.

Các doanh nghiệp trong vùng có thể sử dụng 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế.

Tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác. Cụ thể, Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất – thương mại gắn với thị trường Trung Quốc. Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics.

Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo. Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.